Sau khi cây cam sành nhiễm bệnh hàng loạt, không còn mang lại giá trị kinh tế cao, người nông dân đứng trước tình cảnh hoang mang không biết nên lựa chọn đầu tư loại cây trồng nào để ổn định cuộc sống.
Một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sầu riêng theo hướng chuyên canh, và hiện tại kết quả mang lại đã chứng minh sự đúng hướng trong canh tác nông nghiệp.
Là một trong số ít người đầu tiên mang cây sầu riêng về vùng đất Bảy Thưa - Tân Thành, ông Phan Thanh Hải cùng vợ đã lặn lội qua tận Cái Mơn để tuyển lựa 100 cây sầu riêng giống chất lượng tốt. Vì giá cây giống sầu riêng cao, thời gian đầu tư chăm sóc lâu dài nên khâu chọn giống vô cùng quan trọng đến năng suất trái về sau.
Chọn trồng sầu riêng là một quyết định có phần mạo hiểm ngây tại thời gian đó đối với ông Hải bởi bản thân ông cũng chưa từng tìm tòi về kỹ thuật trồng sầu riêng này trước đây.
Tuy nhiên với sự cần cù vốn có của một người nông dân cùng với sự ham học hỏi ông đã chăm bón vườn cây tốt tươi ngoài mong đợi. Ông Phan Thanh Hải, ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành, TP Ngã Bảy chia sẽ: “Cây sầu riêng chăm sóc cũng bình thường thôi nhưng phải chăm sóc à, chứ bỏ nó là không được tại vì khi mà cơi đọt lú ra mình không xịt thuốc rầy là bị ăn còi hết. Mình phải xịt một tuần 1 lần, xịt xong sau 1 tuần sau xịt tiếp. Khi mà đọt lá sầu riêng lụa mình mới không xịt nữa”.
Nhìn những cây sầu riêng mang trái trĩu nặng, có cây say trái tới cả trăm kg khiến bà con trong vùng ai cũng tấm tắc khen ngợi.
Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, tránh bị “dội chợ”, ông Hải dự định sau vụ này sẽ thử nghiệm xử lý sầu riêng cho trái sớm.
Bắt đầu khoảng tháng 8, ông xiết nước kết hợp phun thuốc nhằm tạo mầm hoa. Khi cây đậu hoa, ông tiến hành bón phân, phun thuốc theo định kỳ để cây phát triển. Khi ra trái, ông tỉa bớt những trái xấu, tập trung dinh dưỡng nuôi các trái còn lại. Mỗi cây, ông chừa lại khoảng 50 trái.
Bà con nông dân cho biết, năm nay tuy sầu riêng không xuất khẩu được nhưng trong nội địa ăn rất mạnh.
Giá sầu riêng hiện tại tương đối ổn chứ không sụt mấy. Tuy ông Hải mới bán được đợt trái sầu riêng đầu tiên trong năm nhưng giá sầu riêng cũng ở mức 43.000 đồng/kg đối với giống sầu riêng Ri6, riêng giá sầu riêng Monthong cũng được 50.000 - 53.000 đồng/kg thương lái lại cân bán tại vườn, đầu ra vô cùng ổn định.
Đợt trái đầu tiên này khả năng vườn sầu riêng của ông Hải đạt sản lượng khoảng 8 tấn, hiện tại ông đã bán được hơn 700 kg.
Bí quyết trồng sầu riêng của ông Hải chia sẻ là ông chỉ trồng một loại cây sầu riêng chứ không xen bất kì một loại cây trồng nào khác, ông cho biết: “Cái cây có múi bị hư rồi mình trồng sầu riêng thì nó chịu đó, nhưng mà thí dụ trước đây mình trồng mít rồi mít hư mình cưa bỏ trồng lại sầu riêng thì rể mít không tốt với cây sầu riêng. Lúc cây sầu riêng còn nhỏ thì không để nước nhiều. Còn khi cây sầu riêng bông thì phải siết nước, tới khi nở nhụy, thành trái luôn vẫn siết nước, chứ nước vô là bị rụng hết”.
Cũng chuyển đổi thành công với mô hình trồng sầu riêng, vườn trái của chị Nguyễn Thị Trường ở ấp Đông Bình, xã Tân Thành, TP Ngã Bảy được gia đình đầu tư ngót nghét cả tỷ đồng. Trong tổng số 300 cây sầu riêng của chị thì đã có 200 cây đang cho trái.
Vườn sâu riêng 7 năm tuổi của chị Trường được đầu tư bài bản với hệ thống tưới phun sương, quy cách 1 cây có 4 vòi phun nước.
Với hệ thống tưới tự động này chị Trường đã đầu tư hơn 10 triệu cho 1 công để nâng cao hiệu quả trong quá trình canh tác, giúp chủ động thời gian, tiết kiệm nhân công, chi phí, vừa đảm bảo cây ướt đều với lượng nước vừa đủ.
Năm nay là năm thứ 2 vườn sầu riêng cho trái ngọt khiến gia đình chị vui mừng khi bắt đầu thu lại lợi nhuận sau nhiều năm đầu tư. Chị Trường cho biết vườn sầu riêng của chị sẽ cho khoảng 19 tấn trái. Trong hơn 100 cây mới trồng thêm sau này, chị Trường quyết định chọn giống sầu riêng Monthong để mang lại lợi nhuận cao hơn.
Chị Nguyễn Thị Trường ở ấp Đông Bình, xã Tân Thành, TP Ngã Bảy thông tin thêm: “Sầu riêng Thái thì trồng trái tương đối đậu hơi khó một tí, nhưng mà thật sự rất là tốt bởi vì hàng sầu riêng Thái không bệnh trái, thứ 2 trái nặng kí, còn lá nó cũng không bị bệnh nữa. Còn sầu riêng Ri6 này bệnh thường lắm, nó bệnh tùm lum hết chơn. Bệnh thúi trái, thúi hong, sâu cũng dễ hơn nữa, cháy lá cũng dễ hơn nữa...”.
Cũng có ít kinh nghiệm trồng sầu riêng nên ai đến hỏi thăm chị Trường đều chia sẽ cách chăm sóc cây đạt theo ý muốn. Chị cho biết vào lúc giai đoạn cây sầu riêng làm lá thì tầm khoảng nửa tháng sẽ rãi phân một lần.
Khi cây sầu riêng bắt đầu nuôi trái thì 1 tuần rãi phân 1 lần, mỗi cây độ khoảng nửa kí phân. Đến khi trái sầu riêng còn non thì mỗi cây khoảng 1kg phân bón, đến khi trái to đều đẹp sẽ giảm lượng phân bón xuống cho phù hợp.
Tất cả các loại phân bón đều nằm trong danh mục cho phép và theo đúng thành phần dinh dưỡng để cây sầu riêng lớn trái, đến lúc trái sửa soạn vô cơm thì tăng mạnh phân kali. Chị Nguyễn Thị Trường ở ấp Đông Bình, xã Tân Thành, TP Ngã Bảy cho hay.
"Trồng sầu riêng cực nhưng rất là vui, khi mà có trái thì bán rất là vui, có tiền. Năng suất sầu riêng cao hơn mấy loại cây trồng khác.
Đợt rồi bán sầu riêng, cứ bán được 500 theo như mình lời, mình xuất công ra mình làm thì mình lời cỡ 300, nhưng mà mình mướn thì cỡ 200 mấy hà.
Nói chung là cây sầu riêng người ta ăn cũng ưa chuộng lắm. Cho dù sầu riêng có hơi rẻ chút nhưng đầu ra rất là dễ”, chị Trường tâm sự.
Ban đầu trồng sầu riêng, nông dân cũng gặp nhiều khó khăn. Đây là loại cây rất khó tính, ưa đất phù sa, chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, thường xuyên xuất hiện các loại bệnh như xì mủ, cháy lá, sâu đục thân,…
Do đó nhà vườn vừa phải áp dụng khoa học kỹ thuật vừa phải tỉ mỉ chăm sóc chẳng khác nào chăm “con mọn”, nhất là phải chuẩn bị nguồn vốn tương đối lớn.
Năm nay, do dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn ở mức cao khiến người nông dân gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao. Hy vọng năm tới sầu riêng bán được giá, nông dân có thu nhập để tái sản xuất tốt.
Hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng không chỉ giúp nhiều gia đình vươn lên khá giàu, mà còn là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, nhất là quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương. Hiện nay, mô hình trồng cây sầu riêng của ông Hải, chị Trường đang được nhiều nông dân đến tham quan học tập, áp dụng và nhân rộng.
Tuy nhiên, để phát triển mô hình, nông dân cần trang bị kiến thức chăm sóc cây sầu riêng một cách cơ bản, nhất là kỹ thuật mới cũng như nắm bắt rõ “tính nết”, đặc điểm sinh trưởng của cây sầu riêng. Ngoài ra, do chi phí đầu tư mô hình khá cao, nông dân cần tính toán kỹ, thận trọng trước khi triển khai thực hiện để tránh tình trạng “được mùa, mất giá” dẫn đến thua lỗ trong sản xuất.