Nuôi một "loài sâu" chỉ ăn lá dâu nhả ra thứ sợi bóng, nông dân tự tạo việc làm, đẩy thu nhập tăng lên

Phan Thương (Cổng TTĐT huyện Ia Grai) Thứ hai, ngày 07/11/2022 11:18 AM (GMT+7)
Thời gian qua, người dân xã Ia Pếch, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, chú trọng việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tự tạo thêm việc làm, đẩy thu nhập tăng lên. Có thể kể đến là mô hình trồng dâu nuôi tằm
Bình luận 0

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó có mô hình trồng dâu nuôi tằm bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn xã Ia Pếch, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai).

Nuôi một "loài sâu" chỉ ăn lá dâu nhả ra thứ sợi bóng, nông dân tự tạo việc làm, đẩy thu nhập tăng lên - Ảnh 1.

Nhiều hộ nông dân xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã chuyển một phần diện tích cây cà phê già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm, tạo thêm việc làm, giúp thu nhập tăng lên. Ảnh: Phan Thương.

Sau gần 2 năm chuyển đổi từ diện tích trồng cà phê già cỗi, kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, Tổ hội trồng dâu nuôi tằm xã Ia Pếch đã thu được hiệu quả kinh tế khá, góp phần nâng cao đời sống các hộ dân. 

Nhờ thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu tại địa phương phù hợp cũng như người dân dần thay đổi tư duy sản xuất, ham học hỏi kỹ thuật chăm sóc nên chất lượng kén tằm đạt hiệu quả. 

Kén tằm làm ra được công ty tằm tơ Mang Yang kí hợp đồng tiêu thụ và thu mua tận nơi với giá từ 125 ngàn đến 140 ngàn đồng. Hiện Tổ hội trồng dâu nuôi tằm xã Ia Pếch có 24 thành viên với tổng diện tích trồng dâu hơn 10 ha. 

Nhằm tạo điều kiện cho các thành viên trong Tổ hội trồng dâu nuôi tằm của xã phát triển và mở rộng mô hình, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã đến khảo sát và hỗ trợ 600 triệu đồng cho 15 hộ dân trồng dâu nuôi tằm từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Gia Lai.

Anh Trần Ngọc Minh, Chủ nhiệm Tổ hội trồng dâu nuôi tằm xã Ia Pếch, huyện Ia Grai cho hay: Trồng dâu nuôi tằm là mô hình tốt, giúp cho chúng tôi trang trải cuộc sống trong thời gian qua, đặc biệt là trong thời điểm Covid-19 nhiều nơi đang gặp khó khăn thì mô hình mang lại cho chúng tôi nguồn thu ổn định. Chúng tôi đi giao thương 1 số nơi, mô hình trồng dâu nuôi tằm của chúng tôi đạt năng suất không thua kém mà còn vượt trội nữa.

Nuôi một "loài sâu" chỉ ăn lá dâu nhả ra thứ sợi bóng, nông dân tự tạo việc làm, đẩy thu nhập tăng lên - Ảnh 2.

Nghề trồng dâu nuôi tằm giúp nhiều hộ nông dân xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai có việc làm, thu nhập ổn định hơn. Ảnh: Anh Huy (Báo Gia Lai).

Ia Pếch là một trong những địa phương có nhiều hộ nông dân chuyển đổi từ diện tích cà phê già cỗi sang trồng cây ăn trái. Một số nhà chuyên môn đánh giá chất đất của xã Ia Pếch phù hợp với việc trồng các loại cây ăn trái. Trái cây vùng đất này có chất lượng ngon và ngọt. 

Thay vì trồng chuyên một loại cây, nhiều hộ gia đình đã trồng đa cây trên cùng một diện tích để tránh rủi ro, ảnh hưởng từ giá cả thị trường. Như gia đình bà Lê Thị Hoan, làng O Pếch đã chuyển đổi từ diện tích  tiêu chết sang trồng hơn 300 cây ăn trái  các loại như sầu riêng, ổi, mít, bơ, chanh. Gia đình hướng đến sản suất nông sản sạch, bà Hoan chủ yếu chăm sóc cây trồng bằng các sản phẩm sinh học và tưới bằng hệ thống nước nhỏ giọt. 

Bà Lê Thị Hoan, làng O Pếch, xã Ia Pếch nói: Ngày xưa tôi trồng tiêu, trồng được hơn 2 năm thì chết hết. Tôi chuyển đổi sang cây ăn trái. Cây bơ với sầu riêng thì lâu có thu nên tôi trồng dặm thêm mít, ổi, chanh để lấy ngắn nuôi dài vừa trang trải cuộc sống và mua phân bón để đầu tư cho cây. Tôi chủ yếu chăm sóc bằng phân bò và phân vi sinh cho cây.

Nuôi một "loài sâu" chỉ ăn lá dâu nhả ra thứ sợi bóng, nông dân tự tạo việc làm, đẩy thu nhập tăng lên - Ảnh 3.

Nuôi một "loài sâu" chỉ ăn lá dâu nhả ra thứ sợi bóng, nông dân tự tạo việc làm, đẩy thu nhập tăng lên - Ảnh 4.

Được sự hỗ trợ của các ngành, chính quyền các cấp, nông dân xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nghề trồng dâu nuôi tằm, trong đó có đưa các giống dâu tằm năng suất, sản lượng cao vào trồng...Ảnh: Thoại Minh.

Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương. Những năm qua, chính quyền xã Ia Pếch đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 

Xã đã tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật, lựa chọn cây con giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ sản xuất của người dân để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã đổi mới tư duy mạnh dạn đầu tư sản xuất, đa dạng các loại cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, ứng dụng KHKT vào sản xuất; góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Đại diện lãnh đạo UBND xã Ia Pếch cho biết: Thời gian đến, xã tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho người dân. Cùng với đó, xã căn cứ vào đặc điểm tự nhiên, thế mạnh của địa phương để tuyên truyền, định hướng người dân phát triển cây trồng phù hợp. Vừa qua, xã đã tổ chức tham quan mô hình trồng măng tây và sẽ triển khai hướng dẫn bà con nông dân trên địa bàn xã trồng loại cây này.

Có thể thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp tình hình thực tế của địa phương đã mang lại hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới của xã.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem