Clip: Bản vùng cao thực hiện tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi đến bản Nà Ngần, một trong những bản thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường của xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (Sơn La). Quan sát thấy, con đường bê tông sạch sẽ, nay không còn "bóng dáng" của rác thải nhựa, túi nilon; lá cây rụng cũng được gom lại đúng nơi quy định.
Ông Thào A Sùng, bản Nà Ngần, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (Sơn La), cho biết: Trước đây, người dân vùng cao chăn nuôi gia súc thường thả rông và buộc ở ngay cạnh nhà, ít người xây chuồng nuôi; chất thải vật nuôi thường không được xử lý. Gia đình ông cũng không ngoại lệ, thế nhưng từ khi được vận động, được tuyên truyền, gia đình ông đã bắt đầu giữ gìn vệ sinh môi trường.
"Trước đây, gia đình tôi chỉ làm nương, làm ruộng, lo đủ cái ăn chứ không để ý chỗ mình ở đã sạch, đẹp hay chưa. Nhưng bây giờ thì khác, được tuyên truyền nên gia đình tôi đã làm chuồng trại, thu gom chất thải vật nuôi để ủ làm phân bón. Các hộ dân trong bản bây giờ cũng có nhà tắm, nhà vệ sinh, đường làng, ngõ xóm cũng được vệ sinh sạch sẽ, đẹp hơn", ông Sùng nói.
Còn đối với gia đình chị Thào Huyền Trang, bản Nà Ngần, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (Sơn La), gia đình chị canh tác cây cà phê, cây ăn quả như nhãn, xoài, với khu đất canh tác hơn 1 ha. Khi xuất hiện bệnh trên cây, chị Trang mới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện theo đúng quy trình, giảm số lần phun so với trước đây, giảm được chi phí và an toàn hơn. Ðồng thời, chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng cho từng loại cây, sử dụng nhóm thuốc sinh học đảm bảo thời gian cách ly theo quy định.
Chị Trang, chia sẻ: "Sau khi phun thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vỏ bao bì tôi gom lại, cho hết vào một cái bao. Sau mỗi lần đi phun về, tôi mang vỏ để vào bể thu gom rác, nên không ảnh hưởng đến môi trường nữa".
Ông Lò Văn Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nà Ngần, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (Sơn La) thông tin: Bản có 86 hộ, với hơn 300 nhân khẩu, 100% đều là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó số hộ người Thái là 71 hộ, người Mông 15 hộ.
Trước đây, hầu hết bà con không biết cách vệ sinh nhà, đường bản, đôi khi còn vứt rác bừa bãi ra đường. Trước tình trạng đó, chi bộ phân công từng đảng viên phụ trách vệ sinh bản theo nhóm hộ gia đình, mỗi thành viên quản lý từ 8-12 hộ; phát động các phong trào thi đua sôi nổi như: thu dọn rác thải, khơi thông cống rãnh, kênh mương, vận động người dân cải tạo, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, tạo cảnh quan khu dân cư.
Đối với chất thải trong chăn nuôi, tuyên truyền, vận động xây dựng chuồng trại kiên cố, xa nhà ở. Nhờ vậy, đến nay, người dân trong bản nhà nào cũng có ý thức trong giữ gìn vệ sinh, chung tay cùng bảo vệ môi trường sống. Hiện, người dân bản tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; trong đó, tập trung vào 2 tiêu chí chưa đạt (thu nhập, môi trường).
"Người dân Nà Ngần đã thường xuyên tích cực vệ sinh môi trường thôn, bản thông qua những việc làm thiết thực trong cuộc sống gia đình như quét dọn nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, làm chuồng trại, nhà vệ sinh, đổ rác đúng nơi quy định. Đặc biệt là nhiều hộ dân đã biết cải cải tạo, nâng cấp nhà ở, xây dựng chuồng trại, nhà vệ sinh", ông Thanh nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Cà Văn Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Ngần, thành Phố Sơn La (Sơn La), cho biết: Hội Nông dân xã được giao thực hiện kế hoạch xây dựng thí điểm các bể thu gom rác thải là các loại vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng tại các vùng sản xuất ngô, sắn, cà phê, các vùng trồng cây ăn quả.
Hiện nay trên địa bàn xã đã đạt được trên 100 bể thu gom rác thải vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Sau một thời gian đi vào hoạt động, các bể thu gom rác thải tại các khu vực sản xuất nông nghiệp được người dân đánh giá có hiệu quả rõ rệt, việc cách ly rác thải độc hại ra khỏi khu vực sản xuất và xa khu dân cư đã giảm bớt mức độ trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Người dân hưởng ứng việc thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật cho vào bể chứa đúng theo quy định đã và đang phát huy tác dụng tích cực.
"Chúng tôi yêu cầu các hội viên nông dân, sau khi sử dụng thuốc BVTV, tất cả vỏ bao, bì phải được thu gom lại để đúng nơi quy định. Nên sau mỗi vụ thu hoạch bể thu gom đầy, mỗi gia đình phải thu gom cho vào bao cất gọn lại, đến lúc nào huyện và xã thu, chúng tôi mới mang ra, vì để lâu sẽ ảnh hưởng đến môi trường", ông Hoa nói thêm.
Bắt tay vào triển khai xây dựng nông thôn mới năm 2013, xã Chiềng Ngần bộn bề khó khăn khi chỉ đạt 13/19 tiêu chí. Trước thực trạng đó, xã đã lựa chọn khâu đột phá là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo để tạo ra sức bật hoàn thành các tiêu chí khác.
Trong đó, tập trung xây dựng Đề án phát triển kinh tế theo chương trình nông thôn mới trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng phá bỏ vườn tạp để trồng phát triển cây ăn quả. Đến nay, diện tích cây ăn quả trên 1.200 ha, trong đó: xoài 582,7ha, nhãn 309,5ha, cây ăn quả có múi 15,8ha, thu nhập bình quân của người dân đạt trên 32 triệu đồng/người/năm.
Kinh tế ổn định, người dân đã chủ động đóng góp xây dựng các công trình có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng để góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2019, Chiềng Ngần đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 7/2019, xã Chiềng Ngần tiếp tục hướng đến việc xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Ông Cà Văn Yêu, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La cho hay: Xác định trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) tiêu chí về môi trường giữ vai trò quan trọng, những năm qua, xã Chiềng Ngần luôn chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xử lý rác thải trên địa bàn.
Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Đưa tiêu chí môi trường vào quy ước của bản; gắn với việc đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, danh hiệu bản văn hóa, gia đình văn hóa.
Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể gắn thực hiện tiêu chí môi trường với các phong trào, hoạt động của tổ chức hội, như: Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, Hội CCB xã tích cực thực hiện phong trào "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; phong trào "Ngày thứ 7 tình nguyện", "Ngày chủ nhật xanh"; phân công hội viên giúp đỡ các hộ nghèo, hộ neo đơn, gia đình chính sách làm nhà vệ sinh.
Bên cạnh dó, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom và xử lý rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định. Tăng cường tuyên truyền, vận động đến từng bản, hộ gia đình tích cực tham gia vệ sinh môi trường, không thả rông gia súc; xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiên cố, hợp vệ sinh; không vứt rác và xác động vật xuống ao, hồ, sông, suối.
Thông qua tuyên truyền, vận động "mưa dầm thấm lâu", bà con đồng bào Thái, Mông đã dần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Hàng tuần, thứ bảy, chủ nhật, tất cả các hộ dân trong thôn lại tập trung cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc đường hoa, cây cảnh, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt.
Kết quả cán đích nông thôn mới đã thể hiện "Ý Đảng hợp lòng dân", khẳng định tinh thần đoàn kết, sự chung sức chung lòng, của đồng bào các dân tộc xã Chiềng Ngần. Phát huy kết quả đạt được, xã Chiềng Ngần tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực để giữ vững và nâng cao các tiêu chí, nhất là tiêu chí môi trường, nâng cao thu nhập, giảm thấp nhất tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo.