Bắc Giang: Nhiều mô hình sản xuất hay ra đời sau khi nông dân đi học nghề
Bắc Giang: Nhiều mô hình sản xuất hay ra đời sau khi nông dân đi học nghề
Thu Hà
Thứ hai, ngày 01/03/2021 05:00 AM (GMT+7)
Sau học nghề, nhiều nông dân tỉnh Bắc Giang đã áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương.
Trang trại chăn nuôi của gia đình anh Lý Văn Đức, dân tộc Sán Dìu, ở thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý (Lục Nam) rộng hơn 1.500m2 được phân làm hai khu. Trong chuồng hiện có hơn 7.000 con gà với hai loại giống: Lai gà Hồ và lai chọi gần 2 tháng tuổi.
Anh Đức kể, từ năm 2003, anh đã quan tâm đến nghề chăn nuôi, nhưng thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên anh không nuôi nhiều. Năm 2017, anh được Hội ND xã Cẩm Lý chọn tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y. Qua khóa học, anh và các học viên nắm được nhiều kiến thức cơ bản trong chăn nuôi và thú y, như cách mổ gia cầm để chẩn đoán một số bệnh cầu trùng, đầu đen, hen… qua quan sát nội tạng.
Gần đây nhất, cuối tháng 11/2020, Hội ND huyện Lạng Giang phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội ND tỉnh Bắc Giang tổ chức bế giảng lớp nghề ngắn hạn về trồng bưởi, cam, chanh cho lao động nông thôn tại xã Hương Sơn.
Hầu hết các lớp đào tạo nghề được tổ chức tại địa phương nên rất thuận tiện cho người học nghề. Đặc biệt, việc dạy nghề đã từng bước chuyển đổi theo hướng tiếp cận sát với nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (xã Hương Sơn) là một trong số 34 học viên của khóa học, cho biết, nhờ học nghề mà anh hoàn thiện hơn kỹ năng trồng cây có múi. Hiện tại, gia đình anh có gần 12.000m2 đất trồng bưởi. Sau khi đi học nghề, anh Mạnh hiểu hơn về kỹ năng cắt ghép cành, biết lúc nào nên cắt tỉa cành lá để cây cho nhiều quả, đậu trái.
Ngoài ra, anh cũng được giới thiệu tư vấn về các giống phân bón, hóa chất sử dụng an toàn. Sau 2 tháng học nghề, áp dụng những kiến thức vào sản xuất, anh đã thấy vườn bưởi cho kết quả khác hẳn. Vụ bưởi năm nay, vườn bưởi sai hoa, quả đậu, to hơn nhiều.
Sơn Động đang là huyện đi đầu của tỉnh Bắc Giang trong phát triển sản xuất cây dược liệu. Trong đó, mô hình trồng cây dược liệu ba kích tím đã giúp bà con nơi đây có thu nhập khá, từng bước thoát nghèo và làm giàu. Nhiều hộ gia đình nông dân trên địa bàn huyện Sơn Động đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ từ loại cây dược liệu này.
Năm 2017, ông Nguyễn Hải Đính (thôn Thanh Bình, xã Thanh Luận) là 1 trong số hàng chục hộ được Hội ND tỉnh chọn tham gia mô hình trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Theo đó, ông được Hội ND tỉnh hỗ trợ cây giống ba kích; đồng thời được Hội tổ chức dạy nghề, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăm sóc bài bản.
Đến nay, vườn ba kích của ông Đính đã được hơn 3 năm tuổi và bắt đầu cho thu hoạch khoảng 4.000 gốc, bình quân mỗi gốc ba kích thu được 3 -3,5kg. Với giá bán tại vườn từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Trong 3 năm (2018 - 2020), Trung tâm Hỗ trợ nông dân – Hội ND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức đào tạo 26 lớp cho 793 học viên. Sau dạy nghề, Trung tâm cũng đã hình thành được nhiều các mô hình điểm trồng cây ăn quả, chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh.
Bằng số vốn này, ông Đính tiếp tục đầu tư vườn ươm để vừa bảo đảm nguồn cây ba kích giống chất lượng cho sản xuất của gia đình vừa cung cấp cho người dân trong, ngoài huyện Sơn Động.
Sát với nhu cầu thực tế
Trên đây là 3 trong nhiều hội viên, nông dân điển hình được Hội ND tỉnh Bắc Giang đào tạo, dạy nghề, tư vấn và định hướng để phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Những năm qua, các cấp Hội ND trong toàn tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh đào tạo nghề, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho hội viên, nông dân. Cụ thể, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố và các cấp hội cơ sở hội xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với từng huyện, xã để phối hợp, tổ chức dạy nghề cho hội viên.
Trong 3 năm (2018 - 2020), Trung tâm Hỗ trợ nông dân – Hội ND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức đào tạo 26 lớp cho 793 học viên. Trung tâm cũng tổ chức 47 hội nghị tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 4.700 đại biểu tham dự tại các huyện, thành phố và 2 hội nghị tọa đàm cho 340 đại biểu tham dự tại huyện Hiệp Hòa và Lục Nam. Sau dạy nghề, trung tâm cũng đã hình thành được nhiều các mô hình điểm trồng cây ăn quả, chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Quang Nông - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Để tăng cường đào tạo nghề cho nông dân, thời gian qua trung tâm cũng được kiện toàn và đi vào hoạt động nhằm đáp ứng được nhu cầu của các địa phương về công tác đào tạo nghề. Đội ngũ giáo viên dạy nghề có trình độ đạt chuẩn đáp ứng được yêu cầu dạy nghề và tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân.
Bên cạnh đó, nội dung chương trình, giáo trình dạy nghề thường xuyên được đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hóa và thị trường lao động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.