Với con số ấn tượng 4.000 du khách tham quan/năm, mô hình vườn cây ăn trái của chị Nguyễn Thị Mạnh đã dần trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Qua những tín hiệu khả quan từ mô hình du lịch, chị Mạnh đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong cách làm kinh tế của mình...
Chị Nguyễn Thị Mạnh bên vườn sầu riêng chuẩn bị đón những đợt khách du lịch tới thăm quan, thưởng thức.
Cách Quốc lộ 27 khoảng 4km, trên con đường bê tông thẳng tấp, chúng tôi đến vườn cây ăn trái của chị Mạnh đúng vào mùa cây ăn quả nở rộ, mùi thơm nồng nàn của sầu riêng càng thu hút chúng tôi khám phá khu vườn. Đón chúng tôi từ ngoài cổng, chị Mạnh vui vẻ: Còn vài tuần nữa thôi là vườn cây chật kín khách đấy em!
Được chị dẫn tham quan khắp vườn cây ăn trái, chúng tôi được biết vườn của chị rộng hơn 1,6 ha với đủ các loại cây ăn quả như: Sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bơ, ổi… được trồng cách đây 10 năm, vì thế, tán cây vươn dài, cao lớn che mát cả khu vườn rộng lớn. Vườn đông khách là thời điểm mùa sầu riêng, mùa chôm chôm chín rộ...
Ngoài gia đình chị Nguyễn Thị Mạnh, hiện ở xã Lâm Sơn có hơn 20 hộ cũng bắt tay vào làm du lịch miệt vườn, du lịch vườn cây ăn trái. Riêng gia đình chị Mạnh mỗi năm đón hơn 4.000 khách tới thăm quan, sử dụng dịch vụ, sau khi trừ chi phí, chị Mạnh còn lãi 250 triệu đồng/năm.
Vào năm 2015, tình cờ chị Mạnh có cho nhóm bạn trẻ tham quan vườn miễn phí, thấy được vẻ đẹp cùng sự nhiệt tình của chị, đoàn đã giới thiệu nhiều nhóm bạn đến tham quan, dần về sau thu hút rất đông du khách.
Từ cơ duyên đó, năm 2016, chị Mạnh cùng gia đình quyết tâm bắt tay vào xây dựng bài bản mô hình du lịch miệt vườn để phục vụ tốt hơn cho du khách. Với giá tham quan từ 30-40.000 đồng/người, du khách được thưởng thức miễn phí chôm chôm ngay tại vườn. Ngoài ra, chị Mạnh còn kèm thêm dịch vụ nấu ăn với các món ăn đậm chất miệt vườn cho nhóm du khách có nhu cầu. |
Thông qua cách thiết kế khu vườn độc đáo và lạ mắt, chúng tôi hiểu hơn về tâm huyết của chị Mạnh khi đầu tư vào mô hình du lịch vườn cây ăn trái này. Từng khu vực vườn được sắp xếp theo dạng bậc thang với các dãy đá chất chồng lên nhau, hệ thống nước được dẫn từ thượng nguồn chảy quanh vườn tạo sự mát mẻ. Các loại cây trồng được trồng xen lẫn vào nhau để du khách chụp ảnh lưu niệm mọi lúc, mọi nơi.
Chia sẻ về ý tưởng thiết kế khu vườn, chị cho biết, nếu để nguyên trạng và không có điểm nhấn trong vườn, thì khó lòng mà níu chân du khách vào dịp sau nên chị nảy ra ý định tạo nét đặc trưng cho khu vườn giống như vườn trái cây miền Tây.
Hằng năm, gia đình chị Mạnh đều cố gắng thay đổi và thêm nhiều chi tiết mới trong khu vườn để du khách cảm nhận được sự chân quê, sự bình yên của vùng quê vùng cao khi đến tham quan, sau những ngày lao động vất vả. Bên cạnh đó, chị còn trở thành một “hướng dẫn viên du lịch” để tiếp đón du khách và giới thiệu cho họ từng loại cây, cách trồng, đặc điểm của cây, nhờ đó, mà nhiều du khách ở thành phố rất thích thú.
Từ những nét độc đáo của khu vườn cùng những ý tưởng làm du lịch đầy tính sáng tạo và mạnh dạn, nhờ vậy, mà số lượng khách du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước, cho gia đình chị lãi hơn 250 triệu đồng/năm.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lâm Sơn, cho biết: Sự thành công của mô hình du lịch vườn cây ăn trái của chị Mạnh không chỉ dừng lại ở việc đón nhiều khách du lịch mà còn là niềm vui, sự hài lòng của du khách chia sẻ khi ra về. Chị Mạnh đã khẳng định được cho nhiều hội viên địa phương một điều rằng chỉ cần sự cần cù, mạnh dạn và sáng tạo, thì không có gì là không thể làm được, do đó, chị trở thành gương điển hình cho rất nhiều chị em tại địa phương học hỏi trong cách làm du lịch, phát triển kinh tế hộ gia đình. |
Lê Thi (Báo Ninh Thuận)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.