Phương Đông
Thứ sáu, ngày 14/10/2022 06:06 AM (GMT+7)
Đã có rất nhiều trăn trở khi chân dung người "nông dân 5 nhất" được đúc kết: Đông nhất; nghèo nhất; nhiều bức xúc nhất; hi sinh nhiều nhất; hưởng lợi từ đổi mới ít nhất. Chúng ta còn nợ nông dân - món nợ này chưa biết bao giờ trả xong.
Kể từ khi biết đọc sách, nhất là sách văn học, tôi cảm nhận được một điều chắc chắn: Đất nước là đề tài, là cảm hứng muôn đời cho nghệ sỹ, dù họ ở bất cứ nơi đâu, thời đại nào.
Học lịch sử Việt Nam, tôi biết rằng Việt Nam là một trong những trung tâm hình thành nền văn minh lúa nước. "Nền văn minh được đánh giá là lớn hơn nhiều so với một nền văn hóa" - tôi rất tâm đắc với nhận định này.
Dẫn giải như vậy, tôi muốn đi tới một hình ảnh nổi bật xuyên suốt lịch sử Việt Nam, diễn trình văn hóa Việt Nam. Đó là hình ảnh người nông dân. Người nông dân Việt Nam là chủ nhân của nền văn minh lúa nước và nông nghiệp, nông dân, nông thôn như là một thành tố không thể thiếu cấu thành văn hóa Việt Nam.
Trong vốn tri thức, hiểu biết còn hạn hẹp của mình, tôi rất thích bài thơ "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và bài thơ "Đất nước tôi" của nhà thơ Tạ Hữu Yên. Trong đó có những câu thơ mà hình ảnh người nông dân hiện lên rất đỗi quen thuộc, thân thương, khiến bao người đọc cảm như thấy có mình ở trong đó.
Ví như mấy câu trong bài thơ "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Đất nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa…"/ Mẹ thường hay kể/ Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn/ Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc/ Tóc mẹ thì bới sau đầu/ Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn/ Cái kèo, cái cột thành tên/ Hạt gạo phải hai nắng một sương xay, giã, giần, sàng/ Đất nước có từ ngày đó…".
Và hẳn với không ít người Việt Nam trưởng thành, có những lúc tự ngân nga hát thầm, hay bật loa to phát ra giai điệu: "Đất nước tôi/ Từ thủa còn nằm nôi/ Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa/ Lao xao trưa hè, một giọng ca dao…" trong bài hát "Đất nước" do nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc từ bài thơ "Đất nước tôi" của nhà thơ Tạ Hữu Yên. Và thật lạ, dù giọng nam hay giọng nữ, người già hay người trẻ, giai điệu bài hát cất lên đều đẹp, say đắm.
Truyền thuyết kể rằng, người đầu tiên dạy dân trồng lúa lại chính là Vua Hùng mà ngày nay tại một làng cổ ở thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ vẫn duy trì lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa.
Chúng ta tự hào lịch sử Việt Nam hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Trong suốt chiều dài lịch sử vẻ vang đó nổi lên là các cuộc khởi nghĩa nông dân, nhiều triều đại phong kiến Việt Nam bắt đầu bằng một ông vua xuất thân từ nông dân "áo vải cờ đào". Lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam với những thành tựu vẻ vang có sự đóng góp không thể thiếu của nông dân như là một lực lượng cách mạng nòng cốt.
Suốt cuộc đời làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng nông dân, động viên nông dân. Cách mạng tháng Tám thành công với việc ra đời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9; kháng chiến chống Pháp thành công; cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975; đi qua được thời kỳ bao cấp để thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đưa Việt Nam hội nhập, ngày càng có vị thế trên trường quốc tế đều có công lao đóng góp không nhỏ của lực lượng nông dân.
Bước ra khỏi cổng trường đại học đi làm báo, lĩnh vực đầu tiên và cũng là lĩnh vực cho đến tận bây giờ tôi vẫn theo đuổi đó là nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà trong đó đối tượng tôi tiếp xúc, nhân vật tôi viết bài gần như chỉ là nông dân.
Tôi biết lực lượng đó có những cống hiến vĩ đại cho đất nước. Tôi biết người ta tôn vinh nông dân với những mỹ từ vượt qua "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa" cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo là sự thật xứng đáng. Và tôi cũng biết, họ còn nhiều khó khăn, thua thiệt, có hạn chế, những hạn chế bản thân họ không mong muốn và lấy làm bản vị.
Những suy nghĩ đó chỉ dừng lại ở một trạng thái hỗn độn cho tới khi tôi tiếp xúc với một người: Ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Tại một hội thảo khoa học lớn năm 2013 có chủ đề về "Chân dung người nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập", trước rất nhiều nhà khoa học xã hội nhân văn, ông đã đúc kết bức chân dung người "nông dân 5 nhất" như sau: Đông nhất; nghèo nhất; nhiều bức xúc nhất; hi sinh nhiều nhất; hưởng lợi từ đổi mới ít nhất.
Khi ông nói, cả hội trường im lặng, khi ông phát biểu xong, không khí hội trường như vỡ òa, dường như nhiều người đã thấu đáo hơn về chân dung nông dân qua các tổng kết súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu của ông.
Sau này, tôi dùng Google tìm kiếm thử xem, liệu đã có ai đó tổng kết "nông dân 5 nhất" trước ông mà đã khắc in trên không gian điện toán đám mây mấy từ khóa đó chưa. Và kết quả dường như chắc chắn, ông là đầu tiên. Người ta có thể nói ý này, ý kia tản mạn đâu đó về những cái khó của nông dân trong các tài liệu, nhưng đúc kết cô đọng thì dường như ông là người phát biểu đầu tiên.
Tôi cũng rất nhớ một câu nói của nguyên Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay - chị Mai Nhung: "Chúng ta còn nợ nông dân" trong một buổi họp giao ban đầu tuần. Người họp đông nhưng với đôi mắt sâu thẳm của nữ Tổng Biên tập, không gian căn phòng dường như kéo dài, mở rộng tới tận chân trời.
Làm gì để tiếng nói, hình ảnh, vai trò, vị thế của người nông dân nổi bật hơn, rõ hơn, tha thiết, thường xuyên hơn. Đó là trăn trở của biết bao người.
Trăn trở đó "biến" thành một hành động cụ thể khi ý tưởng về tổ chức một hoạt động truyền thông liên tục về người nông dân đến từ 2 đại biểu với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vào thời điểm đầu năm 2013. Đó là ông Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay/ Điện tử Dân Việt, và ông Lê Quốc Phong - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền. Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam mà trọng tâm là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" ra đời từ đó và thành công ngay trong lần đầu tiên tổ chức vào 14/10/2013.
Trong 10 năm qua, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam đã duy trì hàng loạt các sự kiện, hoạt động nổi bật thu hút, hấp dẫn như bình chọn và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc"; tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Diễn đàn Nông dân quốc gia; đưa Nông dân Việt Nam xuất sắc đi học tập nông nghiệp công nghệ cao ở nước ngoài.
Như lời ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nói: Tự hào Nông dân Việt Nam là Chương trình đầu tiên, bài bản. Đây cũng là niềm tự hào của Hội Nông dân Việt Nam.
Chúng ta vẫn còn nợ nông dân. Cái nợ này chưa biết bao giờ trả xong bởi lịch sử luôn lùi về quá khứ và cuộc sống thì đi về phía trước luôn phát sinh cái mới. Đạt được thành công mới nhưng cũng phát sinh khó khăn mới, thử thách mới.
Thế giới đang đi vào kỷ nguyên công nghệ số với nhiều cơ hội, thách thức. Đất nước cũng đang đứng trước những vận hội mới, thách thức mới. Người nông dân Việt Nam cũng vậy. Bản thân người nông dân luôn xác định, họ phải là người trực tiếp "trèo đèo, lội sông" vượt qua các thách thức, khó khăn đó như cha ông họ từng làm được.
Bởi họ chính là một trong những người khổng lồ gánh trên vai đất nước mình. Trong hành trình đất nước đi ra toàn cầu, tiến về tương lai, bước chân người nông dân Việt Nam xứng đáng được nâng đỡ trên con đường chính sách đúng, trúng, đủ, đầy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.