Trồng cây cóc Thái nhìn đâu cũng thấy trái, ít tốn phân tro mà nông dân Hậu Giang lãi lớn
Hậu Giang: Trồng thứ cây ra trái quá trời, bán chỉ để ăn vặt mà nông dân ở đây "lãi quan viên"
Nguyễn Cẩm Trúc (TTKN tỉnh Hậu Giang)
Thứ sáu, ngày 08/04/2022 06:15 AM (GMT+7)
Chị Nguyễn Tuyết Lệ, ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) có cách làm giàu khác. Đó là chị Lệ chọn trồng 150 cây cóc Thái. Vườn trồng cóc Thái của chị giờ cho trái, hiện bắt đầu cho thu hoạch, mang lợi nhuận cao.
Xã Đại Thành là xã có diện tích đất nông nghiệp lớn, nhiều hộ dân xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã mạnh dạn chuyển đổi sang nhiều mô hình cây ăn trái có hiệu quả như: trồng sầu riêng, trồng mít Thái, trồng chôm chôm Thái.
Riêng gia đình Chị Nguyễn Tuyết Lệ, ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy lại có cách làm giàu khác. Đó là chị Lệ chọn trồng 150 cây cóc Thái. Vườn trồng cóc Thái của chị giờ cho trái vài năm nay, hiện bắt đầu cho thu hoạch, mang lợi nhuận cao.
Chị cho biết, cây cóc Thái rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng thấp.
Nếu như trái cóc thông thường chỉ bán từ 4.000 - 5.000 đồng/kg thì trái cóc Thái bán được với giá cao hơn, từ 14.000 - 15.000 đồng/kg. Từ 150 cây cóc Thái trên 3 năm tuổi, mỗi năm cho chị Lệ thu nhập trên 160 triệu đồng, trừ tất cả chi phí, lợi nhuận 110 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) cho biết: Thực hiện chương trình về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã triển khai trong cán bộ, hội viên, nông dân nhiều mô hình sản xuất.
Trồng cây cóc Thái là một trong những mô hình khá hiệu quả bởi chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao. Thời gian tới, Hội Nông dân xã Đại Thành tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình tại các ấp, trên địa bàn.
Với hiệu quả kinh tế khả quan, cây cóc Thái đang là hướng đi mới, phù hợp, góp phần cải thiện kinh tế, mang lại lợi nhuận cho nông dân tại địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.