Giá xăng dầu hôm nay tiếp tục được hỗ trợ mạnh bởi kỳ vọng nhu cầu dầu từ Trung Quốc và nguồn cung thắt chặt, trong đó dầu Brent đang tiến dần mốc 94 USD/thùng.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 24/10/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 85,27 USD/thùng, tăng 0,22 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 93,66 USD/thùng, tăng 0,16 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu hôm nay tăng chủ yếu do thị trường ghi nhận dấu hiệu phục hồi từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Tuần trước, nhà máy lọc dầu tư nhân lớn Zhejiang Petrochemical Corp đã nhận được hạn ngạch nhập khẩu dầu thô bổ sung 10 triệu tấn cho năm 2022 và nhà máy lọc dầu của nhà nước ChemChina nhận thêm hạn ngạch 4,28 triệu tấn. Tổng mức hạn ngạch nhận thêm này tương đương với 104 triệu thùng.
Trung Quốc cũng được cho đang xem xét nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Mới nhất, Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu năng lượng quốc doanh của nước này gồm PetroChina, Sinopec và CNOOC ngừng việc bán lại LNG cho khách hàng nước ngoài, để đảm bảo nguồn cung cho mùa đông.
Thông tin này đã làm gia tăng lo ngại về tình trạng nguồn cung thắt chắt hơn, đặc biệt khi các lệnh cấm vận, trừng phạt đối với dầu thô Nga của EU, G7 đến gần, qua đó hỗ trợ giá dầu ngày 24/10 duy trì đà tăng.
Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ cũng sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 11 tới. Theo tính toán, nguồn cung từ OPEC+ sẽ bị cắt giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Goldman Sachs cho biết, kế hoạch tiếp tục giải phóng dầu tư kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) khi thích hợp của chính quyền ông Biden để giảm giá bán lẻ chỉ có tác động hạn chế đối với thị trường.
Hôm 19/10, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ bán 15 triệu thùng từ SPR của quốc gia vào cuối năm, nhằm ngăn giá dầu tăng đột biến sau quyết định giảm sản lượng khai thác dầu của các quốc gia sản xuất dầu OPEC+.
Tuy nhiên, thông báo này đã không thể xoa dịu giá dầu vì dữ liệu chính thức của Mỹ cho thấy SPR tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 1984, trong khi các kho dự trữ dầu thương mại giảm bất ngờ.
Goldman cho biết, giá xăng bán lẻ có thể sẽ cần phải cao hơn mức hiện tại để đảm bảo việc phát hành như vậy. Ngân hàng cũng nói thêm rằng mức giải phóng từ SPR có thể sẽ thay đổi cao hơn đáng kể khi giá dầu thô đạt 125 USD/thùng hoặc mức giá xăng bán lẻ là 5 USD/gal một khi vấn đề chính trị liên quan tới cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11 được khắc phục.
Về việc Mỹ xem xét lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm dầu thô có thể xảy ra, Goldman cảnh báo rằng lệnh cấm như vậy có thể khiến giá xăng và sản phẩm chưng cất toàn cầu lần lượt tăng lên 150 USD/thùng và 50 USD/thùng, đồng thời sẽ có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và giá trong nước cao hơn.
Trong tháng này, ngân hàng đã nâng dự báo giá dầu Brent năm 2022 lên 104 USD/thùng và dự báo năm 2023 lên 110 USD/thùng vì quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày của các nhà sản xuất OPEC+ là yếu tố hỗ trợ rất tốt đối với giá.
Tại thị trường trong nước, ngày 21/10, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 21/10.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/10, mỗi lít xăng RON 95 tăng 337 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 204 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 596 đồng/lít.
Theo đó, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít, dầu diesel ở mức 0 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg. Đồng thời không thực hiện chi Quỹ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các loại xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 24/10 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.496 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 22.344 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 24.783 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 23.663 đồng/lít. Riêng dầu mazut 180CST 3.5S có giá bán không cao hơn 13.899 đồng/kg và giảm 195 đồng/lít.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 19/10 của xăng RON 92 là 89,26 USD/thùng, RON 95 là 92,75 USD/thùng. Còn dầu diesel mức giá 130,10 USD/thùng; dầu hỏa là 121,38 USD/thùng, dầu mazut là 383,32 USD/tấn.
Cũng theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng dầu giữa 2 kỳ điều hành gần đây có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng đối với xăng RON 95, dầu diesel và dầu hỏa, giảm nhẹ với xăng RON 92 và dầu mazút.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá ngày 11/10 ngày 21/10 là giá xăng RON 95 là 94,830 USD/thùng, tăng 0,595 USD/thùng, tương đương tăng 0,631% so với kỳ trước. Giá dầu hỏa 24,951 USD/thùng, tăng 3,403 USD/thùng, tương đương tăng 2,799% so với kỳ trước. Giá dầu diezen là 134,338 USD/thùng, tăng 0,534 USD/thùng, tương đương tăng 0,399% so với kỳ trước. Giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 là 91,299 USD/thùng, giảm 0,01 USD/thùng, tương đương giảm 0,01% so với kỳ trước. Giá dầu mazút là 389,054 USD/tấn, giảm 12,758 USD/tấn tương đương giảm 3,175 USD/tấn so với kỳ trước.
Với lần điều chỉnh này, giá xăng đã tăng hai lần liên tiếp sau 4 lần giảm giá. Tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng đã trải qua 28 lần điều chỉnh giá, trong đó có 15 lần tăng, 12 lần giảm, và một lần giữ nguyên.
Liên quan đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, mới đây, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị tạo điều kiện thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để các doanh nghiệp mua xăng dầu, kịp thời bổ sung nguồn cung cho thị trường trong nước. Trong công văn gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương đề nghị có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Sáng nay 24/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ trực tiếp chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối để đánh giá tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu xăng dầu đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Theo thông tin trong giấy mời đã được Bộ Công Thương gửi đến các doanh nghiệp, cuộc họp này sẽ đánh giá toàn bộ việc thực hiện tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu trong 9 tháng qua.
Trên cơ sở đó, Bộ Công thương sẽ phân giao tổng nguồn xăng dầu quý IV cho các doanh nghiệp đầu mối để đảm bảo nguồn cung xăng dầu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước các tháng cuối năm.
Tại buổi thảo luận tổ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung cho đến thời điểm này. Thông tin dư luận cho rằng thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác.
Bộ Công Thương có cơ sở, số liệu, kiểm tra, đánh giá một cách chi tiết việc này khi lực lượng quản lý thị trường, Sở Công Thương kiểm soát trên từng địa bàn để nắm được lượng hàng. Đến thời điểm 30/9/2022, Việt Nam còn hàng dự trữ thương mại khoảng 2,5 triệu khối; năng lực sản xuất của hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn trong tháng 10 bảo đảm 80% nguồn cung trong nước với 1,3 triệu khối/tháng.
Theo kế hoạch phân giao, 34 doanh nghiệp đầu mối phải nhập trong kỳ tháng 10 khoảng 500 nghìn khối, như vậy trong nước có hơn 3 triệu khối ở thời điểm cuối tháng 9 và giữa tháng 10, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến hết giữa tháng 11. Trong khi đó, sang tháng 11 tiếp tục sản xuất gối đầu và nhập khẩu.
Cũng theo ông Diên, giá xăng dầu Việt Nam có thể nói thấp nhất thế giới. Việc quản lý và các chi phí trong đảm bảo nguồn cung đã lạc hậu dẫn đến tình trạng đứt gãy cung ứng như vừa qua.