Dân Việt

Trồng chanh dây đột biến ra trái to bự, ngọt xớt, anh nông dân Tiền Giang đang làm giàu

Trần Đáng 06/12/2022 18:51 GMT+7
Sau thời gian lai tạo, trồng chanh dây thử nghiệm, anh Trương Văn Phúc (xã Tân Tây, Gò Công Đông, Tiền Giang) cho ra sản phẩm trái chanh dây đột biến to bự gấp chục lần trái chanh dây thường và có vị ngọt xớt có thể ăn tươi.

Anh Phúc cho biết, ngoài tính trội trên, giống chanh dây này rất thích hợp với vùng đất ven biển Gò Công bởi khả năng chống chịu phèn, mặn.

Trồng chanh dây đột biến ra trái to bự, ngọt xớt, anh nông dân Tiền Giang tính chuyện làm giàu với nông dân  - Ảnh 1.

Anh Trương Văn Phúc (xã Tân Tây, Gò Công Đông, Tiền Giang) và vườn trồng chanh dây đột biến cho trái to bự. Ảnh: Trần Đáng

Gian nan cấy ghép, trồng chanh dây đột biến

Hội chơi chim cảnh ở miền Tây Nam bộ, nhiều người biết anh Phúc qua nghề nuôi chim công. Giờ đây, sẽ có thêm nhiều nông dân biết anh Phúc bởi anh là người lai tạo thành công loại loại chanh dây cho trái to bự khác thường.  

Theo anh Phúc, từ vài năm trước anh đã ấp ủ tìm ra giống chanh dây mới thích hợp trồng trên vùng đất phèn, mặn Gò Công. Bởi lý do, anh đã cất công sang tận tỉnh Sóc Trăng tìm mua giống chanh dây của một cơ sở làm giống chanh dây nổi tiếng về trồng nhưng không thành công.

"Do đất nhiễm phèn, mặn nên cây chanh dây sống rất èo uột", anh Phúc thổ lộ.

Tức mình, anh mua giống chanh dây nhập ngoại của Mỹ, Đức, Nam Phi về lai ghép với chanh dây ta để tìm ra giống chanh dây thích hợp vùng đất khắc nghiệt này. Mỗi cây giống chanh dây ngoại dài 3 – 5cm giá 500.000 đồng.

Miệt mài lai ghép, thất bại rồi làm lại, cuối cùng anh Phúc cũng cho ra giống chanh dây mà mình mong ước bấy lâu.

"Đầu tiên, tôi ghép chanh dây ta với chanh dây ngoại. Khi có được sản phẩm chanh dây hồng ngọt, tôi đã ghép với một loại cây khác như chanh hay nhãn lồng để cây sinh trưởng tốt", anh Phúc bộc bạch.

Trồng chanh dây đột biến ra trái to bự, ngọt xớt, anh nông dân Tiền Giang tính chuyện làm giàu với nông dân  - Ảnh 3.

Trồng chanh dây đột biến sẽ cho trái to gấp chục lần chanh dây thường. Ảnh: Trần Đáng

Theo anh Phúc, ngoài việc thích ứng khô hạn, trồng chanh dây giống này phát triển rất tốt trên đất phèn, mặn. Cây trồng cao khoảng 4cm đã ra hoa và trồng 3 - 4 tháng là cho trái.

Trồng giống chanh dây này cho trái rất sai. Hầu như mỗi mắc dây đều đậu một trái. Đặc biệt, giống chanh dây này cho trái rất to. Mỗi trái nặng trung bình 200g, gấp chục lần so với trái chanh dây thường.  

Trái chanh dây này khi chín vỏ màu hồng, ruột vàng và có vị ngọt thơm. Có thể bổ ngay để ăn tươi, không cần pha chế như các loại chanh dây chua khác.

Chia sẻ giống để cùng bà con trồng chanh dây đột biến

Theo anh Phúc, hiện anh đang trồng 500 cây chanh dây đột biến trên mảnh đất 6.500m2. Khu đất này đang được anh Phúc xây dựng thành khu du lịch sinh thái với điểm nhấn là vườn chanh dây cho trái khổng lồ.

Một số lượng nhỏ trái chanh dây đột biến đang được anh Phúc bán ra cho bà con dùng thử với giá chanh dây tươi là 100.000 – 120.000 đồng/kg.

Riêng với giống chanh dây đột biến, anh Phúc cũng đã chia sẻ lại cho bà con trồng thử.

Trồng chanh dây đột biến ra trái to bự, ngọt xớt, anh nông dân Tiền Giang tính chuyện làm giàu với nông dân  - Ảnh 4.

Anh Trương Văn Phúc (xã Tân Tây, Gò Công Đông, Tiền Giang) cho biết sẽ chia sẻ giống để bà con nông dân cùng trồng chanh dây đột biến. Ảnh: Trần Đáng

"Tôi không có ý định độc quyền giống chanh dây này. Khi nhân được nhiều giống, tôi sẽ bán ra cho bà con nông dân trồng với hy vọng bà con có đời sống kinh tế tốt hơn", anh Phúc thổ lộ.

Anh Phúc cũng cho biết, ước nguyện của anh là sẽ biến trái chanh dây này thành loại trái cây tráng miệng trong bữa ăn của người Việt.

"Chanh dây có nhiều vitamine cải thiện tốt sức khỏe. Loại chanh này cũng khá ngọt nên tôi nghĩ sẽ là món tráng miệng trong bữa ăn của bà con", anh Phúc chia sẻ.

Liên quan đến trái chanh dây, vừa qua cùng với trái sầu riêng, chanh dây Việt Nam cũng được phía Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chính ngạch sang thị trường nước này.