Tôm tít sống với môi trường nước mặn, là đối tương thủy sản mới đang được nhiều hộ nuôi thủy sản ở Cà Mau quan tâm vì dễ nuôi, ít bệnh, có hiệu quả kinh tế cao, thích nghi với điều kiện tự nhiên của tỉnh và có thị trường rộng. Nhiều hộ đã trở nên khá, giàu từ nuôi tôm tít.
Nhiều tỉnh ven biển có nuôi tôm tít, song số lượng chưa nhiều, chỉ phục vụ rất hạn chế cho nhu cầu thị trường trong nước nên chưa có lượng hàng xuất khẩu dù có nhu cầu thị trường ngoài nước khá lớn.
Tôm tít có dinh dưỡng cao, thuộc hàng thực phẩm cao cấp, có thể chế biến được nhiều thực phẩm khác. Giá bán tại hộ nuôi mỗi ký dao động từ 500.000 đồng đến trên 1 triệu đồng, tùy kích cỡ và thời vụ. Nhận định nếu sản lượng tăng hàng chục lần so với hiện nay thì thị trường vẫn tốt và bền vững.
Điều kiện ở Cà Mau rất phù hợp phát triển tôm tít vì xuyên suốt chu kỳ nuôi (4 – 5 tháng) cần độ mặn tối thiểu 10 phần ngàn; tỉnh ta có hàng chục ngàn ha đất có mặt nước với độ mặn quanh năm trên mức tối thiểu; kháng thể tôm tít tốt; nó phát triển bình thường ở nhiều loại hình nuôi như: ao đất, lồng lưới, lồng nhựa, lồng gỗ…; diện tích đất nhỏ hoặc lớn đều có thể nuôi theo các loại hình phù hợp.
Ở một số địa phương còn có nhiều hộ đưa lồng nuôi vào vuông tôm mà không ảnh hưởng tôm nuôi, tôm tít vẫn phát triển tốt.
Mỗi loại hình nuôi tôm tít ở tỉnh Cà Mau có ưu điểm và hạn chế riêng.
Tôm tít nuôi ao đất thì chi phí đầu tư thấp song khó kiểm soát, tôm dùi hang nên thu hoạch không thuận lợi và dễ thất thoát. Nuôi lồng lưới, lồng gỗ, nhựa…dễ kiểm soát, chăm sóc, thu hoạch tiện lợi, diện tích sử dụng không lớn, nuôi kết hợp với các đối tượng khác trong cùng đầm, song chi phí đầu tư cao hơn ao đất.
Từ năm 2009 tại xã Lâm Hải, huyện Năm Căn có một ít hộ nuôi. Nhà nước chưa có kế hoạch phát triển, song do hiệu quả thuyết phục nên nó tự lan tỏa; đến nay tại huyện Năm Căn có nhiều xã nuôi như: Đất Mới, Hàng Vịnh, Tam Giang…; tại huyện Ngọc Hiển như: Đất Mũi, Viên An Đông, Tân Ân…
Tại huyện Đầm Dơi, Phú Tân cũng có nhiều xã nuôi tôm tít; người nuôi tôm tít hiện nay sử dụng cá tạp, cua con, còng, ba khía nhỏ… làm thức ăn cho tôm tít.
Do nhiều loại hình nuôi; có nuôi chuyên canh, nuôi xen canh nên khó thống kê diện tích và sản lượng. Hiện nay trên toàn tỉnh có hơn 350 hộ nuôi và hầu hết thành công.
Điển hình hộ ông Huỳnh Thanh Tâm, ấp Cồn Cát, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển với quy mô nuôi không lớn, tỉ lệ thành công thuộc loại trung bình và ông khấu hao tài sản cố định 100% ngay vụ nuôi đầu tiên thì kết quả là: với 1.000 lồng nuôi; thả 1.000 con tôm tít giống. sau 4 tháng đạt kích cỡ thương phẩm 180 – 220g/con, tiến hành thu tỉa và tổng thu cả vụ đạt trên 160 kg, doanh thu 176 triệu, trừ chi phí 107 triệu, lợi nhuận ròng 69 triệu.
Nếu hộ có kỹ thuật nuôi tốt thì tỉ suất lợi nhuận nuôi tôm tít cao hơn. Có rất ít trường hợp không lãi do các yếu tố chủ quan như kiểm soát, chăm sóc, chọn giống. Xét các yếu tố cơ bản về đối tượng nuôi này thì tính bền vững cao, dễ nhân rộng vì sử dụng kỹ thuật đơn giản, nhiều người tiếp cận được, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội ở tỉnh Cà Mau.
Ngoài hiệu quả kinh tế như trên thì hiệu quả xã hội rất tốt như: tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương; tăng thêm dịch vụ đầu vào, đầu ra.
So với các đối tượng thủy sản khác nuôi tại địa phương thì tôm tít có tính “ăn chắc” hơn, khi thu nhập tăng hơn thì đời sống văn hóa thinh thần cũng nâng lên.
Tôm tít có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển; nhiều nông dân mong muốn được nuôi và đang tự mình làm điều đó; ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm; song khó khăn còn nhiều như: giống tôm tít, quy trình kỹ thuật chuẩn, tính tự phát cao, về an ninh…
Để phát triển tốt đối tượng nuôi này nên chăng cơ quan chức năng và địa phương quan tâm một số việc:
- Thực hiện đề tài khoa học cho sinh sản giống nhân tạo có chất lượng. Hiện nay chỉ dựa vào nguồn giống tự nhiên nên phụ thuộc mùa vụ và kích cỡ giống thiếu đồng nhất nên khó chăm sóc, dễ hao hụt, ra sản phẩm cũng có độ chênh.
Vấn đề này nằm trong khả năng của ta. Khoảng năm 1990, trên miền quê này có ai nghĩ cho tôm đẻ, cua đẻ nhưng các chuyên gia thủy sản đã biến cái không thành có và ngày nay kỹ thuật này quá quen thuộc với người Cà Mau.
- Cần tổng kết hoặc có thể nuôi thực nghiệm nhằm xây dựng quy trình chuẩn từ chọn loại hình nuôi, thiết kế ao hoặc lồng nuôi, chọn giống, thả nuôi, chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ thế nào hiệu quả nhất. Nuôi rải rác như hiện nay chưa xuất hiện dịch bệnh, nếu phát triển đại trà thì khả năng này dễ xãy ra. Phải đa dạng loại hình nuôi, song xác định loại hình chính.
Nuôi kết hợp với các đối tượng khác cùng trong đầm là tốt, song quy mô, mật độ thế nào hợp lý; sự tác động qua lại và ảnh hưởng môi trường ra sao… - Có thể nghiên cứu thêm sử dụng thức ăn công nghiệp vì thức ăn từ các thứ phẩm thủy sản trong tự nhiên cũng có hạn, và ít chủ động vì phụ thuộc mùa vụ; mặt khác giá có thể tăng làm chi phí sản xuất tăng theo; khó cung cấp đủ nếu nuôi đại trà.
- Xác định vùng nuôi tập trung có tác động tích cực như tổ chức chuyển giao kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ nuôi, bảo vệ môi trường, có sức mạnh tập thể ứng phó các khó khăn đột xuất nếu xảy ra, tổ chức tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn.
Bên cạnh phát triển vùng nuôi tập trung vẫn không hạn chế hình thức nuôi rải rác, lợi thế của hình thức này là tận dụng được đất đai, lao động. Tuy nhiên hộ nuôi không để tác động tiêu cực đến sự phát triển khác, nhất là môi trường.
- An ninh cũng là nỗi lo của người nuôi tôm tít. Không ít hộ muốn đầu tư nuôi tôm tít nhưng ngại thành nhà “từ thiện” cho kẻ trộm cắp. Một số nơi tình trạng trộm cắp tôm tít là vấn đề bức xúc, chính quyền cần kiên quyết giải quyết.
Tôm tít là đối tượng phát triển mới, có nhiều ưu thế trên vùng đất Cà Mau. Nếu được quan tâm đúng sẽ là đối tượng xóa nghèo và làm giàu của nông dân.