Thế giới giờ thay đổi rất nhanh. Một nhãn hiệu lừng danh như Kodak Film giờ chỉ bán được cho số ít người còn chuộng máy ảnh cơ. Nokia "ông hoàng" cell-phone một thời giờ chỉ là điện thoại giá rẻ dành cho người nghèo. Các đĩa CD, video ca nhạc một thời đắt đỏ giờ xếp xó phủ bụi vì chả ai nghe-xem ca nhạc bằng đĩa nữa.
Một buổi chiều cuối tháng 5/2022, tản bộ quanh đài phun nước – điểm trung tâm của Phố đi bộ Nguyễn Huệ, tôi được một ông thợ chụp hình chạy theo nài nỉ. Ông bảo: "Chị chụp vài tấm đi, tôi chụp cho, cảnh đẹp lắm. Chụp ít nhất 5 tấm, tôi lấy 50.000 đồng thôi, chụp xong chị mở Bluetooth, tôi "bắn" qua điện thoại của chị liền". Khi chụp xong và đã gửi ảnh qua điện thoại, ông dặn dò tôi: "Chị đừng nói với mọi người giá chụp chỉ 10.000 đồng một tấm nhé".
Nhìn cái máy ảnh ông đeo thuộc hàng chuyên nghiệp – đầu tư không ít tiền – chợt thấy ngậm ngùi. Giờ đi vãn cảnh hay du lịch mấy ai còn thuê thợ chụp hình, khi ai cũng có cell-phone tự chụp rất nhanh, thế nên thợ chụp hình dạo như ông khó kiếm khách, phải chấp nhận giá rẻ bèo.
Nhớ thập niên 90 của thế kỷ 20, khu Nguyễn Huệ quận 1 tưng bừng nhộn nhịp với những tiệm chụp hình và rửa hình. Dân phóng viên chụp hình xong - máy cơ, chụp phim Fuji hay Kodak - phải chạy ra đây rửa ảnh đem về toà soạn, còn cuộn phim tráng xong cẩn thận cho vào giấy kiếng mờ ghi chú ngày tháng rồi cất để dành. Thời gian đó, có những ngày tôi phải chạy đến tiệm rửa hình vài lần, may sao lúc đó Sài Gòn không kẹt xe khủng khiếp như bây giờ.
Những năm đầu mới làm báo, chắt chiu mua được cái máy ảnh chuyên nghiệp hiệu Nikon hàng xài rồi mà sao vẫn thấy sung sướng vô cùng. Cái máy nặng nhưng chụp hình rất rõ, nước ảnh rất đẹp, mỗi lần đi nước ngoài chụp cảnh đêm không cần đèn flash cũng rõ mồn một, dù không có chân máy, các tấm ảnh vẫn không bị rung, không bị mờ.
Rồi đầu năm 2000, máy kỹ thuật số tràn vào Việt Nam, không cần phim, không cần rửa hình sao mà khỏe thế. Lúc đó cũng cố gom tiền mua được cái máy Olympus 4 chấm "made in Japan" chụp sao rõ quá, chả cần canh khẩu độ, tốc độ, ánh sáng chi hết. Một cái sướng khác là máy ảnh kỹ thuật số nhỏ gọn, khi đi tác nghiệp không cần một túi riêng to kềnh càng như trước.
Tất nhiên, máy kỹ thuật số không bền như máy cơ dùng phim. Trung bình tuổi thọ một máy chụp hình kỹ thuật số khoảng chừng 4-5 năm, sau đó chất lượng ảnh kém dần đi, lại phải sắm máy khác có công nghệ mới hơn, ảnh rõ nét hơn.
Sự bùng nổ của máy ảnh kỹ thuật số rồi chức năng chụp ảnh trên smartphone ngày càng cải tiến khiến cho ai cũng có thể chụp hình cho mình và người thân. Nghề chụp ảnh ở phố Nguyễn Huệ giờ chỉ còn khoanh lại trong dịch vụ chụp ảnh chân dung làm lý lịch, làm passport, hoặc xin visa đi Mỹ, Nhật, Canada, Úc, châu Âu….
Nghề rửa ảnh cũng mai một, vì người ta đã gửi ảnh miễn phí qua các mạng xã hội. Nhu cầu rửa ảnh chỉ còn khoanh lại việc chỉnh sửa ảnh thờ, ảnh đám cưới, ảnh sinh nhật, ảnh treo trang trí...khổ lớn như tranh treo tường hoặc làm laminage.
Vài năm không cần rửa hình mới thấy phố chụp hình và rửa ảnh Nguyễn Huệ teo tóp dường như mất luôn dấu tích. Các tiệm rửa ảnh - chụp ảnh chuyên nghiệp như Photo Lập, Photo Phương Quỳnh…giờ lọt thỏm trong con phố toàn những nhà hàng, quán cà phê sang trọng.
Ngày xưa Photo Lập nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Huệ lúc nào cũng tấp nập nhộn nhịp người ra kẻ vào, giờ nằm nép phía sau một quán cà phê, bước vào nghe mùi mốc của những bức tường cũ, đồ đạc của nghề ảnh một phần chất chồng, một phần vương vãi. Cám cảnh.
Ông chủ Lập ngày xưa phong độ là thế giờ đây trông mệt mỏi, nhưng vẫn mỉm cười chống chế: "Vẫn có khách bình thường chị ơi".
Vâng, tiệm vẫn có khách, nhưng khác xưa rồi. Trong một tiếng đồng hồ chỉ có một mình tôi đi tìm mua cái thẻ bỏ vào máy chụp hình kỹ thuật số và tranh thủ hỏi han ông về các chức năng chụp hình của cái máy Nikon kỹ thuật số mới mua.
Trong cái tiệm ảnh còn sót lại này, thứ duy nhất có giá trị là bức tranh sơn dầu chân dung ông chủ Lập do chính ông vẽ. Thần thái ông trong bức tranh thật phong độ hào hoa, dễ chừng được vẽ từ 20 năm trước, lúc tiệm của ông đang ăn nên làm ra.
Có lẽ tôi nằm trong số ít khách hàng trung thành còn sót lại của tiệm Photo Lập. Mỗi khi cần chụp ảnh làm visa đi du lịch nước ngoài, tôi đều đến đây. Còn khi rửa ảnh? Thật dễ dàng có thể gửi ảnh qua email và khi xong nhân viên của ông sẵn sàng ship đến tận nhà. Thời thế thay đổi, ông chủ cũng phải thích ứng để duy trì hoạt động của tiệm – một thương hiệu trong ngành ảnh nay đã một thời vang bóng.
Rồi nhìn rộng ra những ngành nghề khác, ai cũng thấy nghề "xe ôm" hiện nay cũng đang mai một. Những ông tài xế "xe ôm" ở đầu ngõ giờ không thể cạnh tranh với những xe bike công nghệ như Grab, Gojek, Be.
10 năm về trước, tôi thường nhờ một tài xế "xe ôm" gần nhà chở đi khi có việc, thậm chí giao hàng cho ông ấy gửi cho gia đình, bằng hữu. Nhưng khi xe bike công nghệ ra đời, tôi thấy mình có nhiều lựa chọn về mức giá hơn, nhất là cùng một tuyến đường, xe bike công nghệ có giá luôn rẻ hơn.
Hiện nay, khi cần về thăm cha ở một huyện ngoại thành, tôi gọi xe bike công nghệ với giá còn rẻ hơn giá ông ấy chở tôi 10 năm trước. Khi không còn là khách, thỉnh thoảng gặp ông ấy ở đầu ngõ, tôi vẫn chào hỏi, nhưng không nhờ ông ấy việc gì nữa. Tôi biết ông ấy giờ đây ế khách hơn, vì thấy thời gian ông đậu ở đầu ngõ nhiều hơn trước, nhưng không thể chọn ông ấy được nữa. So với tài xế xe bike công nghệ, ông ấy không chỉ lấy giá đắt hơn mà còn có yếu điểm là hỏi quá nhiều về đời tư của khách – là người cùng phường.
Ai cũng có một thời. Con người hay doanh nghiệp cũng vậy.
Chỉ mong khi đang gặp thời, con người phải biết khiêm cung, cư xử kính trên nhường dưới, không "thượng đội hạ đạp", lấy sự san sẻ làm niềm vui.
Còn khi thời ấy qua, chúng ta phải biết chấp nhận, lui về phía sau và mỉm cười an nhiên, biết tìm niềm vui trong những việc bé mọn hàng ngày, không ganh tỵ, không trách móc vì bị quên lãng - nói với người nhưng cũng chính là tự dặn mình.
Rồi ai cũng như chồng đĩa CD kia, một ngày nào đó sẽ phủ bụi vì không ai còn cần đến nữa. Chỉ còn duy nhất những tình thân trong gia đình và may mắn thì có vài người bạn quý - là chỗ dựa vững chắc - cho đến khi chúng ta hoàn tất con đường riêng của phận mình.