Lạm phát bức tử lời xin lỗi ở Nhật Bản

Thứ năm, ngày 11/08/2022 17:24 PM (GMT+7)
Tại Nhật Bản, theo sau mỗi đợt tăng giá, dù là tăng định kỳ, thường là những lời xin lỗi rối rít. Nhưng truyền thống đó đang dần biến mất khi lạm phát lan khắp thế giới.
Bình luận 0

Vài năm trước, khi nhà sản xuất một loại kem que nổi tiếng của Nhật Bản lần đầu tiên tăng giá trong 25 năm, hàng chục giám đốc và nhân viên đã phải cúi thấp người để xin lỗi trong một mẩu quảng cáo truyền hình.

Hiện, nhà sản xuất này - Akagi Nyugyo - lại có ý định tăng giá với gần 30 sản phẩm kem khác nhưng lần này sẽ không có màn xin lỗi nào cả.

“Chúng tôi bất chợt đối diện làn sóng thần tăng giá” nguyên liệu, Giám đốc marketing Fumio Hagiwara nói. “Chúng tôi phải tăng giá để sống sót”.

Lạm phát bức tử lời xin lỗi ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Giám đốc và nhân viên Akagi Nyugyo cúi đầu xin lỗi sau khi tăng giá kem trong một quảng cáo năm 2016. Ảnh: Akagi Nyugyo.

Lời thông báo thẳng thừng

Ở Nhật Bản, lời xin lỗi là chất bôi trơn quan trọng giúp cho các câu chuyện được trơn tru. Bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp nói chuyện với nhau cũng thường xin lỗi theo thói quen chỉ vì những bất tiện nhỏ nhặt nhất, như việc nhờ giữ hộ cửa thang máy trong thoáng chốc.

Các cơ sở kinh doanh thường xuyên xin lỗi khách hàng, kể cả do những vấn đề nhỏ như không nhanh tay trả lời điện thoại. Người vận hành xe lửa sẽ phát lời xin lỗi trên sân ga khi tàu đến trễ dù chỉ một phút. Và việc tăng giá hàng hóa thông thường sẽ đi kèm một lời xin lỗi.

Nhưng khi làn sóng lạm phát toàn cầu lan tới Nhật Bản sau gần khoảng 30 năm giá cả ở đây chỉ giảm hoặc giữ ổn định, các doanh nghiệp đã không còn giữ thói quen xin lỗi.

Hồi tháng 4, khi công ty thực phẩm Yaokin tăng giá loại snack que umaibo vị ngô cao cấp lên 12 yen, tăng thêm 2 yen, họ thông báo sự thay đổi này trên Twitter, dưới dạng một thông điệp có lẽ sẽ bị cho là quá thẳng thừng nếu là chỉ một vài tháng trước đó: “Chúng tôi cần có lợi nhuận để có thể tiếp tục đảm bảo sự sống còn của ngành công nghiệp snack”.

Dường như để thừa nhận việc mình không tỏ ra hối lỗi như kỳ vọng của một số người, Yaokin sau đó đăng quảng cáo khác trên báo, trong đó dẫn lời một nhà bán lẻ snack: “Giờ không phải lúc tốn tiền vào quảng cáo xin lỗi”.

Lạm phát bức tử lời xin lỗi ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Tháng 4, snack que umaibo vị ngô của Yaokin lần đầu tiên tăng giá trong lịch sử hơn 40 năm. Ảnh: Mainichi.

Trong cuộc thăm dò của một hãng marketing về việc giá snack umaibo của Yaokin tăng, gần 70% người đã chọn câu trả lời có nội dung “thật đáng kinh ngạc khi giá snack chưa từng tăng trước đó”. Loại snack này bắt đầu được bán từ 42 năm trước.

Yuko Ueda, một bà nội trợ 41 tuổi, nói sự biến mất của các lời xin lỗi không phải điều ngạc nhiên khi mà giá cả mọi thứ đều đang tăng.

“Khi giá cả tăng, thay vì các lời xin lỗi thì tôi mong hoạt động phục vụ khách hàng sẽ tốt hơn hoặc sản phẩm tốt hơn”, bà Ueda nói.

Không còn lo xấu mặt một mình

Sự thay đổi trong hành xử của các cơ sở kinh doanh trong năm nay một phần là do họ không còn phải lo ngại chỉ có một mình mình trông như kẻ xấu khi mà gần như mọi bên khác cũng tăng giá.

“Các công ty từ lâu vẫn rất do dự trong việc tăng giá” vì sợ để mất khách hàng cho đối thủ, Tsutomu Watanabe, giáo sư kinh tế học thuộc Đại học Tokyo, nói. “Nhưng điều này đang thay đổi”.

Vẫn có người nghi ngờ một số cơ sở kinh doanh lợi dụng cách làm của số đông để tăng giá ngầm ngấm.

“Tôi hiểu là chi phí nhiên liệu và phân bón đã tăng”, Atsushi Takashina, một người 67 tuổi đã nghỉ hưu, nói. “Nhưng về thực phẩm thì tôi nghĩ một số bên đang lợi dụng sự tăng chung để nâng giá”.

Lạm phát bức tử lời xin lỗi ở Nhật Bản - Ảnh 3.

Ichiyoshi Soba, nhà hàng mì ở Tokyo, đã xin lỗi vì tăng giá vào tháng 12/2021 nhưng dự kiến một đợt tăng nữa trong năm nay. Ảnh: Wall Street Journal.

Trong khi đó, thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - người trong nhiều năm qua luôn cố thúc đẩy lạm phát tăng nhẹ để tạo cú hích cho nền kinh tế - gần đây đã phải xin lỗi sau khi hứng chỉ trích vì nói rằng người tiêu dùng đang dần có thái độ chấp nhận hơn với việc tăng giá.

Dù sao đi nữa, các công ty vẫn cố gắng tỏ ra tế nhị về vấn đề tăng giá. Thay vì xin lỗi, một trong những chiến thuật lúc này là xin người tiêu dùng “thông cảm”.

Torikizoku, một chuỗi nhà hàng chuyên phục vụ gà nướng giá rẻ, gần đây đã xin người tiêu dùng thông cảm sau khi tăng giá vì chuỗi phải đối diện “chi phí năng lượng và nguyên liệu thô ngày càng tăng”.

Tháng 12/2021, Ichiyoshi Soba, nhà hàng mì ở Tokyo, đã treo biển thể hiện sự hối lỗi khi tăng thêm 7 xu đối với mọi đồ trong thực đơn. “Chúng tôi thành thật xin lỗi khách hàng”, nhà hàng nói.

Ông Kohei Yamamoto, chủ tịch của Ichiyoshi Soba, nói chi phí đã tăng gần 20% kể từ đợt tăng giá vào tháng 12/2021 và dự kiến còn lên cao hơn. Điều này sẽ buộc ông phải tăng giá một lần nữa vào một thời điểm nào đó trong năm nay.

“Không có lựa chọn nào khác”, ông nói, bổ sung rằng việc này sẽ dễ dàng hơn nếu nhà hàng của ông được đặt ở một nước phương Tây - nơi việc đẩy chi phí cao sang cho khách hàng là điều phổ biến.

“Tôi thực sự cảm thấy có lỗi với họ”, ông Yamamoto nói về khách hàng.


Quốc Đạt (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem