Sở Nội phải rà soát tuân thủ PCCC: Công bằng trước hỏa hoạn
Công bằng trước hỏa hoạn
Luật gia Lương Lê Minh
Thứ ba, ngày 29/11/2022 13:54 PM (GMT+7)
Trong thời gian qua, Sở Nội vụ chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn PCCC, rất may đã không xảy ra vụ hỏa hoạn nào. Bởi cơ quan công quyền cũng không thể nào miễn nhiễm với cháy nổ
Sau hàng loạt những vụ cháy lớn gây nhiều thiệt hại về người và của, các cơ quan chức năng ở Việt Nam đã khẩn trương rà soát lại việc tuân thủ các qui định về phòng cháy, chữa cháy trên cả nước. Bên cạnh các cơ sở kinh doanh, ngay cả các cơ quan nhà nước cũng không ngoại lệ.
Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với trụ sở của Sở Nội vụ thành phố Hà Nội (đóng trên địa bàn quận này), vì lí do chưa đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Đây là một hành động rất đáng hoan nghênh của cơ quan chức năng, thể hiện sự không nể nang, du di cho vi phạm, bất kể đó là doanh nghiệp, người dân, hay cơ quan công quyền.
Lẽ dĩ nhiên, về mặt pháp lý, Công an quận thì không thể đình chỉ hoạt động của Sở Nội vụ thành phố, mà chỉ là tạm đình chỉ hoạt động trụ sở làm việc của Sở này trên địa bàn quận, cho đến khi khắc phục xong vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. UBND và các cơ quan chức năng khác của thành phố cần phải bố trí địa điểm làm việc khác cho Sở Nội vụ, đảm bảo giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công liên tục, không gián đoạn.
Tuy nhiên, điều đáng nói là gần như ngay sau đó, phía Công an quận đã kiểm tra, và giải quyết theo hướng cho phép trụ sở Sở Nội vụ tiếp tục hoạt động bình thường. Đây là điều đáng suy nghĩ: Liệu những vi phạm về phòng cháy, chữa cháy có thể khắc phục nhanh chóng như vậy hay không?
Trong những vụ cháy thảm khốc vừa qua, có không ít trường hợp các cơ sở kinh doanh vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, đã bị xử phạt và yêu cầu khắc phục, nhưng vẫn lén lút hoạt động, đón khách, dẫn đến tổn thất nghiêm trọng về nhân mạng khi có cháy.
Dư luận rất công phẫn khi cơ quan chức năng không kịp thời phát hiện, ngăn chặn các cơ sở kinh doanh có vi phạm. Vậy thì sẽ ra sao khi trong thời gian bị tạm đình chỉ, có hỏa hoạn xảy ra ở trụ sở Sở Nội vụ? Chẳng lẽ cơ quan công quyền sẽ "miễn nhiễm" với cháy nổ?
Cơ sở kinh doanh bị tạm đình chỉ, nếu chưa khắc phục mà vẫn kinh doanh, để xảy ra cháy nổ làm chết người thì sẽ bị khởi tố hình sự. Công việc thì không thể dừng, dịch vụ không thể dừng nhưng cũng cần làm việc trong môi trường đảm bảo an toàn, nhất là với cơ quan quan trọng như Sở Nội vụ
Trong lịch sử của Hải quân Liên Xô - lực lượng hải quân hùng mạnh thứ hai địa cầu vào thời điểm nó tồn tại, sự kiện làm tổn thất nhiều tướng soái nhất không phải là một trận hải chiến với phát xít Đức hay hải quân Mỹ, mà lại là một vụ tai nạn máy bay vận tải.
Ngày 07/02/1981, chiếc máy bay Tu-104 chở các sĩ quan cao cấp trong Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô đã gặp tai nạn ngay khi vừa cất cánh, 50 người trên máy bay thiệt mạng toàn bộ, trong đó có 16 sĩ quan cấp tướng của hải quân.
Nguyên nhân của vụ tai nạn thật cay đắng: Chiếc máy bay xấu số đã bị chất quá nhiều hàng hóa, trong đó có nhiều đồ đạc cá nhân mà các sĩ quan này mua sắm khi về Leningrad đi họp. Tổ bay đã không dám phản ứng trước quyền lực của các đô đốc, dẫn đến tai nạn thảm khốc xảy ra.
Hải quân Liên Xô đã có bài học bằng máu: "Ngay cả Đô đốc cũng không thể đảo ngược các định luật khí động lực học". Quyền lực dù có cao đến đâu, cũng không thể phủ định thực tiễn khách quan. Nhân chuyện xưa để bàn chuyện nay.
Trước định luật khí động lực học, Đô đốc hải quân cũng bình đẳng với binh nhì. Trước ngọn lửa hung tàn, cơ quan công quyền cũng bình đẳng như một doanh nghiệp bình thường.
Sở Nội Vụ Hà Nội đã trở lại hoạt động bình thường sau mấy ngày khắc phục các thiếu sót của hệ thống PCCC. Hy vọng việc tạm đình chỉ hoạt động của Công an Quận Hoàn Kiếm với Sở Nội vụ lần này là một tiền lệ tốt cho các hoạt động thực thi chức trách của các cơ quan chức năng về sau.
Sở Nội vụ - dù có vị trí rất quan trọng trong cơ cấu chính quyền thành phố - nhưng nếu muốn hoạt động vẫn phải tuân thủ các qui định về phòng cháy, chữa cháy.
Không thể có ngoại lệ cho tình huống này. Đây phải trở thành điển hình, là trường hợp làm gương về sự bình đẳng trước pháp luật, bất kể là cơ quan công quyền hay người dân thường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.