Chàng trai 32 tuổi, nặng 27kg, từng sống trong sự tự ti vì cột sống bị cong vẹo, đôi vai lệch và có một u to ở trên lưng. Nhưng anh đã lấy lại niềm tin khi bắt đầu hành trình lan tỏa văn hóa đọc.
Kể từ ngày khai trương không gian đọc "Vươn xa" tại nhà riêng vào giữa năm 2022, cuộc sống của anh Nguyễn Văn Thức (trú ở xóm 6, xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, Nam Định) luôn vui vẻ, sôi nổi. Đó là "đứa con tinh thần" mà anh đã ấp ủ nhiều ngày tháng.
Buổi lễ khai trương "Vươn xa" có đến gần 100 người tham dự, từ lãnh đạo thôn, xã, người thân, bạn đọc xa gần, đặc biệt là các nhà hảo tâm đóng góp sách và anh Đỗ Hà Cừ - người truyền cảm hứng để anh Thức thành lập không gian đọc này.
Từ ngày khai trương, không gian đọc "Vươn xa" luôn rộn tiếng nói cường. Ở đó, người ta thấy chàng trai nhỏ bé Nguyễn Văn Thức ân cần tìm sách, mời nước, mở quạt để chăm sóc, phục vụ bạn đọc. Những tháng ngày bi quan về số phận hẩm hiu đã thực sự lùi xa.
Tuy thành lập chưa lâu nhưng không gian đọc "Vươn xa" đã có gần 700 đầu sách với rất nhiều thể loại.
Bạn Phạm Ngọc Thủy Tiên, học sinh lớp 8A trường THCS Xuân Thủy là bạn đọc thân thiết của không gian đọc "Vươn xa". Gần như hôm nào Tiên cũng có mặt tại không gian đọc và đọc ít nhất một quyển sách.
Tiên cho biết: "Em rất thích đến đây đọc sách. Ở đây có nhiều loại sách như truyện thiếu nhi, sách văn học, truyện tranh... Nhiều hôm em còn mượn sách kỹ thuật nông nghiệp về cho bố em đọc luôn. Cần đọc sách gì mà chưa có, em lại nói với anh Thức để anh đi xin thêm về.
Mỗi khi nhận những thùng sách được nhà hảo tâm gửi về, anh Thức lại hăm hở vác trên đôi vai lệch, nhỏ bé của mình, mang vào sắp xếp cẩn thận. Hình ảnh làm em rất xúc động. Đến đây đọc sách, em còn được anh Thức kể chuyện về nghị lực sống, tình yêu của một người khuyết tật. Anh tiếp đón chúng em rất nhiệt tình, niềm nở".
Trước khi "thai nghén" đứa con tinh thần này, anh Thức từng phải trải qua quãng thời gian tuổi thơ màu xám, sống tự ti, khép kín. Anh Thức (SN1990), bị khuyết tật bẩm sinh. Anh chỉ nặng khoảng 27kg, cột sống bị cong vẹo, đôi vai lệch bên thấp bên cao và có một u to ở trên lưng.
Tuy vẫn đi lại được nhưng sức khỏe anh rất kém và gần như không làm được việc nặng. Anh theo học hết lớp 9, đi học một số nghề nhưng không thành công.
"Không phải tất cả chúng ta ai cũng làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm được những việc nhỏ bé bằng một tình yêu vĩ đại. Với tôi, đó là tình yêu với sách, để lan tỏa văn hóa đọc" - anh Nguyễn Văn Thức.
"Trước kia, tôi sống khá tiêu cực, bởi nghĩ bản thân chẳng làm được cái gì ra hồn. Ngoài 30 tuổi tôi vẫn chỉ biết ăn bám bố mẹ. Tôi đã từng học cắt tóc nhưng do thấp quá và tay yếu nên không theo được. Nhiều lúc, tôi chỉ ước thời gian trôi thật nhanh, rồi mình già đi, chết đi để làm kiếp người khác, không phải người khuyết tật nữa.
Tuy không giúp gì được cho bố mẹ, lại còn làm gánh nặng cho bậc sinh thành nhưng bố mẹ luôn yêu thương tôi, chưa bao giờ ruồng rẫy hay so bì tôi với con nhà người ta. Lúc tôi nói sẽ mở không gian đọc miễn phí, bố mẹ ủng hộ tôi rất nhiệt tình và sẵn sàng đầu tư vật chất", anh Thức chia sẻ.
Lan tỏa tình yêu với sách
Tình cờ, anh Thức quen anh Đỗ Hà Cừ, một người khuyết tật nặng ở TP Thái Bình. Anh Cừ đã thành lập không gian đọc "Hy vọng" năm 2015 và thu hút hàng trăm lượt bạn đọc mỗi tháng. Anh Cừ khuyến khích anh Thức đọc sách trước để khám phá những điều thú vị trong những trang sách và nhen nhóm tình yêu với con chữ.
"Thú thực, sau khi nghỉ học lớp 9, tôi không đọc sách. Nhưng được anh Cừ động viên, tôi đã đọc những cuốn sách đầu tiên và thấy sách đem lại cho chúng ta khối lượng tri thức khổng lồ. Sách còn giúp ta kết nối với thế giới rộng lớn. Sau đó, anh Cừ khuyên tôi nên mở một không gian đọc ngay tại nhà để lan tỏa văn hóa đọc.
Ban đầu tôi khá lưỡng lự, nghĩ rằng sức mình không làm được và lấy uy tín ở đâu ra. Nhưng thấy anh Cừ khuyết tật còn nặng hơn tôi mà còn làm được thì thực sự mình phải cố gắng, nếu không mình sẽ mãi là người vô ích, sống lùi lũi, chẳng đóng góp gì được cho xã hội", anh Thức chia sẻ.
Ngoài động lực từ anh Cừ, anh Thức nhận thấy, trẻ em trong thôn giờ rất ít đọc sách, bọn trẻ dành quá nhiều thời gian xem điện thoại, chơi game online, tiếp cận những thông tin trên mạng không được kiểm chứng, tràn lan và khó kiểm soát dễ làm các em có nhận thức không phù hợp.
"Hơn 30 tuổi vẫn ăn bám bố mẹ, tôi thấy rất buồn. Tôi không thể sống vô ích mãi được. Vậy nên, tôi quyết định mở Không gian đọc Vươn Xa để lan tỏa văn hóa đọc, góp ích cho làng quê". Anh Nguyễn Văn Thức
Anh Thức đã mạnh dạn lên mạng, viết thư xin sách khắp nơi bằng tất cả tấm lòng chân thành. Ý tốt của anh đã được đáp lại. Nhiều nhà hảo tâm đã gửi sách về cho anh, sách mới, sách cũ có đủ cả. Nhiều kiện sách rất dày, thậm chí có kiện sách mới nhưng đôi lúc không rõ người gửi. Sách về đến cổng nhà, anh Thức khấp khởi ra nhận trong niềm sung sướng tột cùng.
"Tôi hạnh phúc vô cùng, có lúc còn rơm rớm nước mắt. Rất nhiều người đã tin tưởng và động viên tôi cố gắng, cho dù họ biết tôi là người khuyết tật, trình độ chỉ học hết lớp 9 lại ở một vùng quê xa xôi", anh Thức tâm sự.
Có sách, cộng thêm tiền hỗ trợ từ nhà hảo tâm và chút tiền tiết kiệm của bản thân, anh Thức và bố mẹ gấp rút dồn sức xây dựng không gian đọc ngay khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Bàn ghế, kệ sách, bình nước được chuyển về. Anh Thức khéo léo trang trí không gian đọc thật ấm áp và đầy sáng tạo. Mùa hè, anh Thức lắp quạt xung quanh, chuẩn bị đun nước lá vối để phục vụ bạn đọc.
"Thật hạnh phúc khi được lao động, được làm việc mình yêu thích và có ích cho cộng đồng. Dẫu có mệt và vất vả nhưng tôi sẽ luôn đặt trách nhiệm với bạn đọc lên hàng đầu. Tôi mong rằng, những trang sách hồng sẽ nâng cánh các em nhỏ chinh phục các nấc thang tri thức, để sau này trở thành người có ích cho xã hội" - anh Thức tâm niệm.
Ông Đặng Kim Thuyết - Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy bày tỏ lòng khâm phục về nghị lực và tình yêu với sách của chàng trai Nguyễn Văn Thức. Tuy là người khuyết tật nhưng anh đã cho thấy khát vọng vượt lên số phận để làm việc có ý nghĩa cho cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.