Bóng đá không chỉ là đá bóng

Phạm Quang Long Thứ năm, ngày 24/11/2022 16:19 PM (GMT+7)
Sự thua cuộc của Achentina hay Đức trước hai đội bóng châu Á là những bất ngờ với người này, đổ vỡ với người khác nhưng lại là sự hứng khởi và hy vọng của rất nhiều người... Cần xem lại mọi giả thiết, cứ liệu để nhận thức sự vật đúng hơn. Căn cốt nhất vẫn là hiểu đúng con người, cách dùng người sao cho hiệu quả.
Bình luận 0

Tôi mê thể thao và cũng chơi vài ba loại dù chơi rất làng nhàng nhưng niềm vui thích trước những " pha bóng đẹp" đến bây giờ vẫn nguyên vẹn. Tôi biết tật xấu của mình, đã mê cái gì thì gần như ít thay đổi.

Nhớ ngày đi học ở Liên Xô, mùa đông lạnh thế mà lúc xuống Kiev, tôi cứ đòi ông giáo dẫn ra sân Dinamo. Hồi ấy O. Blokhin, A. Zavarov đá rất hay nhưng tôi muốn đến để xem nơi các cựu cầu thủ Dinamo thế hệ cha chú của những người này sau trận thắng có một không hai trên thế gian này đã bị quân Đức giết hết vì trước trận đấu với đội tuyển quân chiếm đóng đã được cảnh báo: chỉ được thua mới thoát chết. 

Lạ là ông người Nga không biết chuyện ấy. Nghe tôi kể chuyện này đã viết thành sách, ông ngờ vực sao cái thằng nước ngoài lại bịa chuyện để làm gì? Tôi nghiệm ra có những sự thực người ta không muốn tin vì nó lạ, nằm ngoài những suy luận thông thường. Và họ bỏ qua một cơ hội để thay đổi nhận thức. 

Hẳn mọi người còn nhớ ngày đội Việt Nam từ Thường Châu về đã tạo nên một sự kiện vượt ra ngoài mọi dự liệu thế nào! Những trận thắng của bóng đá nam và nữ của chúng ta đã làm thay đổi cả nhận thức của nhiều người về nhiều chuyện ngoài bóng đá. 

Người ta nghĩ đến những chuyện quản trị xã hội, văn hoá dùng người, mơ ước khơi dậy khát vọng của cộng đồng… Cũng qua chuyện này những thứ dở hơi như ăn theo, lợi dụng bóng đá để mua danh, làm ăn… cũng lộ ra. Đúng là đủ các sắc màu. 

Người biết chuyện bảo bóng đá nhưng không chỉ là bóng đá. Nó là bản sao (từng phần thôi) tâm lý, bản lĩnh, sức khỏe… của con người, cộng đồng, nơi sinh ra đội bóng ấy. Vậy nên bên cạnh cái được, cái tử tế vẫn có những bèo bọt. 

Người không hiểu biết thì thấy đây là cơ hội để lao vào bám víu vinh quang của người khác để cầu lợi dưới những cái áo khoác mĩ miều. Nhưng cuộc sống công bằng lắm. Mọi chân tướng lộ ra hết, cả thật và giả.

Bóng đá không chỉ là đá bóng - Ảnh 2.

Người dân và du khách hào hứng xem bóng đá trên phố Tạ Hiện (Hà Nội). Ảnh: Lê Phương.

WC ở Qatar cũng bộc lộ nhiều điều của giới thể thao toàn cầu và cả những thứ khác ngoài bóng đá muốn lợi dụng cơ hội này. Cũng là tự nhiên thôi vì chả có ai vô tư cả. Cứ tin vào tự do, dân chủ, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc như tuyên bố của Liên Hợp Quốc là thật thì đã chả có chiến tranh tùm lum mấy chục năm nay. 

Bóng đá cũng thế. Mới chưa qua tuần đầu mà đã có bao chuyện bất ngờ. Sự thua cuộc của Achentina hay Đức trước hai đội bóng châu Á là những bất ngờ với người này, đổ vỡ với người khác nhưng lại là sự hứng khởi và hy vọng của rất nhiều người. 

Không liên quan trực tiếp gì tới bốn đội bóng kia, cũng chả do cá cược mà là cần xem lại mọi giả thiết, cứ liệu để nhận thức sự vật đúng hơn. Và nói gì thì nói cái căn cốt nhất vẫn là hiểu đúng con người, cách dùng người sao cho hiệu quả. Trông người để ngẫm đến ta. 

Chuyện lớn không dám bàn vì không đủ sức bàn nhưng riêng cái khâu chuẩn bị của nhà đài Việt Nam cho kỳ WC này cần có sự kỹ lưỡng và trách nhiệm xã hội hơn. Dường như nhà đài cứ làm theo ý mình, không biết hay không cần biết đến yêu cầu xã hội. 

Nên để những người hiểu biết bóng đá bình luận, đừng bắt các nghệ sỹ, người đẹp không biết, không hiểu bóng đá ngồi bình … loạn ở cái nơi nhà đài đang thay mặt quốc gia hành nghề nghiêm chỉnh chứ không phải nơi muốn làm gì thì làm. Chỗ của họ không phải ở đó. Họ đáng trọng trong công việc của họ, ở chỗ họ bộc lộ được thế mạnh và đóng góp của họ. 

Và xin nhà đài chú ý: không phải nhà đài thích cử ai tường thuật thì cử đâu. Lâu nay họ làm khổ chúng tôi nhiều rồi. Nhà đài không tặng không chúng tôi buổi tường thuật mà chúng tôi đi làm, đóng thuế để Nhà nước trả lương cho nhà đài, nhà đài là công cụ trong bộ máy tuyên truyền của nhà nước, nhà đài có trách nhiệm phục vụ xã hội. 

Máy kém chất lượng thì phải xin thay, người không làm được việc thì phải đổi. Đây còn là quyền tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hoá của mọi người được Luật quy định đấy.

Đến khổ lúc xem mà phải tắt tiếng. Ức chế lắm. Chả muốn nói nhưng nhà đài giữ quan điểm sai lâu quá đành phải lên tiếng. Nhà đài khó chịu một, chúng tôi khó chịu hơn nhiều lần. Chỉ là ứng xử với câu chuyện giải trí thôi nhưng sau đó là cả chuyện lớn về văn hoá đấy.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem