Giá xăng dầu hôm nay 31/5: Đồng loạt tăng vọt, xăng trong nước có thể tăng gần 1.000 đồng/lít?
Giá xăng dầu hôm nay 31/5: Đồng loạt tăng vọt, xăng trong nước có thể tăng gần 1.000 đồng/lít?
P.V
Thứ ba, ngày 31/05/2022 08:42 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 31/5: Giá dầu thế giới sáng nay đồng loạt tăng vọt, vượt mức 121 USD/thùng. Do giá thế giới đạt mức cao nhất 2 tháng qua, các doanh nghiệp đầu mối trong nước dự báo, giá xăng ngày mai có thể lên 31.000 đồng/lít.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 31/5/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 117,65 USD/thùng, tăng 2,58 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 121,26 USD/thùng, tăng 1,83 USD/thùng trong phiên.
Thông tin EU thống nhất cấm vận đối với 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga và đồng USD suy yếu đã đẩy giá xăng dầu tăng vọt.
Ngày 30/5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, các nhà lãnh đạo Liên minh châu ÂU (EU) đã ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu hơn 2/3 lượng dầu mỏ từ Nga trong một thỏa thuận có sự thỏa hiệp với Hungary để trừng phạt Moscow vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Ông Michel viết trên mạng xã hội Twitter: "Nhất trí cấm xuất khẩu dầu của Nga sang EU. Lệnh cấm ngay lập tức áp dụng với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, cắt giảm một nguồn tài chính khổng lồ cho Moscow. Gây sức ép tối đa lên Nga để chấm dứt chiến sự”.
Việc nhất trí về cấm vận dầu mỏ của Nga nhằm đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Moscow.
Các nội dung khác trong gói trừng phạt mới bao gồm việc loại ngân hàng lớn nhất của Nga - Sberbank - khỏi hệ thống tài chính quốc tế SWIFT, cấm các kênh truyền thông Nga phát sóng tại EU và bổ sung nhiều cá nhân hơn vào danh sách bị phong tỏa tài sản.
Trước đó cùng ngày, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho rằng, các nước thành viên EU vẫn đang đàm phán và có thể đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga, bao gồm cả những hạn chế đối với hoạt động nhập khẩu dầu mỏ của Nga.
Khi được hỏi liệu gói trừng phạt mới, bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ Nga, có nguy cơ thất bại hay không trước sự phản đối của Hungary và các quốc gia Đông Âu khác, ông Borrell khẳng định: "Không, tôi không nghĩ như vậy... cuối cùng sẽ đi đến một thỏa thuận".
Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do đồng USD suy yếu khi thị trường hoài nghi về một đợt tăng lãi suất mới của Fed trong năm 2022 trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phải đối diện với ngày một nhiều hơn các nguy cơ dẫn tới suy thoái kinh tế.
Trước đó, giá dầu thô đã duy trì mạch tăng liên tiếp khi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu được dự báo sẽ tăng “nóng”trong mùa hè và các thành phố, trung tâm thương mại, công nghiệp lớn của Trung Quốc được gỡ bỏ lệnh phong toản, trở lại trạng thái bình thương.
Thông tin quan trọng nhất thị trường chờ đợi trong phiên giao dịch ngày hôm qua là việc Liên minh châu Âu EU họp bàn với nhau để thống nhất lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, trước thềm cuộc họp cấp cao kéo dài trong 2 ngày. Hôm qua cũng là thời điểm quan trọng khi Thượng Hải tiến hành dần dỡ bỏ một số các hạn chế đi lại và quy định kiểm soát dịch Covid-19. Đây là yếu tố chính khiến cho giá cả dầu thô và các sản phẩm lọc dầu đều đóng cửa trong sắc xanh.
Rạng sáng hôm nay, EU cho biết đã thống nhất được một lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga như đã nêu trên, sau khi tiến hành nhiều cuộc thương lượng giữa các thành viên từ ngày 4/5. Tuy vậy, theo thông tin mới nhất, trước mắt lệnh cấm vận này chỉ bao gồm lượng dầu nhập khẩu qua đường biển. Như vậy, tạm thời các quốc gia EU vẫn có thể tiến hành nhập khẩu dầu của Nga thông qua các đường ống dẫn.
Theo dữ liệu mới nhất, lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga trong tuần kết thúc ngày 27/5 lên đến 3,58 triệu thùng/ngày, tuy nhiên trong số đó hơn 1 triệu thùng/ngày là các chuyến tàu chở dầu đến châu Á. Như vậy, mặc dù chưa có thông tin cụ thể về ngày bắt đầu lệnh cấm, cũng như thời hạn tuân thủ và các miễn trừ cho các thành viên trong khối EU, về lý thuyết thị trường sẽ thiếu hụt ít nhất 2 triệu thùng/ngày, và làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt nguồn cung cũng như làm suy yếu tồn kho dự trữ. Dù vậy, với 240 triệu thùng dầu/ngày dự kiến được các thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA và Mỹ tung ra cho thị trường trong năm nay, mức thâm hụt vẫn chưa quá cao.
Theo quy định, kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo là vào ngày mai (1/6). Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 26/5 với RON 92 là 139,75 USD/thùng, còn RON 95 là 147,93 USD/thùng, tăng so với chu kỳ trước.
Theo các doanh nghiệp, tính chung cả tuần, giá dầu thô Brent đã tăng tới 6%, chạm mức cao nhất 2 tháng qua và giá dầu thô WTI tăng 1,5%. Do đó, kỳ điều hành này giá xăng và dầu sẽ điều chỉnh tăng. Nếu không sử dụng và trích thêm Quỹ bình ổn, xăng có thể tăng trong khoảng 200-700 đồng/lít, còn dầu tăng khoảng 400 đồng.
Ngày 23/5, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành giá từ ngày 24/5.
Theo đó, tại kỳ điều hành ngày 23/5, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định ngừng trích lập và thực hiện chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đối với các loại xăng để giá xăng trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng thế giới. Bên cạnh đó, liên Bộ quyết định tăng trích lập Quỹ BOG đối với các loại dầu nhằm duy trì Quỹ BOG để có công cụ điều hành trong thời gian tới.
Cụ thể, thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít) và xăng RON 95 ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa là 300 đồng/lít và dầu mazut là 400 đồng/kg. Thực hiện chi Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước không chi), các mặt hàng dầu không chi.
Ngày 31/5, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể như sau: Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 29.633 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 30.657 đồng/lít; giá dầu điêzen 0.05S không cao hơn 25.553 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 24.405 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.598 đồng/kg.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục tăng "nóng", quỹ bình ổn đã cạn kiệt, giải pháp khả thi hơn cả để điều tiết giá là giảm thuế, phí. Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng chắc chắn giúp “hạ nhiệt” giá bán mặt hàng này, giảm áp lực lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp.
Câu chuyện giá xăng dầu cũng được bàn thảo nhiều tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. Theo đó, giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép đến lạm phát năm 2022. Trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến cho rằng bên cạnh việc cần đặc biệt chú ý về nguy cơ lạm phát từ bên ngoài, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.