Lo ngại nhu cầu tiêu thụ yếu trong bối cảnh áp lực suy thoái kinh tế ngày càng rõ ràng trong khi áp lực nguồn cung hạ nhiệt khiến giá dầu hôm nay tiếp tục xu hướng giảm.
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 21/11 (theo giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ giảm nhẹ 0,04 USD, xuống 80,08 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent ở mức 87,64 USD/thùng.
Kế hoạch của G7 nhắm áp trần giá dầu thô của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12 và EU cũng cấm nhập khẩu dầu thô của Nga vào cùng ngày. Sau đó, EU sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu thô của Nga bắt đầu từ ngày 5/2/2023.
Cơ chế giới hạn giá do Mỹ dẫn đầu của G7 và lệnh cấm từ EU có khả năng làm gián đoạn 2,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày đến châu Âu. Lệnh cấm vào tháng 2 đối với các sản phẩm dầu thô cũng sẽ có tác động đáng lo ngại đối với thị trường dầu diesel vốn đã khan hiếm.
Giá dầu ngày 21/11 biến động nhẹ còn do kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu tại các nền kinh tế lớn phục hồi vào cao điểm mùa Đông.
Dữ liệu cho thấy, nhập khẩu dầu thô Mỹ Latinh của châu Âu đã tăng vọt kể từ tháng 2 năm nay, trung bình 313.000 thùng mỗi ngày (bpd) trong năm nay, tăng từ 132.000 bpd vào năm 2021.
Chỉ riêng trong tháng 7, châu Âu đã nhập khẩu gần 600.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ khu vực này, mức cao nhất kể từ ít nhất là năm 2015.
Nhập khẩu dầu thô của Mỹ cũng tăng lên 1,1 triệu bpd trong năm nay, so với 800.000 bpd của cả năm ngoái.
Iraq cũng tăng xuất khẩu sang châu Âu hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11, dữ liệu cho thấy, khi Iraq phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn ở châu Á từ dầu Urals rẻ hơn.
Tại châu Á, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã yêu cầu ít dầu thô hơn từ Ả Rập Xê-út cho tháng 12 vì suy thoái kinh tế.
Nguồn cung dầu toàn cầu dường như đang giảm, nhưng nhiều nhà kinh doanh dầu cho rằng nhu cầu đang giảm nhanh hơn. Đó là bởi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại hoặc chuyển sang tiêu cực ở nhiều quốc gia, và việc sử dụng dầu và các sản phẩm từ dầu thường giảm mạnh trong giai đoạn suy thoái.
Tuần trước, giá dầu đã trải nghiệm tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 4 bởi tâm lý thị trường thay đổi hoàn toàn do nhu cầu yếu từ Trung Quốc và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân trực tiếp khiến giá dầu và khí đốt giảm là do tâm lý bất an ngày càng tăng khi các ca nhiễm Covid-19 gia tăng càng làm tiêu tan hy vọng Trung Quốc sẽ sớm nới lỏng các chính sách phong tỏa và điều này có thể sẽ kìm hãm nền kinh tế và nhu cầu dầu của quốc gia Đông Á. Thực tế cho thấy, số lượng tàu chở dầu cung cấp cho nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này đã giảm trong những ngày gần đây.
Trong khi đó, nhu cầu đối với các sản phẩm dầu cũng yếu ở châu Âu, nơi nhiều nền kinh tế đang tăng trưởng rất chậm hoặc thậm chí không tăng trưởng.
Cũng trong tuần trước, các nhà đầu tư đã tỏ ra khá thận trọng sau cảnh báo của chủ tịch Fed bang St Louis James Bullard rằng các lần tăng lãi suất trước đó chỉ có tác động hạn chế đối với lạm phát quan sát được.
Khả năng cao tại cuộc họp vào giữa tháng tới, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản sau 4 lần tăng 0,75 điểm phần trăm.
Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm 240.000 thùng/ngày trong quý IV năm nay do suy thoái toàn cầu, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và sự mạnh lên của đồng USD. Cơ quan này kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng trở lại trong quý I năm sau.
Tại thị trường trong nước, ngày 11/11, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 11/11.
Theo đó, tại kỳ điều chỉnh giá này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định, thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít (như kỳ trước), giảm trích lập mặt hàng xăng RON 95 xuống mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), và dầu mazut xuống mức 300 đồng/kg (kỳ trước là 500 đồng/kg); dầu diesel và dầu hỏa trích lập ở mức 0 đồng/lít (như kỳ trước). Đồng thời, tiếp tục không chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các loại xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 21/11 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.711 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 23.867 đồng/lít; giá dầu điêzen 0.05S không cao hơn 24.983 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 24.747 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.760 đồng/kg.
Kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (Công văn số 11575/BTC-QLG ngày 08/11/2022). Việc điều chỉnh này tác động làm tăng mức giá cơ sở đối với mặt hàng xăng E5 RON 92: 22 đồng/lít; xăng RON 95: 149 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S: 726 đồng/lít; dầu hỏa: 47 đồng/lít; dầu mazut 180cst 3,5S: 0 đồng/kg.
Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 4 của mặt hàng này tính từ giữa tháng 10 đến nay. Tính từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng trong nước đã qua 30 kỳ điều chỉnh, trong đó 17 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Được biết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát và bước đầu đưa ra 8 vấn đề cần đề xuất, sửa đổi đối với các Nghị định 83/2014; 95/2021 về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, có 8 vấn đề được Bộ Công Thương đề xuất, sửa đổi. 8 đề xuất này được Bộ Công Thương đưa ra sau khi đã rà soát cùng với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp.
Một là vấn đề chu kỳ điều hành giá xăng dầu. Hai là quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu. Ba là đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn. Bốn là quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu.
Năm là quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Sáu là việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu. Bảy là việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tám là việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định nguồn cung xăng dầu hiện nay không thiếu nhưng thực tế vẫn bị đứt gãy ở một số phân khúc.
Về nguồn cung xăng dầu, theo báo cáo của Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 2 nhà máy lọc dầu trong nước đã đạt tổng sản lượng 12,9 triệu tấn xăng dầu thành phẩm. Ngoài ra, theo số liệu của cơ quan chức năng về xuất nhập khẩu thì 10 tháng năm 2022, các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu đã nhập 5,7 triệu tấn xăng dầu.
Như vậy, tổng nguồn xăng dầu cho đến giờ này là 18,6 triệu tấn, đạt trên dưới 90% nhu cầu tiêu dùng trong cả năm nhưng trên thực tế thị trường xăng dầu vẫn bị đứt gãy nguồn cung ở một số phân khúc.
Bộ Công Thương cũng đã có công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các cục quản lý thị trường về giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm và ký cam kết với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Theo dữ liệu Bộ Công Thương, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở kỳ điều hành này tăng, giảm trái chiều so với kỳ tính giá trước đó (ngày 11/11).
Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5) tại Singapore cập nhật từ ngày 11-17/11 là 95,46 USD/thùng, giá xăng RON 95 là 101,38 USD/thùng. Trong khi bình quân giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore ở chu kỳ trước là 95,54 USD/thùng, giá xăng RON 95 là 101,2 USD/thùng.
Như vậy, so với chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON 92 ở chu kỳ này giảm không đáng kể, với 0,08 USD/thùng, còn bình quân giá xăng RON 95 tăng chỉ 0,18 USD/thùng.
Trong khi đó, bình quân giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật từ 11-17/11 giảm so với chu kỳ trước. Theo đó, bình quân giá dầu diesel là 130,6 USD/thùng, dầu hỏa là 124,88 USD/thùng, dầu mazut là 434,27 USD/tấn. Ở chu kỳ trước, bình quân giá dầu diesel là 132,45 USD/thùng, dầu hỏa có giá trung bình là 124,47 USD/thùng, bình quân dầu mazut là 428,786 USD/tấn.
So với chu kỳ trước, bình quân giá dầu diesel ở chu kỳ này giảm 1,85 USD/thùng, dầu hỏa tăng 0,41 USD/thùng, dầu mazut tăng 5,48 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho hay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh phụ thuộc vào biến động giá dầu thế giới. Với xu hướng hiện tại, tại kỳ điều hành chiều nay, giá bán lẻ trong nước cũng sẽ được điều chỉnh giảm. Mức giảm cụ thể phụ thuộc vào việc sử dụng quỹ bình ổn giá.
Theo đó, kỳ điều hành ngày 21/11, giá xăng dầu sẽ giảm, nhưng giảm ở mức nào thì còn phụ thuộc việc nhà điều hành trích hoặc sử dụng quỹ bình ổn.
Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại phía Nam cho rằng giá xăng dầu thế giới tuần qua biến động đi xuống nên kỳ điều hành ngày 21/11, giá mặt hàng này có thể sẽ đồng loạt điều chỉnh. Giá xăng có thể giảm 100-300 đồng, còn dầu hạ 400-500 đồng. Nếu cơ quan quản lý sử dụng và trích quỹ, giá xăng và dầu sẽ giữ nguyên..
Đồng quan điểm, theo giám đốc một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc, kỳ điều hành tới, cơ quan quản lý có thể giữ nguyên giá xăng dầu nếu trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Nguyên nhân là các doanh nghiệp phân phối vẫn không có lãi, nếu tiếp tục giảm giá, các đơn vị này sẽ rất khó khăn vì thua lỗ kéo dài.