Những "bóng hồng" học nghề kỹ thuật: "Chỉ cần mình đam mê thì sẽ làm được"

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 14/05/2022 06:22 AM (GMT+7)
3 năm miệt mài với đường dây điện, mao mạch, ngỡ rằng sẽ khiến cho những "bóng hồng" phải từ bỏ đam mê, nhưng không, các em càng học càng say. Những "bóng hồng" này đang làm thay đổi nhận thức của xã hội rằng "con gái thì không thể học và làm nghề kỹ thuật".
Bình luận 0

Hai "bóng hồng" học ngành Điện công nghiệp chia sẻ với PV Báo Dân Việt.

"Bố mẹ từng muốn em theo học nghề những ngành nhẹ nhàng chứ không phải ngành kỹ thuật"

Phạm Thị Thu Uyên (22 tuổi) quê ở Thanh Miện, Hải Dương hiện là sinh viên năm 3 của Khoa Điện chuyên ngành Điện công nghiệp (Cao đẳng Cơ điện Hà Nội). Đây là một trong 2 nghề chất lượng cao, dạy theo tiêu chuẩn của Đức mà trường Cao đẳng Cơ điện đang giảng dạy theo chương trình thí điểm của Bộ LĐTBXH.

Nhìn gương mặt thanh tú, duyên dáng và cơ thể nhỏ bé của cô gái ít ai nghĩ rằng Uyên lại là cô gái mạnh mẽ có đam mê mãnh liệt với khối ngành kỹ thuật điện.

nữ sinh

Phạm Thị Thu Uyên hiện là bí thư đoàn của lớp Điện Công nghiệp. Ảnh: N.T

Uyên kể, hồi nhỏ hay được xem ông ngoại sửa chữa đồ điện. Lúc ấy Uyên đã ước mơ sau này có thể được làm công việc này.

Học hết cấp 3 thay vì thi vào ĐH, Uyên nghĩ ngay tới việc học nghề và chọn đăng ký ngay vào Khoa điện chuyên ngành điện Công nghiệp chất lượng cao. Uyên kể lúc đầu bố mẹ nghe xong cảm thấy khá lo lắng, bố mẹ khuyên cô nên chọn ngành nào đó nhẹ nhàng phù hợp hơn với con gái. Phải mất một thời gian dài thuyết phục bố mẹ mới đồng ý cho cô đi học nghề điện.

Nhớ lại ngày đầu nhập học, cô gái vẫn giữ nguyên cảm giác hồi hộp: "Ngày đầu tiên nhập học, lần đầu tiên bước vào khoa cả trăm người chỉ có mình là con gái, lúc đó em cũng cảm thấy khá lo lắng. May nhờ thầy cô quan tâm, các bạn hỗ trợ nên được 1-2 tuần em cũng quen dần".

Những "bóng hồng" học nghề kỹ thuật: "Chỉ cần mình đam mê thì sẽ làm được" - Ảnh 3.

Ngoài giờ học Thu Uyên có phần dịu dàng và xinh đẹp hơn. Ảnh: NVCC

Nhớ lại những tháng ngày miệt mài, hì hụi bên những chiếc ốc vít, đường dây điện, mao mạch... Uyên vẫn cảm thấy vui và may mắn. May mắn vì mình được học đúng ngành mình thích. Vui vì dù thể trạng yếu ớt nhưng khi học tập luôn được các bạn và thầy cô hướng dẫn dìu dắt tận tình nên dù có khó khăn gì cô cũng vượt qua.

"Có một kỷ niệm em nhớ nhất đó là giờ học thực hành, lúc đó phải thực hiện thao tác uốn cắt ống đi dây điện. Bình thường sẽ dùng máy gò để làm nhưng tình huống lúc đó không có máy gò bắt buộc người thợ phải dùng tay chân. Lóng ngóng mãi không làm được, lúc này thầy phải ra hướng dẫn chỉ em cách đặt ống xuống đất, tì gối lên để uốn. May được thầy hướng dẫn, nên em làm đúng kỹ thuật và cuối cùng cũng thành công", Uyên kể.

Là bí thư Đoàn của lớp, ngoài công việc học tập Uyên còn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, hay tư vấn tuyển sinh của nhà trường ở các tỉnh thành. Uyên kể lúc được chia sẻ tình yêu với nghề nghiệp với các em học sinh cô cảm thấy rất vui, cuộc sống có ý nghĩa hơn và chính cô cũng được tiếp thêm năng lượng mới để học tập và làm việc.

"Cả Phạm Thu Thảo và Phạm Thị Thu Uyên đều giành điểm cao, thi tổng kết đạt loại khá. Hiện 2 em đang gấp rút ôn luyện chương trình ngoại ngữ thi để lấy bằng".

Thầy Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội

Sau 3 năm học, Uyên đã kết thúc thời gian học chuyên ngành và đang hoàn thành chương trình học ngoại ngữ để được cấp bằng. Cô dự định, tốt nghiệp xong sẽ đăng ký đi làm việc ở Đức. Nếu được tuyển dụng Uyên sẽ đi làm việc ở nước ngoài để có thêm kinh nghiệm sau đó về nước làm việc.

"Em muốn truyền cảm hứng tới các bạn nữ có cùng đam mê học nghề các ngành kỹ thuật"

Ngoài Uyên, lớp Cơ điện còn có một bạn gái không kém phần xinh đẹp là Phạm Thu Thảo (22 tuổi), quê ở Tiền Hải, Thái Bình.

Thảo tâm sự vì có cá tính mạnh mẽ nên chỉ thích các công việc đòi hỏi kỹ thuật, khám phá và sự thử thách cao. Cũng bởi lẽ đó, Thảo quyết định chọn học nghề kỹ thuật cao thay vì chọn vào đại học dù em đã đậu đại học.

Những "bóng hồng" học nghề kỹ thuật: "Chỉ cần mình đam mê thì sẽ làm được" - Ảnh 5.

Phạm Thu Thảo trong trang phục khi học nghề kỹ thuật. Ảnh: NVCC

Cũng như Uyên, kỷ niệm về ngày đầu tới lớp cũng khiến cô gái trẻ có chút hồi hộp. Thảo kể: "Ngày đầu tới lớp chỉ thấy toàn các bạn nam (lúc đó chưa gặp Uyên) nên em khá căng thẳng, nhưng vì cá tính mạnh nên chỉ mất 1-2 ngày em đã hòa đồng và chơi được với các bạn nam".

Không giống như nhiều bạn trẻ khác thường bị bố mẹ ngăn cản khi có ý định đi học nghề hoặc học các chuyên ngành kỹ thuật. Ngay từ lần đầu tiên trình bày nguyện vọng, bố mẹ Thảo đã ủng hộ bởi vì với bố mẹ cô "chỉ cần con gái làm gì con gái thích, sống có ý nghĩa là bố mẹ vui".

Tất nhiên, đi học xa nhà nên bố mẹ có chút lo lắng, mỗi lần con gái trở về nhà là bố mẹ lại xúm lại hỏi han, tâm sự xem con có khó khăn gì không, có bị ai bắt nạt không. Nhưng sau khi nhìn thấy sự vui vẻ, năng động của Thảo bố mẹ lại cảm thấy yên tâm và càng tin tưởng hơn vào quyết định của cô con gái nhỏ.

Những "bóng hồng" học nghề kỹ thuật: "Chỉ cần mình đam mê thì sẽ làm được" - Ảnh 6.

Sau giờ học Phạm Thu Thảo cũng là một cô gái rất "điệu", thích trang điểm và chụp ảnh. Ảnh: NVCC

Mong muốn được lan tỏa tình yêu với nghề cho nhiều nữ sinh có cùng đam mê nhưng chưa thực sự quyết tâm gắn bó, theo học nghề, Phạm Thu Thảo nhắn nhủ: "Các em hãy sống với đam mê của mình, nếu mình sống với đam mê của mình thì mình sẽ cố gắng hết sức để đạt được ước muốn và thành công".

Câu chuyện về tình yêu với giáo dục nghề nghiệp, khối ngành kỹ thuật của 2 cô gái trẻ, xinh đẹp, năng động tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội phần nào sẽ là động lực giúp nhiều nữ học sinh được sống với đam mê "học những thứ mình thích". Đồng thời, câu chuyện cũng là cách góp phần thay đổi nhận thức của xã hội rằng: "Không phải cứ là con gái thì không thể học hay làm các nghề kỹ thuật".



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem