Na Uy tuyên bố kết hợp với Vương quốc Anh, Đức và Pháp để tuần tra các vùng biển xung quanh hệ thống giàn khoan dầu khí của họ, sau vụ rò rỉ lớn tại đường ống dẫn khí đốt dưới biển từ Nga đến châu Âu.
Các đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 của Nga đã bị hư hại trong tuần này, thoát lượng khí đốt khổng lồ ra Biển Baltic ngoài khơi bờ biển Đan Mạch và Thụy Điển.
Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ nghi ngờ đã có một hành động cố ý phá hoại, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/9 cáo buộc Mỹ và các đồng minh làm nổ các đường ống.
Vụ việc đã thúc đẩy Na Uy, nhà sản xuất dầu khí lớn nhất Tây Âu, triển khai lực lượng hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và không quân để tăng cường an ninh dầu khí.
"Chúng tôi đang trao đổi với các đồng minh về việc tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Kế hoạch đã nhận được sự đồng ý đóng góp từ Đức, Pháp và Anh", Thủ tướng Jonas Gahr Stoere phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 30/9.
Ông nhấn mạnh rằng Na Uy chưa tìm thấy dấu hiệu nào về các mối đe dọa trực tiếp, nhưng vẫn cần thận trọng khi tăng cường an ninh.
Ông Stoere nói: "Trong lúc này, thật an toàn khi có các đồng minh", tuy nhiên ông không nói rõ về mức độ hỗ trợ mà Na Uy sẽ nhận được.
Hôm 1/10, ông Stoere sẽ có chuyến thăm tới mỏ North Sea Sleipner, một nguồn khí đốt chính của châu Âu. "Tôi sẽ có một cuộc họp báo và gặp gỡ các nhân viên tại mỏ. Việc này rất quan trọng", ông nói.
Để ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng trước những tháng mùa đông sắp tới, các nước châu Âu hôm 30/9 đã công bố đẩy mạnh bảo đảm mạng lưới năng lượng của họ. Trong đó, Ý tăng cường giám sát hải quân trên các tuyến đường ống còn các nhà khai thác lưới điện của Đức tăng cường an ninh cho các đường dây truyền tải.
Hôm 30/9, Tổng thống Putin đã phủ nhận việc phá hoại các đường ống Nord Stream 1 và 2, thay vào đó đổ lỗi cho phương Tây "phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng châu Âu".
Phát biểu tại Moscow trong buổi lễ sáp nhập bốn khu vực của Ukraine vào Nga, ông nói rằng "những người thu lợi từ động thái này đã làm việc đó", tuy nhiên ông không nêu tên một quốc gia cụ thể nào.
Mỹ từ lâu đã phản đối Nord Stream và nhiều lần thúc giục Đức ngăn chặn hai đường ống, Washington lập luận Nord Stream làm tăng sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga và làm giảm an ninh khu vực.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng các vụ nổ là một hành động phá hoại và các thợ lặn sẽ được cử đến để kiểm tra "chính xác những gì đã xảy ra".
"Đây là một hành động phá hoại có chủ ý và người Nga đang tung ra những thông tin sai lệch. Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh của mình để tìm hiểu chính xác những gì đã xảy ra", ông Biden nói với các phóng viên.
Vụ nổ đã tạo ra hai vụ rò rỉ khí mê-tan ngoài khơi Thụy Điển và hai vụ rò rỉ ngoài khơi Đan Mạch. Trong một bức thư gửi tới Liên Hợp Quốc, hai quốc gia này cho biết những vụ nổ làm rung chuyển Biển Baltic, và lượng khí mê-tan khổng lồ rò rỉ "có thể tương ứng với tải trọng nổ vài trăm kg".
Hệ thống quan sát các-bon tích hợp, một liên minh nghiên cứu châu Âu, cho biết "một lượng lớn khí mê-tan đã được thải vào bầu khí quyển", nói thêm rằng nó tương đương với quy mô phát thải khí mê-tan trong cả năm tại một thành phố có quy mô như Paris hoặc một quốc gia như Đan mạch.
Đan Mạch là thành viên NATO còn Thụy Điển đang trong quá trình gia nhập liên minh quân sự. Cả hai đều nói rằng các đường ống đã bị tấn công một cách có chủ ý.