Chúng tôi gặp cô giáo thể chất Phạm Thị Thùy Trang, công tác tại Trường THCS Thanh Quan, Hoàn Kiếm, Hà Nội khi cô vừa hiến tiểu cầu được 2 tuần. Ấn tượng đầu tiên về cô là gương mặt hồng hào, tác phong nhanh nhẹn và nụ cười lúc nào cũng nở trên môi.
Công tác tại Trường THCS Thanh Quan từ năm 2007 đến nay, cô giáo Thùy Trang luôn tâm niệm: "Việc tôi cần làm là trau dồi chuyên môn của mình, tạo điều kiện cho học sinh được hoạt động thể chất một cách tối đa sau những giờ học căng thẳng. Khi khỏe mạnh, chúng ta sẽ muốn hàng trăm điều ước, nhưng khi bệnh tật thì chỉ ước duy nhất một điều: Đó là sức khỏe - vốn quý nhất của con người".
Những lần lên lớp với học trò, cô giáo Thùy Trang cùng quyển giáo án của mình đã hướng dẫn các bạn học sinh nhiều phương pháp rèn luyện cơ thể, nâng cao thể lực để có sức khỏe đương đầu với các kỳ thi, phát triển cơ thể trong giai đoạn dậy thì…
Không chỉ rèn luyện thể lực cho học sinh mà cô còn chú trọng rèn luyện kỷ luật, nền nếp cho học sinh cũng như cùng tổ nhóm chuyên môn tổ chức các phong trào, các giải thi đấu Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, bồi dưỡng học sinh đi thi đấu các giải cấp quận và thành phố.
Ngoài các phương pháp tập thể dục cơ bản, cô giáo Phạm Thị Thùy Trang còn quan tâm đến những lợi ích của việc hiến máu, hiến tiểu cầu đối với sức khỏe: "Việc hiến máu thậm chí khiến bản thân tôi cảm thấy mình khỏe hơn và lên cân hơn so với trước đây. Tôi hiểu rõ rằng mỗi lần hiến sẽ được kiểm tra sức khỏe định kỳ, đồng thời lượng máu trong cơ thể sẽ thay mới một phần, chỉ cần nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ là sức khỏe phục hồi về trạng thái ban đầu. Nhờ thói quen hiến máu đều đặn đã giúp tôi duy trì được sức khỏe suốt nhiều năm đi dạy học", cô giáo Thùy Trang bộc bạch.
Cô giáo Phạm Thị Thùy Trang trải lòng: "Nếu chúng ta đã từng nhìn thấy hình ảnh truyền máu của người bệnh tan máu bẩm sinh, người cần phẫu thuật, nạn nhân bị bỏng, bị tai nạn giao thông… và những đau đớn họ phải chịu đựng, nhìn thấy ánh mắt tuyệt vọng của người bệnh, ánh mắt cầu cứu từ người nhà bệnh nhân khi biết máu trong kho dự trữ không còn đủ, ta sẽ hiểu hành động "Hiến máu sẽ tạo ra sự khác biệt giữa sự sống và cái chết".
Biết đến hiến máu vào năm 2014, từ đó đến nay gần như cô giáo Thùy Trang chưa bỏ lỡ bất kỳ dịp nào, đều đặn 3 tháng một lần đến ngày hiến máu nhắc lại, cô đều thu xếp công việc đến các điểm hiến máu cố định hoặc tổ chức tại các trường đại học để tham gia. Tính tới thời điểm hiện tại với 65 lần, cô giáo Phạm Thị Thùy Trang được xem là "quán quân" trong phong trào hiến máu của Trường THCS Thanh Quan.
Nhớ lại lần đầu tiên cô Trang tham gia hiến máu, cảm giác sợ kim tiêm thì vẫn như in trong đầu, nhưng nỗi sợ lớn hơn là bản thân không đủ điều kiện lại phải ra về "tay không". Do đó, cô giáo luôn giữ gìn sức khỏe bản thân, sinh hoạt đều đặn để có thể tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu thường xuyên để giúp đỡ những bệnh nhân cần truyền máu để duy trì sự sống.
Không chỉ trực tiếp tham gia hiến máu, bản thân giáo Phạm Thị Thùy Trang còn tích cực vận động, tuyên truyền hiến máu đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trong trường, có người bạn của cô đã hiến được hơn 20 lần.
Bằng sự nỗ lực, tâm huyết, cô giáo Phạm Thị Thùy Trang đã có nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sĩ thi đua. Bên cạnh đó, với những đóng góp trong hoạt động hiến máu tình nguyện, cô giáo Thùy Trang còn vinh dự góp mặt tại "Lễ tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu thành phố Hà Nội", "Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu giai đoạn 2018-2020", "Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2021" và vinh dự được nhận bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; giấy khen của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.