Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có giải pháp ổn định thị trường xăng dầu

Nguyễn Phương Thứ năm, ngày 20/10/2022 09:18 AM (GMT+7)
Trước sự việc nhiều cây xăng đóng cửa, hết xăng ảnh hưởng đến đời sống người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương ổn định thị trường xăng dầu trong nước, không để xảy ra bất ổn.
Bình luận 0

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có giải pháp ổn định thị trường xăng dầu 

Văn phòng Chính phủ có công văn số 7048, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên quan đến tình hình thị trường xăng dầu. 

Theo đó, Văn phòng Chính phủ nhận được Báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ điểm thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung liên quan đến tình hình thị trường xăng dầu. 

Cụ thể, những ngày gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như: TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… việc này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình.

Thủ tướng yêu cầu ổn định tình hình thị trường xăng dầu - Ảnh 1.

Trước đó, cách đây 1 tuần, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước.

Thông tin tại cuộc họp cho thấy, trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên, vừa qua có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…. 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương có khoảng hơn 200 cửa hàng đóng cửa, đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân. 

Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia. 

Mới đây, tại phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10 năm 2022, định hướng các tháng cuối năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Bộ Công Thương triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung và hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định, hiệu quả.

Trước đó ngày 18/10, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời hỗ trợ tiếp cận lãi suất ưu đãi, vay vốn, mua ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước.

Đối với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề nghị rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế.

Đồng thời chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện việc thông quan hàng hóa xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem