Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nói với Hội đồng Bảo an LHQ tại một cuộc họp tập trung vào nhà máy điện Zaporozhye ở miền nam Ukraine rằng các hành động "liều lĩnh" của Kiev đang đẩy thế giới đến gần hơn với một thảm họa hạt nhân lớn. Nhà máy này đã nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev.
"Chúng tôi nhiều lần cảnh báo các đồng nghiệp phương Tây rằng nếu họ không nói chuyện hợp lý với Kiev, Ukraine sẽ thực hiện những bước đi liều lĩnh và kinh khủng nhất, dẫn đến hậu quả lớn", Nebenzia nói với Hội đồng Bảo an hôm 11/8. "Đó chính xác là những gì đang xảy ra," ông nói và tiết lộ thêm rằng các "nhà tài trợ" phương Tây cho Kiev sẽ phải chịu trách nhiệm về một thảm họa hạt nhân tiềm tàng.
Nebenzia cảnh báo nếu nhà máy điện tiếp tục bị tấn công, một thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo đặc phái viên Nga tại LHQ, thảm họa xảy ra tại nhà máy điện Zaporozhye - nhà máy điện lớn nhất châu Âu - có thể dẫn đến ô nhiễm phóng xạ trên nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn, ảnh hưởng đến ít nhất 8 khu vực của Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev, các thành phố lớn như Kharkov hoặc Odessa, và một số vùng lãnh thổ của Nga và Belarus giáp Ukraine. Ông cảnh báo Moldova, Romania và Bulgaria cũng có thể bị ảnh hưởng.
"Đây là những dự báo lạc quan nhất của chuyên gia," Nebenzia nói và lưu ý thêm rằng quy mô tiềm năng của một thảm họa hạt nhân lớn như vậy là "khó có thể tưởng tượng được".
Nhà máy Zaporozhye, nằm ở thành phố Energodar của Ukraine do Nga kiểm soát, đã bị hàng loạt vụ tấn công trong vài tuần qua. Moscow cáo buộc Kiev đã tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo và máy bay không người lái vào cơ sở này, gọi những động thái này là "khủng bố hạt nhân". Đáp lại, Kiev tuyên bố rằng Nga mới là bên nhắm mục tiêu vào nhà máy nhằm mục đích hạ thấp uy tín của Ukraine.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nói với Hội đồng Bảo an rằng tình hình tại nhà máy đang được kiểm soát và chưa có mối nguy hiểm tức thời nào. Đồng thời, ông gọi các báo cáo mà cơ quan của ông nhận được từ Nga và Ukraine là "mâu thuẫn" và kêu gọi cả hai bên cung cấp cho IAEA quyền tiếp cận cơ sở này "càng sớm càng tốt".
"Tôi yêu cầu cả hai bên hợp tác và cho phép nhiệm vụ của IAEA được tiến hành", ông nói. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi ngừng bất kỳ hoạt động quân sự nào xung quanh nhà máy khi Hội đồng Bảo an đang họp.
Trước đó, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Ivan Nechaev nói rằng Moscow ủng hộ việc IAEA kiểm tra nhà máy Zaporozhye.
"Cơ sở này không được sử dụng như một phần của bất kỳ hoạt động quân sự nào. Thay vào đó, cần có thỏa thuận khẩn cấp về phạm vi phi quân sự hóa để đảm bảo an toàn cho khu vực", người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Trung Quốc cũng kêu gọi tất cả các bên ngồi xuống bàn đàm phán và "tìm ra giải pháp" cho vấn đề này.