Bạo lực học đường và việc giáo dục pháp luật trong trường học

Đức Hiển Thứ ba, ngày 08/11/2022 10:10 AM (GMT+7)
Ngày càng có nhiều những clip học sinh đánh bạn. Không phải chỉ là chuyện "trẻ con đánh nhau" như lứa học trò chúng tôi ngày xưa. Nhiều vụ học trò đánh bạn bây giờ như bóp nghẹt trái tim người xem, nó mang đến cảm giác căm phẫn vì mức độ tàn nhẫn, bạo lực.
Bình luận 0

Tuần trước, một phóng viên thường trú của tờ báo nơi tôi công tác gửi báo cáo về toà soạn: Một nữ sinh trung học càn quấy, đánh nhau ở địa phương khác, gia đình xin chuyển trường về tỉnh. Tại đây, cô học sinh này lại tiếp tục gầy băng nhóm, hẹn một bạn nữ khác đến trường vào ngày nghỉ, đưa vào góc khuất nơi không có camera đánh rồi quay clip. Bạn phóng viên hẹn làm việc với nhà trường để tìm hiểu thông tin nhưng cô Hiệu trưởng ngại ngần.

Tôi hỏi quan điểm, bạn phóng viên trả lời: Em vẫn tìm hiểu, nhưng nếu clip trên chưa lộ ra ngoài, nếu nhà trường xử lý nghiêm khắc và hợp lý thì có lẽ không nên đăng báo.

Ngày càng có nhiều những clip học sinh đánh bạn. Không phải chỉ là chuyện "trẻ con đánh nhau" như lứa học trò chúng tôi ngày xưa, xích mích không giải toả được thì trên đường về rủ nhau ra bãi sông cởi áo đánh nhau, có bạn làm trọng tài, rồi thôi. Nhiều vụ học trò đánh bạn bây giờ như bóp nghẹt trái tim người xem, nó mang đến cảm giác căm phẫn vì mức độ tàn nhẫn, bạo lực.  

Đáng buồn hơn, nhiều vụ đánh bạn như thế không bị can ngăn mà chỉ thấy sự hiếu kỳ và cổ vũ. 

Một cô giáo là hiệu trưởng Trung học nói với tôi: Ở góc độ người làm giáo dục, cô và đồng nghiệp của mình phải đặt việc bảo vệ học trò lên trên hết. Không chỉ là bảo vệ các em khỏi bạo lực, mà ngay trong các vụ như vậy, người được bảo vệ có cả em học sinh đánh bạn. Áp dụng kỷ luật nhà trường vừa là để răn đe, nhưng cũng là để bảo vệ. Xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với em học sinh đánh bạn. Và, phải làm sao để cả hai phía không bị tổn thương về sau bởi câu chuyện hôm nay. Quan trọng nhất là để hành vi bạo lực ấy không lặp lại với các em và những em khác trong trường.

Tôi suy nghĩ nhiều và đồng tình với bạn phóng viên và cô giáo Hiệu trưởng.

Bạo lực học đường và việc giáo dục pháp luật trong trường học - Ảnh 2.

Ảnh minh họa từ Internet.

Cái ác sẽ bắt đầu từ những câu chuyện như trên nếu không được ngăn chặn. Việc đánh bạn tàn nhẫn, suy cho cùng khởi đầu từ lòng ích kỷ, coi trọng bản thân mình nhưng lại thiếu tôn trọng và sẵn sàng xâm hại người khác. Giáo dục công dân, giảng dạy pháp luật- đạo đức trong nhà trường có lẽ nên bắt đầu bằng khái niệm về sự bình đẳng và tôn trọng danh dự, thân thể người khác, thể hiện qua cư xử với người thân, bạn bè. Trẻ em cần được biết và bảo vệ quyền của mình, biết cách tự bảo vệ hoặc yêu cầu được bảo vệ. 

Và trẻ cần được giáo dục cách phản ứng trước cái xấu, trước bạo lực. Những cô cậu học sinh đánh bạn trong các clip chắc chắn sẽ chùn tay khi quanh chúng không phải là đám đông hiếu kỳ, cổ vũ, dùng điện thoại quay clip và phát tán. Chúng sẽ không dám đánh bạn nếu bạn bè can ngăn, nếu đối diện với những ánh mắt chê bai, coi thường.  

Nhu cầu thể hiện sức mạnh bản năng sẽ dần nhường chỗ cho việc thể hiện sự tức giận bằng cách khác, để được tôn trọng. Khi có một tập thể học đường hiểu và hành xử đúng chuẩn mực, những hành vi bạo lực sẽ dần không còn xuất hiện nữa.

Sự tôn trọng người khác, tôn trọng cộng đồng khi trở thành hành xử tự nhiên trong học đường, thì tương lai xã hội sẽ có những công dân tốt, không xâm hại và biết cách bảo vệ lợi ích của người khác, của xã hội khi lợi ích đó bị kẻ xấu xâm hại. Khi đó, toà án dân sự có thể nhiều việc hơn, nhưng toà hình sự sẽ bớt đi những bị cáo; xã hội bớt đi những câu chuyện đau lòng mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay.

10 năm trước, chính phủ đã chọn ngày 9/11 hàng năm là ngày Pháp luật Việt Nam. Mục đích nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người, góp phần xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người, qua đó, xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội. 

Với lứa tuổi học trò, tôi nghĩ ý thức pháp luật nên khởi đầu bằng ý thức tôn trọng người khác và bảo vệ mình khi bị xâm hại. Và sẽ may mắn biết bao khi mỗi người lớn nhìn thấy trong những vụ bạo lực học đường lỗi của mình, thầy cô cũng luôn thấy "ngay cả em học sinh đánh bạn cũng là đối tượng cần được bảo vệ".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem