Giá xăng dầu leo cao: Đại biểu lo ngại, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói gì?
Giá xăng dầu leo cao: Đại biểu lo ngại, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói gì?
Huyền Anh
Thứ tư, ngày 25/05/2022 06:29 AM (GMT+7)
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, giá xăng dầu tăng tác động tới lạm phát, đời sống của người dân thêm khó khăn, và khó có thể giảm giá xăng dầu trong thời gian tới.
Kể từ 15h ngày 23/5, liên Bộ Công Thương-Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Đây là kỳ tăng giá thứ 3 liên tiếp kể từ cuối tháng 4. Với lần điều chỉnh này, giá xăng chính thức vượt lên trên 30.000 đồng/lít.
Giá xăng dầu leo cao, quan ngại về lạm phát, giảm thuế để hạ nhiệt
Chia sẻ với Dân Việt bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc giá xăng dầu tăng có nhiều nguyên nhân, một phần là do tác động chiến sự Nga – Ukraine làm đứt gãy nguồn cung xăng dầu, không chỉ trong nước mà còn của cả thế giới.
Tại thị trường trong nước, nguồn cung xăng dầu chịu ảnh hưởng lớn từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường.
Đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, giá xăng dầu liên tiếp tăng có tác động rất lớn đến người dân, doanh nghiệp, nhất là khi chúng ta đang chịu tác động kép từ Covid-19. Đồng thời, giá xăng dầu tăng cao tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề lạm phát.
Dù vậy, theo vị đại biểu này, chưa thể đánh giá được liệu giá xăng dầu tăng như hiện nay lạm phát có đạt được mục tiêu tăng 4% như đã đề ra hay không. Tuy nhiên, khó để hạ nhiệt giá xăng dầu, bởi còn phụ thuộc vào cơ chế thị trường.
Đồng tình, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhìn nhận giá xăng dầu điều chỉnh tăng có tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống, đặc biệt là đến vấn đề lạm phát.
Nhắc lại bài học của giai đoạn 2008, vị đại biểu TP.HCM này cho biết, tại thời điểm đó giá xăng dầu lên tới trên 140 USD/thùng. Cùng với đó, giá của lương thực thực phẩm và nhiều hàng hóa khác cũng leo thang, từ đó kéo lạm phát tăng phi mã. Lạm phát có thời điểm lên tới 23%, đời sống của người dân vô cùng khó khăn.
Ở thời điểm hiện tại, ông Ngân lưu ý mặc dù lạm phát vẫn đang kiểm soát tốt (CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021) nhưng nguy cơ lạm phát tăng cao vẫn hiện hữu. Không kiểm soát giá xăng dầu, khó kiềm chề lạm phát – theo ông Ngân.
Từ đó, theo vị đại biểu Quốc hội này, để giảm được giá xăng dầu thì các cơ quan chức năng phải trình giải pháp để giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Xăng dầu thế giới chưa có dấu hiệu giảm nên chúng ta cần công cụ thuế để kiểm soát giá", đại biểu Ngân cho hay.
Cũng bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế) phân tích, việc tăng giá xăng dầu chịu ảnh hưởng từ giá thế giới, từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải chủ động về nguồn cung, nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Muốn như thế, chúng ta phải rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các mỏ và nhà máy lọc dầu trong nước.
Mặt khác, bà Sửu nêu quan điểm, cần giảm một số lệ phí cấu thành nên giá xăng dầu. Ví dụ, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng phải tính toán để giảm, nhưng giảm như thế nào để cân bằng thu chi là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng.
"Để có dư địa giảm giá xăng, tôi cho rằng, cần tính toán tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt với một số ngành nghề dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, hoạt động giải trí, vì những ngành nghề này đã hoạt động trở lại", bà Sửu đề xuất.
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kinh tế xã hội trước Quốc hội sáng 23/5, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu rõ, cơ cấu giá xăng dầu còn chưa hợp lý (các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức…) cần sớm điều chỉnh hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên liên quan.
"Trong giai đoạn tới, Chính phủ cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương: "Vẫn còn có công cụ để hạ nhiệt giá xăng dầu"
Trong khi các đại biểu đều bày tỏ lo ngại về giá xăng dầu leo thang, bên hành lang Quốc hội Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "Thực tế, chúng ta vẫn còn có công cụ để hạ nhiệt giá xăng dầu. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước liên thông với giá xăng dầu thế giới, cho nên cơ quan chức năng phải theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để có giải pháp điều chỉnh phù hợp.
Về nguồn cung xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: "Chúng ta đang đảm bảo để không thiếu nguồn cung xăng dầu". Tuy nhiên, khi được hỏi kỳ hạn tháng 5 đã tới, câu trả lời về nguồn cung xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thế nào, người đứng đầu Bộ Công Thương chưa trả lời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.