Khi có chương trình khoán mới, mọi gia đình được nhận ruộng của hợp tác xã theo đầu người, cuộc sống ở làng tôi thay đổi hẳn ra. Lúa tốt bời bời, năng suất tăng lên, người dân có cơm ăn no, bù lại công việc đồng áng cũng thật nhiều, trong đó việc trục lúa vất vả nhưng cũng thật vui.
Chương trình ruộng khoán, giao đầu người, năng suất tăng lên, lúa tốt trĩu bông, đời sống người dân được nâng lên. Ảnh: PV.
Ông cha có cây: "lúa trổ một bông, trông một tháng". Hồi đó, giống lúa cũ, tốt cây, bông thưa, ít hạt lại dai khó rụng, đã thế lại còn sinh trưởng dài ngày (thường khi trổ bông đầu tiên cho đến khi lúa chín rộ mất cả tháng trời).
Đến mùa gặt, các hộ gia đình đều sắm gióng, gánh mới, từng cái mấu đòn gánh cũng được sửa sang lại. Nhà nào không có tre thì vào rừng chặt trúc chẻ làm lạt bó lúa. Công việc quan trọng nhất là chuẩn bị trục để trục lúa.
Trục lúa được làm bằng đá xanh, người thợ đá lành nghề đục những cái trục đá tròn vo, đường kính thường rộng khoảng 25m, dài khoảng 45cm, trục to hay nhỏ cũng tùy người đặt thợ đục. Hai đầu trục có hai lỗ hình tròn đóng cốt gỗ vào để mắc vào choàng trục được làm bằng những gốc tre già rất chắc chắn. Ngày trục lúa như là ngày hội của người làng.
Tời bắt đầu chạng vạng tối, có nhà đã rũ lúa ra sân để trục. Rũ lúa bông cũng là một nghệ thuật. Những bông lúa được rũ sao cho ngọn trở lên, cuốn rơm trở xuống, phải dày mỏng cho đều tránh khi kéo trục lúa không bị cuộn lại. Dụng cụ phục vụ trục lúa được sắp sẵn quanh sân như: nạng đẩy, nạng trở, cào rơm, chổi quét… mọi việc đã sẵn sàng chỉ chờ ăn cơm tối xong là công việc trục lúa bắt đầu.
Hồi đó, nông nghiệp chưa cơ giới hóa, để lấy hạt lúa ra khỏi bông, người dân phải trục để tách rời hạt. Ảnh: TT.
Mùa nào gặt vào khoảng ngày mồng mười thì mùa trục lúa thật thú vị. Trăng đầu tháng chiếu xuống sân vừa không phải thắp đèn, ánh trăng huyền diệu cũng làm vơi đi nỗi nhọc nhằn khi mang trục.
Việc trục lúa có hai người, người mang và người đẩy. Người mang, dây được quàng qua vai kéo trục đi theo ngược chiều kim đồng hồ, người đẩy cầm một cái nạng bằng tre dài có mấu ghé vào chỗ thang choàng trục và buổi trục lúa bắt đầu.
Người kéo, người đẩy, tiếng kêu cút kít của cốt trục quay, tiếng nói chuyện râm ran, những ấm nước chè xanh, đôi khi cũng có những thức ăn vặt được chuẩn bị sẵn.
Trục được kéo lần từng vòng nhỏ, đầu sân đến cuối sân, cứ thế hết vòng này đến vòng khác, cảm thấy dưới chân lúa đã rụng đi nhiều dừng lại để trở. Người ta dùng cái nạng bằng cành cây gỗ có hai nhánh được tách ra cân nhau hoặc dùng cái ngọn tre chẻ đôi ra làm nạng.
Hai đầu trục có hai lỗ hình tròn đóng cốt gỗ vào để mắc vào choàng trục. Ảnh: LQ.
Lượt trở ban đầu được gọi là trở gắp, nạng gắp lúa lật từ trên xuống dưới trái với khi được rủ ra ban đầu. Trục chừng nào cảm thấy lúa đã rụng sạch, thì dừng lại và trở lượt nữa. Đến lúc bông lúa rụng gần hết hạt, mềm nhũn ra trở thành những sợi rơm.
Trục lúa mùa chiêm, vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 (al). Trời nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, trục xong một nhả lúa mệt bở hơi tai, niềm vui thành quả của bao ngày vất vả.
Làng tôi còn giữ lại phong tục cúng cơm mới. Mẻ lúa đầu tiên phơi khô được xay, giã thành những hạt gạo trắng ngần. Những cối gạo nếp được nấu thành xôi thơm nức. Không phải nhà nào cũng trục được lúa và có nếp như nhau, bởi thế nhà này cúng cơm mới thì mời nhà kia.
Thời thế đổi thay, có điện cuộc sống văn minh vượt xa tầm suy nghĩ của bà con nông dân. Máy cày, máy bừa, máy xay xát ùa về, ngoài đồng đến mùa gặt máy gặt đập liên hoàn hoạt động. Người nông dân chỉ cần chuẩn bị bao tải để đựng lúa, gặt xong có xe chở về tận sân, chỉ việc đổ lúa ra phơi.
Cứ đến mùa lúa chín lại thèm nghe tiếng kút kít của tiếng trục quay, thèm nghe một tiếng nạng rơi xuống sân giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng vọng làm giật mình của những con chim ngủ ngoài bờ tre. Tất cả đã trở thành dĩ vãng.
Những cái trục đá vứt lăn lóc ngoài bờ đang ngày đêm chứng kiến sự thay đổi của quê hương đất nước. Nhớ sao một thời vất vả nhưng vui vẻ vô cùng.