Theo chia sẻ của ông Vy Văn Hiệu, thôn Hạ Long, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, hiện nay nhà ông có 4 cây vải không hạt đã cho thu hoạch bói.
"Khi ghép thành công giống vải thiều không hạt lên cây vải thường, tôi hết sức bất ngờ về kết quả. Đến lúc tung ra thị trường, nhiều người dân tò mò đến mua, dù giá lên tới cả trăm ngàn đồng/kg nhưng không còn vải để bán", ông Hiệu nói.
Ông Hiệu cho biết, ưu điểm của vải không hạt là ít chăm sóc, không sâu cuống, quả mọng nước mà rất kinh tế. Hiện tại, 4 cây vải cho sản lượng khoảng hơn 1 tạ. Vải được bán với giá 100.000 đồng/kg nhưng không có mà bán dù nhiều người hỏi mua.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Dân Việt, giống vải thiều mới này cũng được gia đình ông Lường Văn May (xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) trồng cách đây 3 năm với số lượng khoảng 75 cây.
Anh Lường Văn Phúc (con trai ông May) cho biết, vụ vải thiều năm 2022, trong vườn có 50 vải thiều không hạt đã cho trái bói. Quả vải chín có màu đỏ rất đẹp, ăn giòn ngọt và đặc biệt là không hạt, hoặc hạt rất bé. Điều kiện chăm sóc giống vải này không khác gì giống vải thiều bình thường.
Được biết, những cây vải thiều đặc biệt này được lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang gửi cho ông Lường Văn May trồng thử nghiệm từ 3 năm trước.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang cho biết, cách đây ít ngày, ông đã lên vườn của nhà ông Lường Văn May kiểm tra và thu hoạch thử những cây vải thiều không hạt. Đây mới là vụ cây cho ra quả bói nên chưa thể đánh giá về sản lượng, năng suất.
Bước đầu cho thấy, giống vải này chín cùng vải chính vụ, nhưng vỏ dày hơn, dễ bảo quản. Vải thiều không hạt cho vị ngọt riêng biệt, giòn hơn.
Theo ông Thành, vải thiều không hạt có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sở NNPTNT đã đưa giống vải này về trồng thử nghiệm tại xã Tân Sơn (Lục Ngạn) từ năm 2019. Số lượng vải đưa về hơn 500 cây, mục đích đưa về trồng tại Lục Ngạn nhằm khảo nghiệm xem giống vải này có thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây hay không.
Hiện một số nhà vườn đã chuẩn bị sẵn gốc để ghép vải không hạt, mở rộng diện tích. Ông Thành cho biết, Sở NNPTNT sẽ tiếp tục khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả để khi phát triển giống vải thiều không hạt này sẽ đảm bảo được tính ổn định, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Trò chuyện với PV, anh Lường Văn Phúc cũng khẳng định, giống vải thiều không hạt sẽ có nhiều lợi thế trên thị trường, cạnh tranh tốt với giống vải thiều thông thường. Do đó gia đình anh dự tính sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích, sau đó sẽ thay thế dần những cây vải thiều cũ đã già cỗi, sâu bệnh...
"Vụ vừa qua vườn mới cho trái bói, năng suất vài chục kg/gốc nên gia đình cũng không bán. Tuy nhiên, khi tôi đăng hình ảnh, câu chuyện lên mạng xã hội Facebook, thì người quen rồi khách hàng hỏi mua tới tấp. Nhiều người muốn mua về làm quà biếu, gọi điện cho tôi đặt hàng tới "cháy" cả máy" - anh Phúc chia sẻ.
Khi PV hỏi có lo ngại khi cây vải thiều không hạt cho năng suất không ổn định, giá cao sẽ khó tìm đầu ra, anh Phúc khẳng định: Hiện nay giống vải thiều mới trồng thử nên sản lượng rất ít, chắc chắn sẽ "cháy hàng". Còn sau này, nếu nhân rộng thành công thì cũng không đáng ngại. Vải thiều không hạt sẽ được chúng tôi định hướng chăm sóc theo quy trình VietGAP, GlobalGAP ngay từ đầu, phục vụ những khách hàng cao cấp hơn. Cũng giống như chúng ta ăn nho không hạt của Mỹ, Úc, dù giá cao nhưng vẫn thích mua.
"Ưu điểm lớn nhất của nó là không hạt để phục vụ cho chế biến, vì không phải mất công tách hạt, cũng như tăng giá trị quả vải vì phần ăn được nhiều hơn. Vải thiều không hạt có vỏ cứng hơn nên dễ bảo quản và đáp ứng được những thị trường xuất khẩu cao cấp ở châu Âu", ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết thêm.
Cũng theo lãnh đạo huyện Lục Ngạn, sang năm 2023, huyện sẽ mở rộng diện tích trồng giống vải thiều không hạt.
Quả vải thiều không hạt rất được ưa chuộng ở thị trường Trung Quốc do có màu sắc đẹp, cùi trong và giòn, vị ngọt thanh. Nhưng do khó trồng, sản lượng thấp nên mỗi hộp với 48 quả vải thiều không hạt có giá cao tới 550 nhân dân tệ (khoảng gần 2 triệu đồng), cung không đủ cầu.
Đại diện nhóm nghiên cứu vải thiều và nhãn thuộc Viện Khoa học nông nghiệp nhiệt đới Trung Quốc cho biết, vải thiều không hạt được nhân giống thành công từ năm 1997 và đã được trồng hơn 20 năm, tỷ lệ quả không hạt đạt hơn 95%. Do độ thơm ngon và giá thành cao nên đã từng phát triển nhanh chóng vào năm 2000.
Tuy nhiên, canh tác vải thiều không hạt lúc đó gặp nhiều trở ngại như: ra hoa không ổn định và rất khó khăn vào những năm có mùa đông ấm. Dễ xảy ra hiện tượng nứt quả, rụng quả, thiệt hại trên 40%, có năm lên tới 90%, ảnh hưởng lớn đến lợi ích kinh tế của người trồng.
Vì vậy, 10 năm qua, diện tích canh tác giống vải này đã bị thu hẹp, thậm chí bỏ hoang.
Mãi tới thời gian gần đây, nhờ những đột phá về công nghệ, tại cơ sở thí điểm trồng vải thiều không hạt có diện tích 200 mẫu ở thị trấn Lão Thành, huyện Trừng Mại (tỉnh Hải Nam), các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu và khắc phục được những điểm yếu nói trên của giống vải thiều không hạt. Tỷ lệ quả thương phẩm đạt 86,1%, đem lại giá trị kinh tế rất cao, tương đương 40.000 - 80.000 nhân dân tệ (khoảng 140 - 280 triệu đồng)/mẫu.