Dân Việt

Cô giáo 20 năm "truyền lửa" nhân ái cho học sinh qua phong trào nuôi lợn nhựa

Khánh Ly 01/12/2022 06:10 GMT+7
Gần 30 năm gắn bó với nghề giáo, không chỉ được mọi người biết tới bởi nhiều thành tích đáng nể, cô Đào Thị Thái – Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, TP.Hà Nội) còn là tấm gương sáng trong phong trào thiện nguyện…


Cô Đào Thị Thái - Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Thành Công B. Video: Khánh Ly

"Giá mà tôi có nhiều tiền hơn để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn"

Đến Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, TP.Hà Nội) vào một sáng mùa thu, ấn tượng đầu tiên của tôi về cô giáo Đào Thị Thái là sự vui vẻ, năng động, toát lên nguồn năng lượng tích cực. 8h30, các cô giáo khác đang say sưa giảng bài, ở 1 góc nhỏ phòng Đội, cô Thái cũng đang miệt mài xây dựng kịch bản cho hội chợ quyên góp sắp tới của trường.

Vào ngành giáo dục từ năm 1994, 29 năm công tác trong ngành cũng là 29 năm cô Thái gắn bó với Trường Tiểu học Thành Công B. Cô chia sẻ: "Tôi đã gắn bó với trường từ những ngày đầu làm nghề, vì quen rồi nên cũng không muốn xa. Mọi người hay nói vui, tôi dành cả thanh xuân cho ngôi trường này".

Cô giáo 20 năm truyền lửa cho học sinh qua phong trào nuôi lợn nhựa - Ảnh 2.

Cô giáo Đào Thị Thái - Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Thành Công B luôn được nhắc tới với sự tận tâm, yêu nghề và giàu lòng nhân ái. Ảnh: Khánh Ly

Ngoài hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bản thân cô giáo Thái luôn là đầu tàu của Trường Tiểu học Thành Công B trong các hoạt động nhân đạo. Năm 2019, cô được nhận bằng khen "Người tốt, việc tốt" của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội, bằng khen của Hội đồng đội Trung ương,..

Lúc đầu do chưa có nhiều điều kiện kinh tế và thời gian, cô Thái thường tham gia cùng bạn bè. Sau một vài chuyến đi, gặp gỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, cô luôn trăn trở làm sao để giúp đỡ được nhiều người hơn. Dần dần, cô cảm nhận được niềm vui, sự ý nghĩa trong việc làm thiện nguyện. Vậy nên cô chủ động, tích cực hơn và tự kêu gọi mọi người xung quanh cùng tham gia.

Trong vai trò là thành viên của Công đoàn Trường Tiểu học Thành Công B, tại thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra nguy hiểm, hiểu được những khó khăn, vất vả của người nông dân, cô Thái đã kêu gọi các đoàn viên công đoàn tham gia Chương trình Giải cứu nông sản như: Cam, quýt, vải, dưa hấu, khoai lang,… cho bà con nông dân các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long,.. với tổng số lượng lên tới 20 tấn.

Cô giáo 20 năm truyền lửa cho học sinh qua phong trào nuôi lợn nhựa - Ảnh 3.

Có thời gian rảnh, cô thường xuyên trực tiếp lên lớp, trò chuyện, khơi gợi sự đồng cảm, xót thương của học sinh với những mảnh đời kém may mắn. Ảnh: Khánh Ly

Lần đầu tới Viện bỏng Quốc gia, cô xót xa, lặng người khi thấy các bệnh nhân đang điều trị. "Tôi thương vô cùng khi chứng kiến các bệnh nhân phải cắt tay, cắt chân, có những trường hợp bị nặng, phải băng bó khắp người. Cảm giác khó tả đó khiến tôi chỉ ước, giá mà tôi có nhiều tiền hơn, kêu gọi được nhiều hơn, giúp đỡ được nhiều người hơn"- cô Thái nghẹn ngào.

Có lẽ, chính sự xót thương, đồng cảm đó đã khiến cô dần trở thành vị "khách" quen của Viện bỏng Quốc gia. Sau một vài lần cô Thái tới viện, biết được tấm lòng nhân ái của cô Thái, cán bộ công tác xã hội của viện kết nối với cô, để khi có hoàn cảnh khó khăn nhờ cô giúp đỡ.

Cô chia sẻ:" Tôi may mắn khi nhận được sự tin tưởng, thấu hiểu của mọi người nên "trộm vía" chưa bao giờ bị hoài nghi về số tiền mọi người gửi gắm. Nếu không có sự chung tay, góp sức của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, có lẽ tôi sẽ không thể thực hiện ước mơ giúp người".

Cô tâm sự, nhiều người hay hỏi cô, cả vợ chồng cô đều là giáo viên, tiền đâu mà đi từ thiện nhiều vậy! Khi đó, cô chỉ mỉm cười. Bởi với cô, từ thiện là từ tâm, giúp được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Vậy nên dù ít dù nhiều, cô luôn cảm thấy hạnh phúc với việc làm thiện nguyện của mình.

Cô Thái nhớ nhất chuyến đi từ thiện tới hai Trường PTDTBT Tiểu học Tân Tiến và Yên Lỗ ở Lạng Sơn năm 2016 cùng gia đình diễn viên Việt Hương.

"Tôi nhớ hôm đó mưa, đường rất xấu. Điểm trường nằm sâu trong núi và chỉ có 1 con đường nhỏ gồ ghề để vào. Tới được điểm trường, chúng tôi phải di chuyển bằng xe Bò Ma quãng đường 8km mà mất 4 tiếng đồng hồ" - cô Thái chia sẻ.

Trong suốt 5 năm qua, cô Thái truyền cảm hứng và nhận được sự đồng hành của các thầy cô giáo trong trường, hội cha mẹ học sinh, học sinh tích cực ủng hộ nhiều chương trình như: Tiếp sức ngư dân bám biển, ủng hộ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài trường tại Hà Giang, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị,.. với số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Nuôi lợn nhựa ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Tại Trường Tiểu học Thành Công B, nơi cô Thái công tác, thầy cô luôn chú trọng giáo dục cho các em học sinh tinh thần "lá lành đùm lá rách", sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Trong suốt 20 năm qua, trường luôn phát động phong trào "Nuôi lợn nhựa ủng hộ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn" - đây là một hoạt động thường niên của trường.

Cô giáo 20 năm truyền lửa cho học sinh qua phong trào nuôi lợn nhựa - Ảnh 5.

Các em học sinh luôn tích cực tham gia Phong trào Nuôi lợn nhựa ủng hộ hoàn cảnh khó khăn. Bởi các em phần nào tự nhận thức được ý nghĩa to lớn trong những hành động nhỏ của mình. Ảnh: Khánh Ly

Nhắc tới phong trào nuôi lợn nhựa, cô Thái không giấu được niềm vui trên gương mặt. Bởi có lẽ, chính những hoạt động tuy nhỏ bé, nhưng ý nghĩa lớn này đã khiến cô một lòng gắn bó với Trường Tiểu học Thành Công B suốt gần 30 năm kể từ khi ra trường.

Hàng năm, vào đầy năm học, nhà trường tặng mỗi lớp một chú lợn nhựa. Các em học sinh bớt một chút tiền quà vặt để "nuôi" béo chú lợn của lớp mình. Tới cuối năm, nhà trường sẽ tổ chức chương trình, tổng kết số tiền các em tiết kiệm được trong suốt một năm học. Số tiền đó sẽ ưu tiên giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường.

Cô giáo 20 năm truyền lửa cho học sinh qua phong trào nuôi lợn nhựa - Ảnh 6.

Học sinh Trường Tiểu học Thành Công B phấn khởi trong ngày "mổ" lợn nhựa năm 2019. Ảnh: NVCC

Em Đỗ Lan Viên - Học sinh lớp 5A8 chia sẻ: "Con rất vui khi biết được ý nghĩa phong trào nuôi lợn nhựa của nhà trường. Con sẽ tích cực tham gia những hoạt động từ thiện mà trường phát động để có thể giúp đỡ nhiều hơn các bạn có hoàn cảnh khó khăn".

"Trong những năm qua, nhà trường làm công tác từ thiện rất tích cực, chỉ trong vòng 5 năm con số đã hơn 1 tỷ đồng. Trường có nhiều phong trào gây quỹ như nuôi lợn nhựa, cán bộ giáo viên nhà trường trích lương ủng hộ hoàn cảnh khó khăn…

Cô giáo 20 năm truyền lửa cho học sinh qua phong trào nuôi lợn nhựa - Ảnh 7.

Cô giáo Lưu Thanh Thúy - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B. Ảnh: Khánh Ly

Tết đến, trường sẽ tìm địa chỉ khó khăn ở miền núi xa xôi để hỗ trợ cơ sở vật chất, quần áo ấm, máy tính,.. Những hoạt động đó là thông lệ hàng năm của trường.

Đáng mừng, tại Trường Tiểu học Thành Công B, 100% cán bộ giáo viên, phụ huynh học sinh, học sinh tham gia trên tinh thần tự nguyện, tích cực. Phong trào từ thiện là một trong những điểm tự hào của trường", cô Lưu Thanh Thúy - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B chia sẻ.