Ông Bùi Văn Quyết cùng con trai chia sẻ lý do đi học nghề. Video: Nguyệt Tạ
Tình cờ trong một buổi làm việc tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, PV Bbáo Dân Việt được gặp và trò chuyện với 3 bố con ông Bùi Văn Quyết ở tại Xuân Ái (Hòa Long, TP.Bắc Ninh). Ông Quyết 54 tuổi, hiện đang làm thầu xây dựng tại Bắc Ninh. Ông là chủ thầu của một nhóm thợ xây dựng gần 10 người.
Dù tuổi cũng đã nhiều nhưng ông vẫn đăng ký tham gia học lớp trung cấp nghề xây dựng tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Chia sẻ về lý do đăng ký học nghề, ông Quyết kể: "Trước đây, trong một lần ngồi ăn cơm cùng đại gia đình, tôi nói chuyện vui với các con, mình làm nghề không có bằng cấp thì không được, vì thế tôi quyết tâm đi học để làm gương cho các con".
Nói là làm, sau đó, ông Quyết đi tìm hiểu về các trường dạy nghề và ông quyết định lựa chọn học nghề Xây dựng tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Đăng ký nhập học, nộp học phí xong, ông về chia sẻ với 2 con và hai con (1 con trai, một con rể) cũng đồng ý đi học theo bố.
Hiện tại con trai của ông Quyết học nghề Điện - điện lạnh, còn con rể học nghề Xây dựng, cùng lớp với bố vợ.
Ông Quyết chia sẻ, ngày mới đầu nói chuyện đi học nghề vợ ông cũng gàn: "Bà ấy cũng lăn tăn lắm, kêu đang yên ổn, công việc thuận lợi, đi học làm gì. Tôi chỉ cười bảo đi học làm gương cho con cái. Lúc thấy ông cụ 82 tuổi còn đăng ký thi THPT tôi còn trêu bà ấy: Đấy bà thấy không người ta 82 tuổi còn đi học, đi thi tôi mới có hơn năm chục thì phải đi học chứ".
Nói vậy, nhưng thời gian sau thì vợ ông Quyết cũng đồng thuận, sau dần thấy chồng con đi học vui vẻ thì quay sang ủng hộ.
"Không chỉ có vợ, hàng xóm, mà cả bạn bè của tôi còn động viên, họ bảo tôi cố gắng lên", ông Quyết chia sẻ thêm.
Noi gương bố, con trai của ông - Bùi Văn Long Khánh (20 tuổi) đã đăng ký học nghề Trung cấp Điện- điện lạnh. Long Khánh từng là công nhân của Công ty Hồng Hải, thu nhập mỗi tháng từ 10 -12 triệu đồng, nhưng nghe lời khuyên của bố cậu vẫn nghỉ việc để đi học nghề.
Khánh kể: "Lương cao nhưng công việc cũng không ổn định. Nhiều khi trò chuyện mấy chuyên gia nước ngoài hay quản lý vẫn thường hay hỏi học gì, thấy chạnh lòng. Đi làm tiền lương cao thì cũng thích thật, nhưng quan trọng là muốn học có bằng cấp để làm việc lâu dài", Long Khánh nói.
Vì mới học xong lớp 9, nên Long Khánh dự định sau khi học xong lớp Trung cấp nghề Điện - Điện lạnh, cậu sẽ học lên cao đẳng rồi xin đầu quân làm cho công ty hoặc tập đoàn nào đó để có kinh nghiệm để sau này dễ phát triển.
Kể lại ngày đầu mới bắt tay vào học, ông Quyết nói: "Lúc đầu nghĩ đến chuyện đi học nghề mình cũng ngại lắm chứ, nhưng tôi nghĩ mình cần phải học, các con thì còn cần hơn thế. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, công nhân, lao động không có bằng cấp thì bị sa thải, mất việc rất nhiều. Vậy nên thời buổi này không có bằng cấp là không được".
Ngoài lý do đi học để làm gương cho con, cháu, cho lao động làm trong tổ thợ, ông Quyết cho rằng, xã hội phát triển nghề xây dựng cũng vậy. Giờ người ta xây nhà có bản vẽ, có thiết kế, các công trình đa dạng hơn nhiều. Bởi vậy, nếu không học thì thành lạc hậu, lỗi thời, chưa kể kiến trúc, phương pháp xây dựng có nhiều điểm mới, không học thì không thể làm được.
"Nhiều người trêu tôi bảo ông đi học làm gì, học để về hưu à, tôi cười. Dù học để về hưu đi nữa thì vẫn tốt. Chí ít khi ra công trường xây dựng, mình cầm cái bản vẽ mình cũng hiểu chỗ này chỗ kia xây thế nào, làm kiểu gì", ông Quyết chia sẻ.
Nhập học được 2 tháng, ông cùng con rể đều đặn ngày ngày tới trường. Ông bảo đi học thấy vui, vì mấy học sinh cùng lớp đều đáng tuổi con tuổi cháu. Có lúc chúng gọi vui vui là ông, có lúc lại xưng anh, xưng chú... (cười).
Thấy sự quyết tâm của bố, Nguyễn Văn Điệp (1995) - con rể ông Quyết cũng ngày ngày lên lớp cùng bố, chiều chiều lại ra công trường xây dựng làm việc.
Điệp kể: "Dù đi làm thợ xây dựng đã chục năm, kiến thức, kinh nghiệm cũng có không ít nhưng lúc đi học vẫn thấy nhiều kiến thức mới, đáng để học hỏi".
Điệp cho biết, học xong trung cấp cậu dự định sẽ học lên cao đẳng để sau này có thể nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.