Nghề chằm áo tơi 200 năm ở Hà Tĩnh, “bùa hộ mệnh” mỗi khi nông dân ra đồng
Tìm về làng nghề đan áo “bùa hộ mệnh” tồn tại hơn 200 năm ở Hà Tĩnh
Tập Thỏa
Thứ ba, ngày 23/08/2022 07:00 AM (GMT+7)
Hà Tĩnh là vùng “chảo lửa, túi mưa” của cả nước, hạn chế sự khắc nghiệt của thời tiết, người dân thôn Yên Lạc, Quang Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh) đã sáng tạo ra chiếc áo tơi giúp nông dân chống lại cái nắng “cháy da, cháy thịt”. Nghề chằm áo tơi có tuổi đời hơn 200 năm, đã giúp người dân nơi đây có nguồn thu nhập khá.
Clip: Độc đáo nghề chằm áo tơi 200 năm ở thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh).
Áo "điều hòa" dưới "chảo lửa" miền Trung
Hạn chế sự khắc nghiệt của thời tiết, người dân thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) đã sáng tạo ra chiếc áo tơi giúp nông dân chống lại với cái nắng "cháy da cháy thịt" và những cơn mưa bất thường ở đây.
Làng nghề may áo tơi (chằm tơi) Yên Lạc thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 7 (al). Tháng cao điểm, mỗi hộ gia đình chằm được 150-200 chiếc áo tơi (đối với gia đình 2-3 người chằm), bán với giá 85.000-90.000đồng/chiếc. Trừ chi phí, mỗi chiếc áo tơi lãi 60.000đồng/chiếc, giúp người dân thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo.
Bà Thân Thị Nguyệt, trú tại thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, cho biết: "Nghề chằm áo tơi có từ lâu đời, lúc sinh ra tôi đã thấy mọi người ở đây làm rồi. Trước đây, chằm áo tơi vui lắm, từng tốp người ngồi dưới gốc tre đầu làng vừa làm vừa chuyện trò rôm rả. Đám trẻ con chúng tôi, ngồi bên cạnh xem, học hỏi, thỉnh thoảng được nhờ đi lấy cái nọ cái kia.
Lên 12 tuổi, tôi được mẹ hướng dẫn làm chằm áo tơi, mẹ may phần cổ áo khó nhất, còn lại tôi khâu phần thân áo. Mỗi chiếc áo hoàn thiện, lại được động viên, khen, tôi thích thú lắm. Trước đây, hầu như cả làng làm áo tơi, kinh tế khá giả cũng nhờ làm áo chằm tơi. Hiện nay, thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề chằm áo tơi, một phần do kinh tế thị trường, một phần có người vào rừng lấy lá tơi, cả làng chỉ còn khoảng 30-35 hộ làm áo tơi".
"Tôi gắn bó với nghề chằm áo tơi hơn 30 năm. Thu nhập vừa đủ chi tiêu cho gia đình. Nhờ nghề chằm áo tơi, mà tôi nuôi được 4 người con ăn học tử tế", bà Nguyệt nói thêm.
Theo bà Nguyệt, để làm ra được 1 chiếc áo tơi đẹp, bắt mắt, phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp khác nhau như: vào rừng lấy lá đạt chất lượng và cuối cùng chằm tơi.
Để có được lá tơi và dây mây, những người đàn ông khoẻ mạnh phải vào rừng sâu ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh (cách nhà 50km) để khai thác trong 2 ngày. Lá tơi sau khi đem về được người dân là thẳng bằng nhiệt, đem phơi sương một đêm cho dẻo, không quăn, phơi nắng một buổi mới có thể đưa ra dùng. Riêng mây sẽ được chẻ ra thành dây, ngâm vào nước khoảng 2 tiếng để cho mềm và dễ may.
Công đoạn chằm tơi cần đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận của người thực hiện. Người thợ sẽ xếp lá cọ lên một chiếc mặt gỗ rộng, 4 chiếc thước kẻ dài 1m dùng rồi nẹp các lá tơi ngay ngắn. Sau đó người làm khéo léo khâu những lớp lá lên nhau (kiểu lợp ngói, lợp mái nhà) và khâu các mũi kim đều tăm tắp.
Phần cổ áo được làm tỉ mỉ, chọn lá đều, xếp nhiều lớp, may chắc chặt, gập vuông góc, phía trên có dây (thường là bằng mây) rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng. Sau 1 giờ đồng hồ, những người thợ chằm tơi đã hoàn thành một sản phẩm.
Một chiếc áo tơi hoàn thành, có chiều dài 1m, rộng 80cm. Các lớp lá xếp đều nhau, xếp xen kẽ, đường may đều, khoảng cách 1 đốt ngón tay, áo kín chứa nước không dột, mỏng, nhẹ và mang vào thoải mái là những tiêu chí đánh giá 1 chiếc áo tơi tốt.
Theo các cụ cao niên trong làng, từ khắc nghiệt của thiên thiên, người dân làng Yên Lạc đã sáng tạo ra chiếc áo tơi đơn sơ, mộc mạc nhưng mang lại hiệu quả cao trong lao động sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, nghề chằm tơi thôn Yên Lạc đã tồn tại hơn 200 năm, được các thế hệ con cháu trong làng kế nghiệp, gìn giữ và trao truyền cho đến hôm nay.
Lưu giữ cho mai sau
Hiện nay, có nhiều mặt hàng công nghiệp có thể thay thế áo tơi như: ô, mũ, áo gió… nhưng hình ảnh áo tơi đã gắn bó, in đậm trong tâm trí người nông dân, nên vẫn được người dân ưu tiên, thích sử dụng sản phẩm truyền thống.
So với những sản phẩm công nghiệp khác, áo tơi vừa có thể che được cả nắng cả mưa, giá thành rẻ, bền. Đặc biệt, do kết thành từ những chiếc lá tơi có khả năng cách nhiệt, thoáng mát hơn những sản phẩm có trên thị trường nên vẫn được bà con nông dân lựa chọn.
Bà Thân Thị Nguyệt, tâm sự: "Trước đây bố, mẹ dạy cho mình làm áo tơi, bây giờ mình giữ gìn, có nhiệm vụ truyền lại cho các con để tránh mai một. Đây là nghề truyền thống của địa phương, giúp người dân có kế sinh nhai, vươn lên thoát nghèo. Nghề làm áo tơi độc đáo ở chỗ là không nơi nào làm, chỉ có địa phương chúng tôi làm nghề này.
Mong muốn của chúng tôi, thế hệ trẻ có thể tiếp tục phát huy nghề truyền thống của ông, cha tránh mai một nét văn hoá đặc trưng của địa phương. Trước đây, cha ông mình sống được bằng nghề này, chúng tôi hiện nay cũng vậy, thế hệ sau nếu theo nghề cũng sẽ có thu nhập khá".
Mang trên vai chiếc áo tơi ra đồng làm việc, bà Nguyễn Thị Lê, trú tại thôn Mỹ Hưng, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, nói: "Hiện nay trên thị trường có nhiều loại áo, vải công nghiệp để giúp người nông dân chống nóng, tránh mưa nhưng với cái nắng khiến đồng ruộng nứt nẻ, mưa thối đất như ở Hà Tĩnh thì không có thứ gì bảo hộ tốt như áo tơi.
Áo tơi giúp người nông dân tránh nóng vào mùa hè, tránh rét vào mùa đông. Mùa đồng áng phải ở ngoài ruộng buổi trưa thì nó có thể làm bàn để thức ăn, làm tấm thảm để nằm nghỉ ngơi và trở thành quạt giúp nông dân xua tan nắng nóng vào những ngày hè oi bức".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Danh Thông - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Lộc, cho biết: "Công việc chằm tơi của thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc là nghề truyền thống lâu đời của địa phương. Trước đây, nhà nào ở thôn Yên Lạc cũng làm nghề này, nhưng hiện tại cả thôn chỉ còn khoảng 45 hộ giữ nghề.
Đối với người dân ở đây ngoài làm ruộng 2 vụ ra, đây được xem là nghề phụ, mang tính chất nhãn rỗi khi nông nhàn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến mùa chằm tơi (tháng 3-7 al hàng năm) người đàn ông trong gia đình sẽ vào núi để tìm kiếm lá tơi, mây về để người phụ nữ và các con phụ giúp làm áo tơi".
"Đối với gia đình khoảng 2-3 người làm, mỗi ngày cả gia đình thu về khoảng 400.000-450.000 đồng sau khi từ chi phí. Nguồn thu này giúp các gia đình xoá đói giảm nghèo, đời sống nhân dân ổn định, đầu tư cho con cái học hành. Để nghề truyền thống không bị mai một theo thời gian, chúng tôi vận động bà con giữ gìn nghề, có những khoản vay lãi suất thấp, cho các hộ gia đình có ý định mở rộng quy mô sản xuất", ông Nguyễn Danh Thông-Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Lộc, nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.