Hải Phòng: Hàng trăm hộ nuôi ngao muốn đối thoại với Chủ tịch UBND thành phố vì huyện... không trả lời được

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 09/06/2022 13:47 PM (GMT+7)
Ngày 8/6, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) đã có buổi đối thoại với các hộ nuôi ngao ở vùng biển Kiến Thụy. Sau hơn 3 giờ đối thoại, 10 câu hỏi được người dân gửi đến người đứng đầu UBND huyện. Nhưng câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ...
Bình luận 0

Từ 8 giờ sáng, hơn 60 hộ nuôi ngao ở huyện Kiến Thụy đã có mặt ở Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Kiến Thụy để chờ được đối thoại với Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tuấn.

Theo ông Vũ Trí Tuân, Hội trưởng Hội nuôi ngao huyện Kiến Thụy, đây là lần đầu tiên Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy tổ chức một Hội nghị đối thoại trực tiếp với các hộ nuôi ngao để giải quyết những bức xúc đã tồn tại rất nhiều năm của các hộ nuôi ngao ở Kiến Thụy.

Hải Phòng: Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đối thoại với người dân nuôi ngao,  - Ảnh 1.

Ngày 8/6, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) Nguyễn Văn Tuấn đã có buổi đối thoại với các hộ nuôi ngao ở vùng biển Kiến Thụy. Ảnh: Minh Ngọc

Sau hơn 3 giờ đối thoại, với 10 câu hỏi được gửi đến Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tuấn và các phòng chuyên môn của huyện Kiến Thụy. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các hộ nuôi ngao thì những thắc mắc, trăn trở, kiến nghị của họ tại buổi đối thoại này vẫn chưa được cấp chính quyền, trong đó ông Nguyễn Văn Tuấn với vị trí là người đứng đầu UBND huyện Kiến Thụy vẫn chưa giải đáp và trả lời thỏa đáng, nhiều vấn đề vẫn đang bị bỏ ngỏ?.

Hải Phòng: Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đối thoại với người dân nuôi ngao,  - Ảnh 2.

Các hộ nuôi ngao đặt câu hỏi tại buổi đối thoại với Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy. Ảnh: Minh Ngọc

Lý do gì mà Chủ tịch UBND TP Hải Phòng ra quyết định di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao để cho hút cát?

Mang nỗi lòng nặng trĩu, lo âu suốt nhiều ngày nay, tại buổi đối thoại, bà Bùi Thị Tin (68 tuổi), xã Đại Hợp gửi câu hỏi đến Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Nguyễn Văn Tuấn: Gia đình chúng tôi từ đời ông, cha đã sống bằng nghề vươn khơi, bám biển. Sau đó, kinh tế phát triển, gia đình có đóng tàu để đánh cá. Những năm 1993 cả làng có 7 con tàu. Thế nhưng đến bây giờ, tôm, cá cũng cạn kiệt, tàu bị bỏ không, nên chúng tôi chuyển sang nghề nuôi ngao.

Trong những năm đầu tiên do kinh nghiệm chưa có nên dẫn đến ngao bị chết hàng loạt, trong khi đó, để đầu tư nuôi ngao gia đình phải vay ngân hàng 3,6 tỷ đồng và vay bên ngoài 5 tỷ đồng. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà UBND TP Hải Phòng ra thông báo số 232 ngày 10/5/2022 yêu cầu di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao để phục vụ mục đích khai thác cát? Trong khi ruộng chúng tôi không có thì chúng tôi, con cháu sẽ sống bằng gì?.

Hải Phòng: Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đối thoại với người dân nuôi ngao,  - Ảnh 3.

Bà Bùi Thị Tin (68 tuổi), xã Đại Hợp gửi câu hỏi đến Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Nguyễn Văn Tuấn. Ảnh: Minh Ngọc

Ông Vũ Trí Tuân, Chủ tịch Hội nuôi ngao huyện Kiến Thụy đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy: Ngày 7/1/2022, chúng tôi có đặt câu hỏi tại cuộc họp ở UBND xã Đại Hợp, theo đó, huyện có giao cho ông Nguyễn Đỗ Điển, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cung cấp tài liệu về việc cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát tại cửa sông Văn Úc thế nhưng đến hôm nay chúng tôi vẫn chưa nhận được. Đề nghị tại buổi đối thoại này UBND huyện cung cấp để người dân được biết?.

Bà Vũ Thị Sen (Thái Bình) cũng đặt câu hỏi: Tôi đang có đơn khiếu nại về thông báo số 232 ngày 10/5/2022 của UBND TP Hải Phòng. Người dân sinh sống bằng nghề nuôi ngao, bám biển đã hàng chục năm nhưng Chủ tịch UBND TP lại ra thông báo "hỏa tốc (?) các hộ nuôi ngao chồng lấn lên khu vực khai thác cát, đề nghị công bố, công khai các vị trí, thông tin các vị trí được khai thác cát, xác định mặt nước biển, bãi triều ở vị trí nào yêu cầu trả lời rõ?.

Hải Phòng: Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đối thoại với người dân nuôi ngao,  - Ảnh 4.

Ông Vũ Trí Tuân, Chủ tịch Hội nuôi ngao huyện Kiến Thụy đặt câu hỏi đến Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy.

Người dân nuôi thử nghiệm ngao từ năm 1998 và đã phải bỏ tiền cải tạo, cắm vây trên mặt bãi để có thể nuôi ngao. Đây đều là công sức của người dân, các cơ quan chức năng nói người dân nuôi ngao trái phép, trong khi các doanh nghiệp khai thác cát được UBND TP cấp phép nhưng người dân không được biết cát chồng lấn lên diện tích nuôi ngao của bà con là đúng hay sai. Mong muốn các cấp có thẩm quyền giữ nguyên hiện trạng nuôi ngao để tạo công ăn việc làm cho người dân ở địa phương? Chúng tôi nuôi ngao sai ở điểm gì, trái phép ở đâu? Ông Nguyễn Quốc Biển, xã Đoàn Xá.

Luật sư Phạm Quang Xá- Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN- đơn vị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ nuôi ngao ở huyện Kiến Thụy nêu 3 yêu cầu cần làm rõ với UBND huyện Kiến Thụy.

Tại buổi đối thoại, đại diện cho các hộ nuôi ngao, luật sư Phạm Quang Xá- Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN- đơn vị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ nuôi ngao ở huyện Kiến Thụy đã yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy làm rõ 3 vấn đề: Thứ nhất, làm rõ quá trình hình thành, phát triển nghề nuôi ngao ở Kiến Thụy; 

Thứ hai, làm rõ quyết định quy hoạch số 635 năm 2018 của UBND huyện Kiến Thụy, vì sao lại quy hoạch vùng nuôi ngao theo kiểu "thụt lùi" giảm từ hơn 3.000ha nuôi ngao hiện hữu xuống còn 750 ha và đưa vùng nuôi ngao vào chỗ không thuận lợi, không khác nào triệt đường sống của bà con ngư dân.
Thứ ba, liên quan đến việc cấp phép 9 mỏ cát cho các doanh nghiệp khai thác cát tại cửa sông Văn Úc, đề nghị UBND huyện Kiến Thụy phải làm rõ cơ sở cấp phép và vì sao lại cấp phép chồng lấn vào vị trí nuôi ngao của bà con ngư dân?.

Hải Phòng: Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đối thoại với người dân nuôi ngao,  - Ảnh 5.

Bà Vũ Thị Sen (Thái Bình) đặt câu hỏi về thông báo hỏa tốc số 232 ngày 10/5/2022 của UBND TP Hải Phòng về việc di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao để khai thác cát trong khi người dân đã có nghề nuôi ngao hàng chục năm. Ảnh: Minh Ngọc

Chủ tịch UBND huyện phải "đính chính" lại phần trả lời của Trưởng Phòng NNPTNT

Trả lời các câu hỏi và nguyện vọng chính đáng của người dân liên quan đến việc quy hoạch vùng nuôi ngao, sau khi đã trích một loạt các văn bản của Bộ NNPTNT, UBND TP Hải Phòng thì ông Trần Ngọc Toại, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Kiến Thụy khẳng định việc quy hoạch 750ha nuôi ngao của huyện Kiến Thụy là đúng theo sự chỉ đạo của TP và các quy định của cấp trên.

Tiếp tục trả lời câu hỏi về việc người dân nuôi ngao có đảm bảo pháp luật? Ông Toại tiếp tục trích dẫn một loạt các văn bản như: Luật Thủy sản, Nghị định của Chính phủ và khẳng định việc nuôi ngao của các hộ dân trên vùng biển của huyện Kiến Thụy là trái phép, không theo các quy định của pháp luật.

Phản biển lại ngay sau lời khẳng định của ông Toại, luật sư Phạm Quang Xá đặt câu hỏi ngược lại, năm 2015 mới có quy hoạch bãi ngao, vậy thì huyện Kiến Thụy đã đánh giá hiện trạng thực tế từ những năm 1990 chưa? Cái nào có trước? Bản thân quy hoạch đã sai. Trong khi chủ trương của Bộ NNPTNT, TP Hải Phòng đều hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản, nuôi biển.

Dẹp ngao để khai thác cát, hàng nghìn con người sẽ đi về đâu? Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy bỏ ngỏ câu trả lời? - Ảnh 7.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ nuôi ngao, luật sư Phạm Quang Xá, Công ty Luật TNHH XTVN đưa ra bản đồ hiện trại bãi ngao tại cửa sông Văn Úc. Ảnh: Minh Ngọc

Trực tiếp trả lời câu hỏi của người dân, ông Nguyễn Văn Tuấn- Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đã phải đính chính lại phần trả lời của Trưởng phòng NNPTNT. Theo ông Tuấn, người dân không phải là nuôi ngao trái phép mà hiện nay người dân đang nuôi ngao trên biển không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định. "Trong các thông báo của Chủ tịch UBND TP cũng không có từ nào nói trái phép cả", ông Tuấn nói.

Ôn Tuấn cũng cho biết, tại các xã, phường có ký hợp đồng thuê mặt nước thì hợp đồng này không đúng thẩm quyền."Năm  2017, TP mới tạm giao khu vực biển cho huyện Kiến Thụy. Sau này TP và huyện rà soát lại, ông nào ký hợp đồng này sẽ phải chịu trách nhiệm"- ông Tuấn nói.

Dẹp ngao để khai thác cát, hàng nghìn con người sẽ đi về đâu? Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy bỏ ngỏ câu trả lời? - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đính chính lại câu trả lời của Trưởng phòng NNPTNT rằng, người dân không phải là nuôi ngao trái phép mà hiện nay người dân đang vi phạm vào lỗi nuôi ngao trên biển không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định. Ảnh: Minh Ngọc

Về việc cấp phép cho các mỏ cát, ông Tuấn khẳng định việc khảo sát, thẩm định, tham vấn của các ngành chức năng và quyết định của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng về việc cấp mỏ là "hoàn toàn đúng quy định của pháp luật".

Về câu hỏi cát chồng lấn lên ngao, ông Tuấn trả lời, trong các hồ sơ trước khi đi khảo sát trước khi cấp phép cho các mỏ cát thì các ngành, địa phương, các xã tại thời điểm đi khảo sát thì vùng đó chưa có các hộ nuôi ngao ở đó?. (Tuy nhiên, theo loạt bài điều tra, phản ánh của Dân Việt về nuôi ngao ở Kiến Thụy, thì thực tế hoàn toàn khác. Trước năm 2018, khi UBND huyện Kiến Thụy ban hành quyết định 635 về quy hoạch vùng nuôi ngao, hàng trăm hộ dân đã nuôi ngao ổn định ở đây, hơn nữa quá trình từ khi nuôi ngao đến khi thu hoạch kéo dài hàng năm trời, phải đầu tư cải tạo bãi bồi, đầm, chứ không phải thích là ra nguôi ngao được, nên phần trả lời này của ông Tuấn trên thực tế là không đúng sự thật hiển nhiên- PV)

Dẹp ngao để khai thác cát, hàng nghìn con người sẽ đi về đâu? Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy bỏ ngỏ câu trả lời? - Ảnh 9.

Ông Trần Ngọc Toại, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Kiến Thụy khẳng định việc quy hoạch 750ha nuôi ngao của huyện Kiến Thụy là đúng theo sự chỉ đạo của TP và các quy định của cấp trên?. Ảnh: Minh Ngọc

Người nuôi ngao muốn đối thoại trực tiếp với Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng

Chia sẻ Dân Việt, trước những phần trả lời của Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Nguyễn Văn Tuấn, các hộ nuôi ngao có mặt tại buổi đối thoại đều không đồng tình, nhiều phần trả lời còn chung chung, né tránh, không thỏa mãn kỳ vọng của người dân. Lúc này, điều mà người dân mong muốn hơn hết, đó là được đối thoại trực tiếp với Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng.

Kết thúc buổi đối thoại, do không đồng tình với cách trả lời của Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy, các hộ nuôi ngao có mặt tại buổi đối thoại đã không ký vào biên bản.

Trước đó, ngày 18/5, Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) đã chuyển đơn của 100 hộ dân làm nghề nuôi ngao tới Chủ tịch UBND TP Hải Phòng để xem xét, giải quyết khiếu nại của bà con nông dân liên quan đến thông báo số 232 ngày 10/5/2022 của UBND TP Hải Phòng.

Theo đó, các hộ dân Vũ Thị Sen, Văn Đức Ngọc, Mai Văn Phúc, Bùi Thị Tín, Đỗ Văn Trường- đều đang làm nghề nuôi ngao tại Hải Phòng (đại diện cho hơn 100 hộ dân) đã có đơn khiếu nại, tố cáo và làm việc trực tiếp với Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ ) liên quan đến Thông báo số 232 ngày 10/5/2022 về thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng tại cuộc họp nghe báo cáo việc di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao tại các khu vực đã được cấp phép khai thác cát ở quận Hải An và quận Kiến Thụy.

Cụ thể, hơn 100 hộ dân không đồng ý với thông báo số 232 và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giữ nguyên hiện trạng và để các hộ dân được tiếp tục nuôi trồng thủy sản, đảm bảo đời sống của nhân dân.

Trước kiến nghị trên, ông Nguyễn Hồng Điệp- Trưởng Ban Tiếp công dân (Thanh tra Chính phủ) đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND TP Hải Hòng để chỉ đạo xem xét, giải quyết và trả lời công dân theo quy định, đồng thời đề nghị thông báo kết quả giải quyết đến Ban Tiếp công dân Trung ương.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem