Bức thiết nhu cầu tự chủ bệnh viện công

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng Thứ sáu, ngày 28/10/2022 13:00 PM (GMT+7)
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, việc thiếu những quy định pháp lý cụ thể cũng là nguyên nhân khiến các bệnh viện dù mang tiếng là tự chủ toàn diện nhưng lại hầu như không được tự chủ thực sự: Từ nhân sự, tài chính cho đến đầu tư, mua sắm trang thiết bị.
Bình luận 0

Một buổi tối mùa Đông, bệnh nhân M. 65 tuổi đột ngột xuất hiện các triệu chứng như đột quỵ: Méo miệng, nói ngọng, tay chân một bên người yếu. Do quen sử dụng các dịch vụ cao cấp, nên người nhà đưa bệnh nhân tới một bệnh viện tư có tiếng. 

Tại đây, sau khi được chụp cộng hưởng từ và làm các xét nghiệm, việc tư vấn và điều trị tiếp theo của các y bác sỹ không làm bệnh nhân an tâm và hài lòng. Ngay trong đêm, gia đình đã đặt vé để sáng hôm sau, bệnh nhân cùng người nhà và phiên dịch đã có mặt tại một BV tại Singapore. 

Thực tế thì tình trạng bệnh không quá nghiêm trọng, nên sau hơn một tuần, họ trở về Việt Nam, sau khi đã chi tiêu số tiền gấp hàng chục lần nếu so với chi phí điều trị trong nước. Tuy nhiên, gia đình và bản thân bệnh nhân vẫn cảm thấy hài lòng với dịch vụ, họ cảm thấy đồng tiền bỏ ra là xứng đáng.

Thực tế hiện nay, không ít người dân ở các thành phố lớn có khả năng chi trả tốt và họ có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe ở nơi có chuyên môn cao, đi kèm với dịch vụ chăm sóc tiện nghi. Tuy nhiên, nếu vào các BV công, tuy đảm bảo về chuyên môn song chật chội, thiếu tiện nghi, chăm sóc chưa tốt, còn vào các BV tư, thậm chí BV quốc tế thì chất lượng chuyên môn nhiều khi chưa khiến họ yên tâm.

Trường hợp bệnh nhân M. ở trên, ngoài việc để chảy máu ngoại tệ, thì còn khiến bệnh nhân nhỡ đi cơ hội được cứu chữa trong trường hợp cần cấp cứu, nguy hiểm đến tính mạng, bởi thời gian lúc đó là vàng.

Thực hiện tự chủ tại các BV công lập có thể là lời giải cho vấn đề này. Tự chủ, nếu có cách làm tốt, sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đáp ứng được nhu cầu được khám chữa bệnh chất lượng cao của một số bộ phận dân chúng, thu hút được nhân sự chất lượng cao, giúp y bác sĩ nâng cao trình độ chuyên môn và cả thu nhập để yên tâm công tác.

Nhiều bệnh nhân đi khám bệnh mạn tính diện bảo hiểm có than phiền rằng, mỗi lần họ đi khám lại để lấy thuốc, bác sĩ hầu như không thăm khám gì, thường chỉ hỏi một hai câu lấy lệ, kê đơn thuốc y như cũ và bệnh nhân lấy thuốc rồi về. Không ít bác sĩ có thu nhập từ làm thêm nhiều hơn thu nhập chính thức tại BV, do đó việc khám chữa bệnh của họ tại BV đôi khi khá hời hợt, làm cho xong bởi số lượng bệnh nhân quá lớn.

Người nhà tôi, bệnh nhân nữ gần 60 tuổi, ở một vùng quê cách Hà Nội hơn 70km, bị mất ngủ kéo dài. Khăn gói quả mướp lên một BV tuyến Trung ương để khám bệnh, sau một ngày dài xếp hàng đợi khám, đợi làm các xét nghiệm xong lại đợi BS kết luận và kê đơn, những gì nhận được là khoảng 5 phút hỏi bệnh, thêm 5 phút tư vấn sau khi có kết quả xét nghiệm và một đơn thuốc với vài loại thuốc thông dụng. Tốn vài tạ thóc, bỏ công đi khám tận BV tuyến Trung ương nhưng bệnh tình không thuyên giảm bao nhiêu. 

Bức thiết nhu cầu tự chủ bệnh viện công - Ảnh 2.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, một bệnh viện trọng tâm của khu vực miền núi phía bắc. Ảnh: TTXVN.

Cần phải có các chính sách giúp giảm tải cho các BV tuyến trung ương, bằng cách phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe kiểu BS gia đình, nâng cao năng lực KCB của các BV tuyến tỉnh. Bên cạnh đó là nâng cao thu nhập, tạo động lực để y bác sỹ trong các BV công lập yên tâm công tác, dành chất xám và thời gian thích đáng cho từng bệnh nhân đến KCB.

Với mức thu nhập chính thức khoảng 10-15 triệu cho một BS thâm niên 5-10 năm tại các BV công như hiện nay, rất khó để giữ chân những BS giỏi, chưa nói đến việc thu hút người tài, khi y tế tư nhân sẵn sàng mời chào họ với mức lương gấp 5, gấp 10 lần. Những người ở lại, chấp nhận điều kiện làm việc khó khăn, bệnh nhân quá tải để có thương hiệu cá nhân, và dùng thương hiệu đó để tăng thêm thu nhập tại các phòng mạch tư, các bệnh viện tư.

Thực hiện tự chủ tại các BV, cơ sở y tế công lập là một nhu cầu bức thiết để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như đảm bảo các chế độ an sinh xã hội cho toàn dân.

Tuy nhiên trong thực tế thì 2 trong 4 bệnh viện trung ương là BV Bạch Mai và BV K đã xin dừng thí điểm tự chủ hoàn toàn theo tinh thần nghị quyết số 33 /NĐ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ (2 bệnh viện còn lại là Việt - Đức và Chợ Rẫy vẫn thực hiện tự chủ theo chi thường xuyên nhóm II).

Ngoài những vấn đề có thể gặp phải như chạy theo lợi nhuận, lạm dụng chỉ định, kê đơn hay tình trạng bệnh nhân bị đói xử bất bình đẳng trong khám chữa bệnh thì một thực tế đáng buồn là: qua tự chủ cũng như xã hội hóa tại một số bệnh viện (theo tinh thần Nghị định 10/2002/ NĐ-CP và sau đó là Nghị định 43/2006/NĐ-CP), đã khiến khá nhiều bác sĩ giỏi chuyên môn nhưng kém về quản lý kinh tế đã dính vào vòng lao lý, uy tín ngành y bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến hệ quả là các lãnh đạo ngành y bây giờ làm gì cũng sợ sai, máy móc trang thiết bị không có, thuốc men cho bệnh nhân thiếu thốn…

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, việc thiếu những quy định pháp lý cụ thể cũng là nguyên nhân khiến các bệnh viện dù mang tiếng là tự chủ toàn diện nhưng lại hầu như không được tự chủ thực sự: Từ nhân sự, tài chính cho đến đầu tư, mua sắm trang thiết bị.

Để chính sách tự chủ trong các bệnh viên và cơ sở y tế công lập thực sự phát huy hiệu quả, cần xây dựng cơ chế tổ chức quản lý tốt, tránh các mặt bất lợi có thể xảy ra như việc thực hiện tự chủ thiếu nhất quán đồng bộ và thiếu sự định hướng của các cơ quan quản lý;  nguy cơ lạm quyền trong công tác nhân sự và phân chia lợi nhuận; lạm dụng chỉ định, kê đơn và gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong khám chữa bệnh;  mua sắm và sử dụng thuốc, trang thiết bị không hợp lý, không cần thiết vì mục tiêu tăng lợi nhuận; tạo ra lợi thế quá lớn của BV tự chủ so với BV tư, bóp nghẹt sự phát triển của y tế tư nhân; tạo ra sự chênh lệch lớn về cơ hội, thu nhập… giữa các bộ phận trong cùng một BV, giữa BV tuyến trung ương với tuyến tỉnh, tuyến huyện.

Về phương hướng, theo tôi cần thực hiện một số vấn đề sau: 

Đầu tiên, cần xác định một lộ trình thống nhất: xây dựng lộ trình triển khai tự chủ cụ thể cho từng loại bệnh viện theo từng tuyến; xây dựng tiêu chí và điều kiện cụ thể tự chủ BV cho từng đơn vị ở các tuyến. Bên cạnh đó là phải nâng cao năng lực quản lý, điều hành kinh tế, tài chính, quản trị cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ chủ chốt.

Vấn đề cấp thiết là phải hoàn thiện, đồng bộ về cơ chế chính sách. Trong Luật khám chữa bệnh sửa đổi cần phải có các chương, các điều khoản quy định cụ thể các nội dung tự chủ về tổ chức biên chế, tài chính… 

Trong quá trình thực hiện tự chủ toàn diện, cần tính đúng, tính đủ giá viện phí theo bảo hiểm y tế với đủ bảy yếu tố cấu thành, bảo đảm nguồn thu cho bệnh viện để đầu tư trang thiết bị, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất… bảo đảm công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Đơn giản và thiết thực nhất là quy định tỷ lệ ăn chia đối với hình thức thuê hoặc đặt máy móc, trang bị của tư nhân tại BV công.

Việc thông qua Luật Khám chữa bệnh, không nên vội vã, mà nên để tới kỳ họp Quốc hội sau để có sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo hơn.

Cuối cùng, dù làm gì, mục tiêu của tự chủ bệnh viện vẫn là nâng cao quyền lợi của nhân dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo, người không có thẻ BHYT và nhóm xã hội yếu thế. Do đó cần phải rõ ràng, minh bạch trong quản lý tài chính, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát.

Cần xây dựng các quy trình và các bộ chỉ số thống nhất, ví dụ như số lượng bệnh nhân đến KCB, mức độ hài lòng của người bệnh sau khi được điều trị, số lượng/chất lượng nhân sự nghỉ việc và tuyển mới… để so sánh với thời điểm trước tự chủ, so sánh giữa các BV với nhau hoặc với các BV tư nhân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem