Tại sao chiếc ghe ngo cũ kỹ ở Sóc Trăng lại được nhiều người thích thú lạ thường?
Tại sao chiếc ghe Ngo cũ kỹ ở Sóc Trăng lại được nhiều người thích thú lạ thường?
Huỳnh Xây
Thứ hai, ngày 07/11/2022 13:00 PM (GMT+7)
Một chiếc ghe Ngo cũ kỹ ở chùa Phật giáo Nam tông Khmer Peam Buôl Thmây (còn gọi là chùa Ngã 4 Cột Đèn thuộc phường 4, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) được nhiều người thích thú ngắm nghía sau khi được điêu khắc sinh động.
Biến chiếc ghe Ngo cũ kỹ thành sản phẩm điêu khắc độc đáo
Hiện nay, nhiều khách tham quan tìm đến chùa Phật giáo Nam tông Khmer Peam Buôl Thmây để ngắm cho bằng được chiếc ghe Ngo cũ sau khi được điêu khắc sinh động.
Giai đoạn thực hiện điêu khắc chiếc ghe ngo cũ ở chùa Phật giáo Nam tông Khmer Peam Buôl Thmây tại Sóc Trăng.
Đại đức Đinh Hoàng Sự - Trụ trì chùa Peam Buôl Thmây cho biết, sông Maspero ở cạnh chùa đang diễn ra giải đua ghe Ngo quy mô lớn (giải được tỉnh Sóc Trăng tổ chức hàng năm) nên du khách về ngày càng nhiều. Theo đó du khách đến chùa ngày càng đông lên.
"Ngoài việc viếng chùa, tham quan kiến trúc độc đáo thì lý do khác để du khách đến đây là xem chiếc ghe Ngo được điêu khắc sinh động, lạ mắt đang được trưng bày cạnh bên hông chùa" - Đại đức Đinh Hoàng Sự nói.
Theo Đại đức Đinh Hoàng Sự, trước đây, chiếc ghe Ngo điêu khắc này là chiếc ghe cũ, nặng gần 2 tấn được làm cách đây hơn 20 năm của chùa và không tham gia các giải đua ghe Ngo từ rất lâu.
Do được làm từ gỗ tốt, nhiều bộ phận của ghe còn khá chắc chắn và vì không muốn lãng phí, nhà chùa đã quyết định thuê người điêu khắc hoa văn truyền thống trực tiếp lên thân ghe.
Sau khi thợ điêu khắc làm xong, chiếc ghe Ngo nhìn rất sinh động và nhận được sự ủng hộ của nhiều Phật tử và khách tham quan. Đây cũng là chiếc ghe Ngo đầu tiên ở vùng ĐBSCL được điêu khắc trực tiếp lên ghe nguyên bản.
Trụ trì chùa Peam Buôl Thmây cho biết, để giúp các phật tử và du khách dễ dàng xem chiếc ghe Ngo độc đáo này, nhà chùa dự kiến sẽ xây dựng một khu vực trang trọng, sạch đẹp để trưng bày. Đây cũng là cách để giới thiệu đến mọi người về nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, đồng thời nhắc nhở phật tử về việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc.
Kết hợp hài hòa giữa nét đẹp văn hóa truyền thống và nghệ thuật điêu khắc
Anh Lâm Hòa Tha (31 tuổi, người dân tộc Khmer, ngụ xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, anh là thợ điêu khắc chiếc ghe Ngo cũ nói trên. Khi được mời triển khai ý tưởng của chùa, anh quan sát thấy chiếc ghe Ngo cũ được vẽ các hoa văn gắn liền với đặc trưng truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ nên rất lo lắng.
"Phía nhà chùa yêu cầu phải giữ nguyên hình dáng, kích thước ban đầu của ghe, đồng thời phải làm nổi bật các hoa văn truyền thống bằng nét điêu khắc. Việc chuyển hoa văn từ dạng vẽ sang khắc thì không khó nếu đó là trên một phôi mới, thế nhưng ở đây là chiếc ghe cũ thì không hề dễ dàng" - anh Tha giải thích.
Sau nhiều ngày quan sát chiếc ghe Ngo cũ, anh Tha có những phác họa trong đầu, tôi đã hình thành được bản thảo để chuẩn bị cho công đoạn đục. Theo đó, phần họa tiết điêu khắc chủ đạo là hình tượng rắn thần Naga (linh vật trong văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer) uốn lượn theo thân ghe. Các phần phụ sẽ điêu khắc thêm các họa tiết như: mây, nước,...để chiếc ghe thêm sinh động, cuốn hút.
Sau hơn 6 tháng triển khai, chiếc ghe Ngo điêu khắc đã ra đời. Toàn bộ quá trình điêu khắc đều được làm thủ công, không dùng đến các thiết bị máy móc cơ khí hiện đại.
"Tôi phải thật khéo léo từng lưỡi đục vì ghe cũ, rất dễ hỏng. Do ghe nặng, khoảng 30 người mới có thể dịch chuyển được nên tôi phải bị động ở nhiều tư thế đục rất khó, trong khi ván ghe cũ lại có rất nhiều đinh. Chỉ riêng phần đầu ghe, tôi đã mất hơn 45 ngày công đục khắc" - anh Tha chia sẻ.
Một số du khách sau khi tham quan chiếc ghe Ngo cho biết, đây là một sản phẩm văn hóa độc đáo với sự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp văn hóa truyền thống và nghệ thuật điêu khắc. "Chiếc ghe Ngo này được điêu khắc tinh tế, sắc sảo từng đường nét. Tôi thấy rất thích và thú vị" - Ông Trang Hứa Thắng, một du khách tìm đến tận chùa Peam Buôl Thmây để xem chiếc ghe Ngo nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.