Dân Việt

Hiến tiểu cầu - trao đi những gì mình có

Thịnh An 25/11/2022 06:13 GMT+7
Gặp những người thường xuyên hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, chúng tôi xúc động bởi nhiệt huyết và việc làm ý nghĩa của họ. Có người đến với phong trào hiến máu từ truyền thống gia đình và nhiều người truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần thiện nguyện tới cộng đồng.

Kế thừa truyền thống gia đình

Nhắc tới các gia đình có nhiều đóng góp cho phong trào hiến máu tình nguyện tại TP Hà Nội không thể không kể đến gia đình ông Lê Đình Duật (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) với hơn 500 lần hiến máu. Suốt 24 năm gắn bó với phong trào này, ông đã lấy câu chuyện của bản thân, gia đình để "truyền lửa" cho mọi người xung quanh...

Lớn lên trong môi trường đó, anh Lê Đình Thắng 35 tuổi, con trai ông Duật cũng thấm đẫm tinh thần thiện nguyện, nên khi vừa đủ 18 tuổi anh đã tham gia hiến máu. Đến nay, anh vẫn đều đặn hiến máu theo định kỳ và thấy sức khỏe hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, điều khiến anh cảm thấy bứt rứt là thời gian chờ đợi để hiến máu nhắc lại quá dài (85 ngày), trong khi cơ thể anh luôn hối thúc làm nhiều điều hơn nữa cho cộng đồng. Và anh vui mừng khi tiếp cận được với việc hiến tiểu cầu, thời gian nhắc lại sau mỗi lần chỉ 21 ngày - đồng nghĩa anh có thêm nhiều cơ hội để tham gia giúp đỡ người bệnh.

Đến nay, anh Thắng đã có 78 lần hiến máu và tiểu cầu (riêng hiến tiểu cầu là 42 lần). Anh chia sẻ: "Sau mỗi lần tham gia hiến máu và thành phần máu, tôi cảm thấy thật vui, bởi đã làm được điều có ý nghĩa, giúp được cho người bệnh. Tôi nghĩ rằng bản thân mình không có gì trao cho họ thì máu là thứ mình có sẵn, là sự đóng góp nhỏ bé cho người bệnh và cộng đồng".

Hiến tiểu cầu - trao đi những gì mình có - Ảnh 1.

Mỗi lần đi hiến tiểu cầu anh Nguyễn Trung Kiên đều đưa con gái đi cùng để con hiểu về những điều tốt đẹp.

Anh Huỳnh Hải Bình (sinh năm 1979, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) đã có 13 năm tham gia hiến máu tình nguyện. Cơ duyên đưa anh đến với phong trào này là từ câu chuyện của chính gia đình. Khi đó, bố anh bị bệnh, cần truyền máu nên anh và chị gái hiểu sâu sắc về nhu cầu máu của người bệnh. Sau khi tìm hiểu, chị gái anh đã hiến máu và rủ anh đi cùng.

"Nhà có 2 chị em đều đi hiến máu, ban đầu mẹ tôi không ủng hộ lắm vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng sau thấy sức khỏe các con bình thường, vui vẻ nên mẹ không ý kiến gì nữa" - anh Huỳnh Hải Bình kể.

Thời gian hiến máu toàn phần kéo dài 10 năm, đến năm 2019, anh Bình vui mừng khi đủ điều kiện hiến tiểu cầu. Anh cho biết, trước đó bản thân cũng có nhu cầu nhưng tiểu cầu thấp không đủ điều kiện. Đến lúc được Viện thông báo đủ điều kiện anh đã rất vui và lập tức xếp lịch để đi hiến định kỳ. "Sau mỗi lần hiến máu tôi thấy rất vui, bởi việc gì mình có thể làm được cho cộng đồng, dù là nhỏ nhất thì cố gắng thực hiện" - anh Huỳnh Hải Bình chia sẻ.

Lan tỏa đam mê, trách nhiệm với cộng đồng

Với anh Nguyễn Văn Trường (42 tuổi, ở phường Xuân La, quận Tây Hồ) "bén duyên" với phong trào hiến máu tình nguyện một cách rất tình cờ trong một lần đi qua Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư. Anh đã chia sẻ với vợ về tình hình sức khỏe, về ý nghĩa của việc hiến tiểu cầu giúp người bệnh. Hai vợ chồng cùng tâm niệm, nên chị Nguyễn Thị Phấn (38 tuổi) cũng theo chồng đi hiến tiểu cầu.

"Tôi thấy vui, khỏe mạnh hơn sau mỗi lần hiến máu. Dù thời gian hiến tiểu cầu dài hơn hiến máu nhưng tôi đều thu xếp, bố trí công việc để đi. Được chia sẻ cho mọi người thứ mà mình có sẵn thật hạnh phúc" - chị Nguyễn Thị Phấn bày tỏ.

Mỗi lần đi hiến tiểu cầu, anh Nguyễn Trung Kiên (ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) đều đưa con gái nhỏ sinh năm 2013 đi cùng để "con làm quen với môi trường và hướng con đến những điều tốt đẹp". Tham gia hiến máu từ năm 2011, sau đó anh Kiên hiến tiểu cầu, cứ mỗi cuối tuần, anh lại thu xếp đến Viện, đến nay số lần hiến tiểu cầu đã đạt con số 69.

Từ câu chuyện của bản thần, anh muốn lan tỏa đến mọi người, anh đã vận động, tuyên truyền về phong trào hiến máu tình nguyện tại nơi anh làm việc, từ những lần nói chuyện, trực tiếp chia sẻ câu chuyện bản thân, đến những tin nhắn, thư gửi tới các bộ phận trong công ty. Anh đã truyền cảm hứng cho mọi người, kết quả vận động ngày càng tăng, đợt nhiều nhất thu hút được 120 người tham gia hiến máu.

Ngay trong gia đình anh, từ chỗ sợ kim to, đau, nhưng sau vài lần chồng rủ đi hiến máu, vợ anh cũng "ngấm" và tham gia được 23 lần. Con gái anh, cháu Nguyễn Linh Chi sau mỗi lần đi cùng bố cũng đã hiểu thêm về ý nghĩa của việc bố làm, Linh Chi bẽn lẽn: "Con thấy hiến máu cứu được rất nhiều người, sau này khi lớn con sẽ tham gia hiến máu".