Nông thôn mới Quảng Ninh có nhiều mô hình sản xuất mới nhờ nông dân được học nghề
Nông thôn mới Quảng Ninh có nhiều mô hình sản xuất mới nhờ nông dân được học nghề, tập huấn kỹ thuật
Bùi My
Thứ năm, ngày 24/11/2022 05:05 AM (GMT+7)
Nhằm tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, TX.Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) chú trọng việc dạy nghề, tập huấn kỹ thuật để nông nghiệp, ngành nghề nông thôn phát triển...
Được Hội Nông dân TX.Quảng Yên giới thiệu, chúng tôi tìm về phường Nam Hòa (TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) để tìm hiểu về các mô hình dạy nghề cho lao động ở nông thôn tại đây.
Lớp học kỹ thuật trồng nấm là một trong những mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn tại phường Nam Hòa, TX.Quảng Yên. Lớp học được tổ chức ngay tại nhà văn hóa khu 2, phường Nam Hòa, thu hút 35 học viên, hầu hết là các hội viên Hội Nông dân và các hộ gia đình trên địa bàn phường.
Theo bà Vũ Thị Linh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nam Hòa cho biết, lớp trồng nấm bắt đầu triển khai từ tháng 8/2022, giúp giải quyết việc làm cho lao động khi nông nhàn. Đến nay, những nông dân tham gia lớp được cung cấp những kiến thức cơ bản về trồng và chăm sóc các loại nấm, trong đó nội dung giảng dạy chú trọng nhiều đến phần thực hành.
Chị Vũ Thị Ước Mơ (khu 4, phường Nam Hòa, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những nông dân tham gia lớp tập huấn trồng nấm.
Theo chị Mơ, trồng nấm khá dễ dàng, không tốn công sức, nguyên liệu trồng nấm chủ yếu từ phế phẩm nông nghiệp, rơm rạ, vừa tiết kiệm, bảo vệ môi trường, vừa mang lại giá trị kinh tế khá cao.
Tham gia lớp học, chị và các học viên khác được giảng viên hướng dẫn chi tiết từ cách chuẩn bị rơm rạ, làm khuôn đến đặt giống và cách chăm sóc các loại nấm thực phẩm như nấm sò, nấm rơm, kỹ thuật và phương pháp xử lý nguyên liệu,…
"Tôi cảm thấy rất phấn khởi khi được cán bộ Hội Nông dân phường Nam Hòa quan tâm, tạo điều kiện tham gia lớp trồng nấm. Khi tham gia vào lớp học, tôi cảm thấy rất nhiều lợi ích. Trong tương lai biết đâu mình có thể phát triển, nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế gia đình" – chị Mơ chia sẻ.
Bên cạnh lớp trồng nấm, tại phường Nam Hòa còn tổ chức lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) về IPM trên cây rau.
Trong thời gian học, nông dân được cung cấp kiến thức cơ bản về kỹ thuật và chăm sóc cây trồng, cách bón phân cho cây rau, quản lý sinh vật gây hại và thiên địch… Từ đó, nông dân có thể áp dụng vào sản xuất vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Bà Vũ Thị Linh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nam Hòa cho biết, tận dụng diện tích đất ruộng hoang hóa, Hội nông dân đã phối hợp tổ chức lớp học nhằm tạo việc làm cho lao động nông nhàn, cải tạo, khắc phục diện tích đất hoang hóa. Đây là lớp học hiện trường, nông dân được cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cụ thể ngay trên ruộng nên rất phấn khởi.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Nam Hòa, lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) về IPM trên cây rau gồm 30 người. Trong đó chủ yếu là những người ngoài độ tuổi lao động, 60, 65 tuổi, thậm chí có nông dân đã 70 tuổi cũng tham gia.
Được tham gia lớp tập huấn, bà Vũ Thị Cành (61 tuổi, phường Nam Hòa, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã áp dụng bón phân theo nguyên tắc "4 đúng" tại vườn rau của gia đình, nhờ đó năng suất tăng lên đáng kể.
"Nhà tôi cũng có ruộng trồng để trồng lúa, trồng rau màu. Khi được Hội Nông dân phường Nam Hòa vận động, chúng tôi rất hào hứng tham gia để học hỏi kinh nghiệm của các cô giáo và mọi người, từ đó về áp dụng tại vườn nhà mình. Từ khi áp dụng kỹ thuật tại lớp học, rau màu của gia đình tốt hơn hẳn mọi năm tôi tự trồng" - bà Vũ Thị Cành cho hay.
Thu nhập của nông dân tăng giúp xây dựng nông thôn mới
Theo Hội Nông dân TX.Quảng Yên, trong năm 2022, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, dự án KCN ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn.
Nhiều hộ gia đình bị thu hồi hết đất nông nghiệp phải chuyển đổi nghề, di chuyển nhà ở thực hiện chính sách tái định cư ổn định nơi ở mới, mặt bằng đất sản xuất nông nghiệp bị chia cắt hoặc không được đầu tư hạ tầng cấp nước, tiêu nước…
Do đó, trong năm 2022, Hội Nông dân TX.Quảng Yên đã phối hợp với Công ty CP Vật tư Nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ 880kg giống lúa DT100, DT120 cho 9 xã, phường; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thị xã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật gieo cấy lúa DT100 và DT120 cho 130 hội viên nông dân phường Cộng Hòa, xã Hiệp Hòa.
Phối hợp tổ chức tập huấn 24 lớp với hơn 1.600 hội viên nông dân tham gia tuyên truyền công tác vệ sinh đồng ruộng, hướng dẫn gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên lúa.
Phối hợp triển khai gieo trồng giống ngô nếp TBM18 tại HTX Hải Yên với diện tích 2ha, mô hình giống lúa Hưng Long 555 tại xã Cẩm La với diện tích 3ha, mô hình giống lúa TBR39 với diện tích 3ha và mô hình phân bón hữu cơ Suối Hai với diện tích 3ha; các mô hình giống lúa Bắc Thơm 7 phường Nam Hòa, mô hình giống TBR225 kháng bạc lá tại THX Yên Đông.
Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp triển khai phương án hỗ trợ diệt chuột đồng loạt bảo vệ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2021-2022 tại 18/19 xã phường.
Đặc biệt, Hội Nông dân TX.Quảng Yên đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thị xã triển khai 8 lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) về IPM trên cây lúa tại Phong Cốc, Yên Hải, Yên Giang, Tân An, Liên Hòa, Nam Hòa, Tiền An và Hiệp Hòa; 2 lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) về IPM trên cây rau tại phường Nam Hòa và phường Cộng Hòa. Bên cạnh đó, phối hợp với Phòng Kinh tế mở lớp trồng nấm tại phường Nam Hòa.
Qua các lớp đào tạo nghề, nông dân đã bước đầu thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất, từ đó giúp người dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.
"Nông nghiệp có phát triển, ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn có mở mang thì thu nhập của nông dân mới tăng lên. Mà xây dựng nông thôn mới có thành công, giữ vững được hay không là liên quan cốt lõi tới thu nhập của nông dân".
Từ thành công của các mô hình này, trong thời gian tới, Hội Nông dân TX.Quảng Yên sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân nhân rộng trên địa bàn, nhằm thu hút nguồn lao động dôi dư, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.