Nhiều cửa hàng xăng dầu vẫn đóng cửa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ra "tối hậu thư"

Nguyễn Phương Thứ sáu, ngày 18/11/2022 17:15 PM (GMT+7)
Bộ Công Thương tiếp tục có Công điện số 7322/CĐ-BCT gửi Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Cục QLTT các tỉnh, thành phố về việc giám sát việc thực hiện cam kết, nghiêm túc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bình luận 0
Để xảy ra vi phạm về kinh doanh xăng dầu, thủ trưởng cơ quan quản lý thị trường có thể bị đình chỉ công tác - Ảnh 1.

Bộ Công Thương yêu cầu lực lượng QLTT giám sát cửa hàng xăng dầu. Ảnh: NP

Đình chỉ công tác thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường nếu để xảy ra vi phạm về kinh doanh xăng dầu 

Trước tình hình diễn biến thị trường xăng dầu trong nước còn nhiều phức tạp, hiện tượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngừng hoạt động còn xảy ra tại nhiều địa phương, để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân đầu mối;

Công ty con, chi nhánh của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hoạt động trên địa bàn có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung biên bản cam kết đã ký về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo nội dung chỉ đạo tại Công điện số 7196/CĐ-BCT ngày 12/11/2022 của Bộ Công Thương về việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm và ký biên bản cam kết với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Tổng cục QLTT, Cục QLTT địa phương rà soát, kiểm tra việc cung cấp, bán xăng dầu của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với việc ngừng, không cung cấp xăng dầu.

Bộ trưởng Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của chính phủ, Thủ tướng chính phủ, ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả mọi loại hình.

Tại Công điện này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu, Thủ trưởng cơ quan QLTT chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu đối với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu.

"Nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn quản lý hoặc không hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Công Thương sẽ tiến hành tạm đình chỉ công tác đối với thủ trưởng cơ quan QLTT theo quy định"- công điện nêu rõ.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất duy trì ổn định 112% công suất

Ngày 18/11, đại diện Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Quảng Ngãi cho biết, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang tiếp tục duy trì ổn định 112% công suất nhằm đáp ứng nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng đã triển khai đàm phán với các chủ mỏ về khả năng gia tăng sản lượng khai thác và bổ sung thêm nguồn dầu thô trong trong cuối tháng 11 và 12/2022 cho nhà máy; nhập khẩu thêm các lô nguyên liệu trung gian để giữ ổn định công suất như trên.

Theo Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, sau có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ban lãnh đạo công ty cũng ngay lập tức triển khai các công việc, giải pháp để tăng nguồn cung nguyên liệu cho nhà máy.

Công ty đã làm việc với các nhà cung cấp, chủ mỏ, để tìm cơ hội tăng lượng nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trực tiếp là dầu thô và các nguyên liệu trung gian.

Với phương án bổ sung nguồn nguyên liệu khẩn cấp từ các mỏ trong nước, trong hai tháng cuối năm 2022 sản lượng nguồn nguyên liệu của công ty ước đạt 400.000 thùng dầu thô, có thể đưa ra thị trường 1,4 triệu m3 xăng, dầu.

Theo kế hoạch, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn Lập cũng đã có phương án mua dầu thô đủ cho 6 tháng đầu năm 2023, giữ vững ở mức công suất cao để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến trong những tháng cuối năm, đầu năm và Tết Nguyên đán.

Việc duy trì công suất vận hành ở mức cao Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đặc biệt chú trọng đảm bảo an toàn trong vận hành. 10 tháng qua, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã xuất bán gần 6,6 triệu m3 xăng dầu, cung cấp ra thị trường hơn 450.000 m3 so với khối lượng đã cam kết.

Việc giữ vững duy trì công suất ở mức tối đa của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang góp phần giảm áp lực nguồn cung xăng dầu trong nước.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa có báo cáo về kết quả tình hình triển khai, giám sát và ký biên bản cam kết đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), tính đến hết ngày 15/11/2022, trên địa bàn cả nước, lực lượng QLTT đã tiến hành ký cam kết với tổng số 633 lượt thương nhân, trong đó số lượt thương nhân đầu mối đã ký cam kết là 224 lượt; số lượt thương nhân phân phối đã ký cam kết là 409 lượt (bao gồm ký cam kết với cả các công ty con, chi nhánh của thương nhân đầu mối).

Theo báo cáo, lực lượng QLTT đã chủ động, nghiêm túc thực hiện việc ký biên bản cam kết về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với thương nhân đầu mối; công ty con, chi nhánh của thương nhân đầu mối; thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quản lý.

Về cơ bản, hầu hết các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu đều thực hiện việc ký cam kết này (trong đó tỷ lệ thương nhân đầu mối; công ty con, chi nhánh của thương nhân đầu mối ký biên bản cam kết đạt 100%).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem