Có một sự thật lộ liễu đến… kỳ lạ là: Suốt một thời gian dài, các cấp quản lý tại địa phương dường như "án binh bất động". Họ để mặc cho cá nhân, tổ chức mua bán đất trái phép, xây dựng nhà ở, công trình, biệt thự, biệt phủ… Cho đến một ngày "xấu trời", chính các cấp quản lý tại địa phương lại huy động lực lượng, cưỡng chế phá dỡ công trình trái phép. Đó cũng là lúc hệ lụy đã quá nặng nề.
Dư luận đã không thể không ngỡ ngàng đến bất bình với thông tin: Có tới 79 căn biệt thự xây dựng trái phép tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc. Để có thể tạo ra sự vi phạm trắng trợn này, nhiều cá nhân, tổ chức đã lấn chiếm rồi lừa đảo mua bán đất Nhà nước; tiếp đó là cả một "khu phố" biệt thự trái phép đã ngang nhiên được xây dựng.
Khi sự vi phạm trắng trợn này "được phát hiện", các cấp quản lý tại địa phương bắt đầu rầm rộ vào cuộc. Ngay trong tháng 11/2022 này, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 3 bị can. 2 trong tổng số 79 căn biệt thự không phép đã bị phá dỡ.
Ông Huỳnh Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Dương Tơcho biết: Chính quyền địa phương đã thực hiện đầy đủ các bước xác minh nguồn gốc, xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng, yêu cầu tháo dỡ hoàn trả hiện trạng ban đầu đối với hai căn biệt thự này. Đồng thời 77 căn biệt thự còn lại cũng đang trong quá trình xác minh, xử phạt. Dự kiến trong năm nay, việc tháo dỡ sẽ hoàn thành để trả lại hiện trạng ban đầu.
Trong quá trình tháo dỡ 2 biệt thự trên, một số người đã có hành vi chống đối, song bị lực lượng chức năng khống chế.
Đến đây, có lẽ vấn đề "Các cấp quản lý đã ở đâu và đóng vai trò như thế nào khi để ra vi phạm tày đình này?" đã không còn quá quan trọng nữa. Bởi vì điều xảy ra thì đã xảy ra rồi.
Trong khi đó, hệ lụy đang và sắp diễn ra mới thực sự khắc nghiệt.
3 cá nhân đã bị khởi tố bắt tạm giam, song tới đây rất có thể sẽ còn không ít người khác rơi vào vòng xoáy lao lý. Các cấp quản lý tại địa phương đã phải huy động không biết bao nhiêu "sức người, sức của" để chi phí cho những cuộc cưỡng chế này.
Xót xa hơn thế, hàng chục hộ dân sở hữu 79 căn biệt thự sẽ buộc phải chấp nhận nhìn công sức và tiền bạc của mình trong phút chốc chỉ còn đống đổ nát.
Cũng cần lưu ý với thông tin: Trong quá trình tháo dỡ 2 biệt thự trên, một số người đã có hành vi chống đối, song bị lực lượng chức năng khống chế. Vậy thì cuộc phá dỡ 77 căn biệt thự trong những ngày còn lại của năm 2022 liệu có bình yên?
Khi tôi viết bài báo này thì chính tại Phú Quốc cũng diễn ra cuộc cưỡng chế Công ty cổ phần xe buýt Phú Quốc bao chiếm 3.000m2 đất để làm bến xe và quán cà phê. Còn tại Khánh Hoà, thành phố Nha Trang cũng đang căng sức để xử lý hàng trăm biệt thự, nhà ở xây dựng trái phép với yêu cầu "khôi phục tình trạng ban đầu". Trước đó tháng 9 và tháng 10/2022, Hải Phòng cũng phá dỡ biệt phủ trái phép trên đất nông nghiệp và 18 công trình xâm hại nghiêm trọng Vườn Quốc gia Cát Bà…
Và nếu tìm dữ liệu thì sẽ thấy: Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, vẫn còn quá nhiều những ngôi nhà, công trình, biệt thự, biệt phủ đang nằm trong danh sách… chờ cưỡng chế phá dỡ.
Đến đây thì có thể thấy rằng: Cùng với sự bào mòn niềm tin vào pháp luật và cung cách hành xử của các cấp quản lý, đó còn là hệ lụy nặng nề về môi trường và an sinh xã hội. Thậm chí ở nhiều địa phương, đã không ít cuộc cưỡng chế phải trả giá bằng sinh mạng.
Chưa dừng lại ở đó, tiền thuế của người dân đóng góp nhằm duy trì bộ máy quản lý đã một lần nữa bị lãng phí; bởi lẽ nguồn kinh phí này đã buộc phải sử dụng để xử lý hậu quả từ sự buông lỏng do chính bộ máy quản lý tạo ra.
Song, mất mát trực tiếp và rõ ràng nhất sau mỗi cuộc "xây rồi mới phá" chính là tiền bạc của người dân. Hãy thử nhẩm tính: 79 căn biệt thự đã và sẽ phải phá bỏ ở Phú Quốc là mấy trăm tỷ đồng? Khi đó sẽ thấy nguồn lực của người dân đã tổn hại nhiều đến mức nào.
Vẫn biết việc thực thi luật pháp là rất cần thiết. Nhưng buông lỏng quản lý, tạo điều kiện khiến vi phạm gia tăng, từ đó để xảy ra trách nhiệm pháp lý nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề cũng là điều không thể dung thứ.