Ngày 2/8, tại buổi đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với nông dân, trong đó có đến 50 ý kiến của 9 nhóm vấn đề mà nông dân kiến nghị với lãnh đạo tỉnh.
Đó là các vấn đề như giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid 19; quy hoạch đất đai để nông dân được giao đất lâu dài ổn định sản xuất; việc thúc đẩy liên kết giữa nhà nông, doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông dân; việc xây dựng nông thôn mới; tiếp cận các nguồn vốn vay của nông dân; vấn đề ô nhiểm môi trường; việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân nông thôn; bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện và các cơ chế, chính sách của tỉnh.
Tại buổi đối thoại, nhiều nông dân kiến nghị với lãnh đạo tỉnh, trong đó chủ yếu là, hiện nay tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân sau đại dịch Covid-19 gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh phí đầu tư ban đầu như giá phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu… đều tăng giá; trong khi đó sản phẩm nông nghiệp bán ra với giá thấp; thương lái ép giá gây ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nông dân. Nguồn vốn hỗ trợ các hợp tác xã còn hạn chế, đặc biệt khả năng tiếp cận thị trường, liên kết hợp tác sản xuất yếu và nhiều nguyên nhân khác.
Clip: Nông dân các địa phương gửi kiến nghị tới UBND tỉnh Quảng Nam tại buổi đối thoại.
Bên cạnh đó, một số nông dân miền núi, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo thì chắc chắn rất khó khăn về vốn để đầu tư ban đầu. Vì vậy đề kiến nghị HĐND và UBND tỉnh xem xét, đối với hội nghèo, hộ cận nghèo ở miền núi khi thực hiện dự án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại có thể cho bà con tạm ứng trước 50% tổng vốn hỗ trợ thực hiện dự án.
Bên cạnh việc phản ánh các chính sách ra, một số ngư dân còn kiến nghị về NĐ 67, hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ, khi đóng tàu đóng không đảm bảo nên tàu đã bị mục, hư hỏng. Ngư dân tốn tiền sửa chữa, giá dầu cao, tình hình biển đảo bất ổn, tiền hỗ trợ dầu chậm…,ngư dân không có tiền trả gốc và lãi cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, ngư dân đề nghị giúp đỡ ngư dân có bến đỗ, giảm lãi suất ngân hàng, tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nên giảm máy nhắn tin vì máy hành trình đã theo dõi 100% nên khó khăn cho ngư dân đi hành nghề thu mua, đánh bắt…
Về vấn đề này, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam cho biết, nguyên nhân giá tăng cao là do dịch nên các vấn đề sản xuất bị gián đoạn, bên cạnh đó tình hình chính trị thế giới phức tạp, biến đổi khí hậu. Trước việc này, Bộ NNTPNT đã yêu cầu yêu cầu cung ứng đủ các vật tư, bà con tiết kiệm chi phí sản suất, thực hiện canh tác theo hướng hữu cơ.
Còn đối với các chính sách, nghị quyết số 17 về hợp tác sản xuất, toàn tỉnh đã đồng loạt triển khai, hiện có 42 chuỗi liên kết của các huyện, hằng năm ngành có kiểm tra, hỗ trợ.
"Để đáp ứng việc sản xuất có chất lượng cả đầu vào và đầu ra, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị bà con tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết, chủ thể phải là người nông dân, không phải việc gì cũng yêu cầu Nhà nước hỗ trợ, nhà nước chỉ hà hơi, tiếp sức tầm 50%, còn lại chính vẫn là nông dân.
Còn việc tạm ứng trước 50% nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện dự án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại là không được, vì chuyện này không có trong quy định, chừng nào hoàn thành dự án, nghiệm thu thì lúc đó mới giải ngân.
Đặc biệt, là người nông dân thông minh thì không nên đầu tư ào ạt, tự phát mà tìm hiểu thị trường cần gì. Đối với chăn nuôi phải bảo vệ môi trường theo đúng quy định...", ông Tấn nhấn mạnh.
Đối với Nghị định 67, ông Ngô Tấn nhấn mạnh: "NĐ 67 đã mở ra con đường hiện đại hóa tàu cá cho ngư dân, có sự đồng thuận của ngư dân, Nhà nước hỗ trợ vay vốn, sửa chữa. Mọi quyết định đều của ngư dân, còn việc hỗ trợ tiền dầu có chậm, chậm ở đây là có nguyên nhân, vì dính đến pháp luật nên tôi xin không nói ra tại buổi đối thoại này".
Đối với nguồn vốn vay cho nông dân để phát triển sản xuất, đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay trong 91.000 tỷ dư nợ thì cho vay phát triển nông nghiệp đến 28.000 tỷ. Đối với việc giảm lãi suất, trong hợp đồng tín dụng đã có sự thỏa thuận rõ ràng, hộ vay phải chấp nhận. Trong điều kiện khó khăn đặc biệt thì phải có sự xem xét lại. Còn đối với tàu theo NĐ 67 hơn 80% nợ thì ngân hàng lấy đâu nguồn vốn để tiêp tục cho vay.
Kết luận buổi đối thoại, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, Quảng Nam luôn ưu tiên hàng đầu cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn lực cho đến nhân lực. Sắp đến, UBND tỉnh sẽ thành lập tổ khuyến nông cộng đồng để có thể hỗ trợ tối đa, đưa các chính sách đến người nông dân.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị người dân khi tổ chức sản xuất cần có định hướng rõ ràng, bám sát vào hướng dẫn, định hướng của tỉnh về cây trồng, con vật nuôi. Để có thể dựa vào các chính sách, cơ chế hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, từ đó có thêm nhiều điều kiện thành công hơn. Sản phẩm sẽ sản xuất theo hướng hàng hóa, dễ dàng liên kết với các nhà máy chế biến, các đơn vị tiêu thụ.
"Tỉnh đang kêu gọi đầu tư về các doanh nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết bao tiêu đầu ra cho người nông dân. Nên nông dân phải từ bỏ hướng sản xuất tự phát, manh mún mà phải làm với quy mô lớn, hướng hữu cơ trong nông nghiệp.
Đặc biệt, chưa có tỉnh nào mà có đến 14 nghị quyết dành cho nông nghiệp nhưng vẫn còn các vướng mắc khách quan và chủ quan trong quá trình thực hiện. Riêng với Sở KH-CN tỉnh, tôi đề nghị làm chỉ dẫn địa lý, xuất xứ vùng trồng…, phải hoàn tất gấp. Và người nông dân phải tận dụng các ứng dụng chính quyền điện tử như Smart Quảng Nam, Tổng đài 1022… để phản ánh, chia sẻ thông tin. Chỉ cần nông dân cho chúng tôi thông tin thì chúng tôi sẽ vào cuộc xử lý ngay các kiến nghị của nhân dân", ông Bửu thông tin thêm.
Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, hiện Quảng Nam đang vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo thương mại điện tử, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại. Đề nghị Sở Công thương phải phối hợp với Hội Nông dân tỉnh để đa dạng sản phẩm, tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với thị trường mới, quảng bá sản phẩm qua các kênh bán hàng.
"Tại buổi đối thoại này, lãnh đạo tỉnh ghi nhận, tiếp thu hơn 50 ý kiến, kiến nghị của nông dân gửi về UBND tỉnh. Đồng thời, giao Văn phòng UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh tổng hợp, chuyển cho các sở, ngành, đơn vị liên quan trả lời cụ thể; đăng tải nội dung lên cổng thông tin điện tử tỉnh, ứng dụng Smart Quảng Nam trước ngày 2/9", ông Bửu yêu cầu.