Trồng bí xanh mùi thơm trên nương, người Mông ở Điện Biên chả phải chăm sóc bán lại dễ như ăn kẹo
Lên Tìa Dình xem người Mông trồng bí xanh trên nương, chả cần chăm sóc, ăn lại có mùi thơm
Vinh Duy
Chủ nhật, ngày 17/07/2022 19:12 PM (GMT+7)
Tại xã vùng cao Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) những năm gần đây, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây ngô, sắn, lúa nương sang trồng bí xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giống bí xanh ăn lại có mùi thơm, ai thử qua một lần là nhớ mãi.
CLip: Giống bí xanh đặc sản của người Mông xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. (Video: Vinh Duy)
Nông sản sạch như bí xanh Tìa Dình
Năm 2021, sản phẩm bí xanh Tìa Dình đã được UBND tỉnh Điện Biên công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Cây bí xanh trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân Tìa Dình xóa đói giảm nghèo.
Cây bí xanh giờ đây được trồng khắp nơi trên các nương, sườn đồi ở bản Chua Ta A, xã Tìa Dình thay cho cây sắn, ngô, lúa nương. Cây bí xanh bò lan tự nhiên dưới mặt đất không cần bắc giàn hay trồng thành hàng thành lối gì.
Gia đình anh Anh Giàng A Xìa, bản Chua Ta A, xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) có hơn 1.000 m2 đất nương trồng bí được chuyển đổi từ đất trồng cây ngô.
Sau khi thu hoạch, gia đình anh Xìa bán trực tiếp tại vườn cho hợp tác xã với giá từ 8.000-10.000 đồng/kg. Với hơn 1.000m2, gia đình anh Xìa thu về gần 10 triệu đồng mỗi vụ. So với cây sắn, cây ngô thì cây bí xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.
Anh Xìa nói: Trồng bí rất dễ chăm sóc, chỉ phải làm cỏ 1 lần lúc bắt đầu xuống giống, sau đó cứ để cây bí tự bò lan trên đất, không cần bắc giàn cho bí leo, cây nào sống thì đều cho quả. Đến vụ chín thì cả gia đình tôi đi thu hoạch, quả nào già thì thu trước. Đối với tôi và người dân Tìa Dình nhận thấy trồng bí hiệu quả kinh tế hơn trồng cây ngô hay lúa nương.
Ông Tráng A Lầu, Phó Chủ tịch UBND xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) cho biết: Trước đây nhiều năm, người dân xã Tìa Dình đã trồng giống bí xanh này nhưng chủ yếu người dân trồng để phục vụ nhu cầu gia đình.
Từ năm 2018, nhận biết được giá trị của cây bí xanh lại được sự quan tâm của chính quyền huyện Điện Biên Đông, xã Tìa Dình đã chú trọng phát triển cây bí theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Chính quyền xã Tìa Dình đã cùng với ngành nông nghiệp huyện vận động bà con mở rộng diện tích, phát triển cây bí xanh theo hướng hàng hóa.
Bí xanh Tìa Dình góp phần xoá nghèo
Đến nay, toàn xã có khảng 100ha diện tích đất trồng bí với trên 100 hộ dân tham gia, chủ yếu là bà con dân tộc Mông.
Thực tế cho thấy nếu so sánh với các loại cây trồng khác như ngô, lúa nương, sắn…trên cùng một đơn vị diện tích thì bí xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2-3 lần. Giống bí xanh Tìa Dình là loại bí ruột đặc, quả chắc và ăn rất thơm, dễ bảo quản, phù hợp với việc vận chuyển đi xa. Cây bí xanh đã và đang giúp bà con nơi đây cải thiện được đời sống, nâng cao thu nhập.
Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thành lập Hợp tác xã Tìa Dình đứng lên xây dựng liên kết chuỗi, với sự tham gia của nhiều hộ dân để phát triển diện tích cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Giàng A Sử, Giám đốc Hợp tác xã Tìa Dình cho biết: Hợp tác xã đã cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các thành viên và người dân đầu tư chăm sóc, mở rộng diện tích trồng và quan tâm đến các khâu từ thu hoạch, bảo quản sao cho đảm bảo giữ được chất lượng cao khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt, Hợp tác xã đã tăng cường liên hệ với các đơn vị, doanh nghiệp để tìm đầu ra tiêu thụ ổn định cho sản phẩm bí xanh. Hợp tác xã đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho bà con nhân dân để góp phần phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) cho biết, đối với cây trồng trên nương đặc biệt là cây trồng trên đất dốc, những năm qua huyện đã xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương như cây bí xanh của xã Tìa Dình, lạc đỏ ở xã Na Son và khoai Sọ ở xã Phì Nhừ.
Những sản phẩm này hiện đã được tỉnh Điện Biên công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, trở thành những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện.
Phòng NNPTNT huyện Điện Biên Đông đã kết nối với một số doanh nghiệp, ký kết hợp đồng và bao tiêu sản phẩm cho bà con, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế của xã Tìa Dình nói riêng và toàn huyện Điện Biên Đông nói chung.
Chúng tôi kỳ vọng sản phẩm bí xanh sẽ phát triển vững chắc trên thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.