Sáng 9/12, Kỳ họp thứ 10 HĐND TP.Hà Nội khóa XVI tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề tái chất vấn kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, cam kết liên quan đến các dự án đầu tư chậm triển khai.
Chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT), đại biểu Nguyễn Minh Tuân - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.Hà Nội nêu vấn đề: Dự án đường trục phía Nam Hà Tây tại Kỳ họp thứ 7, UBND TP cam kết đến ngày 15/7/2022 sẽ chỉ đạo Thanh tra TP thanh tra tổng thể dự án và đến tháng 9/2022 TP sẽ quyết định các nội dung liên quan để triển khai dự án.
Bên cạnh đó, theo các báo cáo và chỉ đạo của UBND TP có yêu cầu trước ngày 30/11/2022 nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) phải thống nhất phương án giải quyết, sau thời gian trên nếu không thống nhất được thì TP sẽ rà soát, chấm dứt hệ thống BT để chuyển sang đầu tư công.
"Nội dung này giao cho Sở KHĐT chủ trì báo cáo tham mưu TP. Đề nghị Giám đốc Sở KHĐT cho biết việc thực hiện chỉ đạo này của UBND TP như thế nào, dự kiến bao giờ giải quyết dứt điểm tồn tại này và bao giờ thi công hoàn thành dự án này để kết nối với đường Vành đai 4 đang triển khai?", đại biểu Tuân đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, dự án này có tổng chiều dài 38 km, trong giai đoạn 1 đã làm được 19 km và hiện nay còn 19 km sẽ thực hiện nằm trong tổng thể làm đường Mỹ Đình – Ba Sao – Bái Đính.
Ông Quân nêu rõ, hiện tại dự án này đang tồn tại một số vướng mắc chính. Cụ thể, nhà đầu tư và DN dự án chưa thống nhất việc phân chia trách nhiệm trong số tiền nộp 920 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, trước đây, UBND tỉnh Hà Tây đã quyết định giao đất cho DN dự án, hiện DN dự án đã triển khai và cơ bản hoàn thành phân đoạn 1 và Khu đô thị Thanh Hà. UBND TP đã chỉ đạo nhà đầu tư ứng kinh phí giải phóng mặt bằng cho phân đoạn 2 của dự án.
"Hiện nay, nhà đầu tư vẫn đang thực hiện ứng kinh phí hơn 200 tỷ đồng để GPMB từ Km19+900 đến KM 41+500 trong đó đã GPMB được 7 km. Trên cơ sở những tồn tại như vậy, chúng tôi cho rằng việc chính ở đây là chuyện thống nhất giữa DN và nhà đầu tư", ông Quân nhấn mạnh
Trước những tồn tại, vướng mắc trên, theo Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội, ngày 27/6/2022, Ban Cán sự Đảng UBND TP đã họp và nghe các báo cáo của sở ngành về tình hình dự án và chỉ đạo Thanh tra TP khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Sau khi Thanh tra Hà Nội báo cáo kết quả giám sát, UBND TP đã xem xét, chỉ đạo các bước tiếp theo. Ngày 24/8/2022, Thanh tra Hà Nội đã có báo cáo số 3271 về kết quả rà soát tổng thể dự án BT trục phía Nam Hà Tây và các dự án khác để hoàn thành dự án BT; ngày 7/11/2022, UBND TP tiếp tục có quyết định 4301 tạm dừng quyết định 5269 ngày 25/11/2020 của UBND TP và vào ngày 1/12/2022 UBND TP có quyết định 4816 bãi bỏ quyết định 5269 ngày 25/11/2020 của UBND TP.
Về các chỉ đạo của UBND TP, ông Quân cho biết, UBND TP đã yêu cầu trước ngày 30/11/2022 nhà đầu tư và DN dự án phải có phương án thống nhất đảm bảo cơ sở pháp lý để giải quyết vướng mắc và cam kết triển khai dự án BT đảm bảo quy định pháp luật…
"Nếu trong thời gian trên nếu không có phương án thống nhất thì TP sẽ rà soát, chấm dứt hợp đồng BT. Đến nay, đang xin ý kiến của cơ quan cấp trên, nếu như có sự thống nhất và TP chỉ đạo thì chúng tôi sẽ tiến hành điều chỉnh chủ trương của dự án BT này", Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội cho hay.
Ngay sau đó, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội – Chủ tọa phiên chất vấn cho biết, nội dung này diễn ra từ lâu. Việc xin ý kiến các cơ quan nội chính cũng vậy, quan trọng nhất là TP và các đại biểu quan tâm là việc thực hiện như thế nào, có tiếp tục thực hiện BT hay không, hay là đầu tư công giống như chỉ đạo của UBND TP?
"Thanh tra TP đã có kết luâ thì mình phải trả lời được câu hỏi đó. Nếu thực hiện thì phải có lộ trình, các đồng chí dự kiến bao giờ thực hiện xong được? Chứ mình không thể nói rằng bây giờ phải chờ chỗ này, chỗ kia thì không bao giờ có lời giải được?", ông Tuấn nói và nhấn mạnh: "Các đồng chí sở ngành không báo cáo được thì Phó Chủ tịch UBND TP phải báo cáo, trả lời, và không được nữa thì đề nghị Chủ tịch UBND TP thay mặt UBND TP trả lời việc này. Chúng ta phải nói với nhau câu chuyện hết sức rõ ràng, cử tri nhân dân theo dõi chúng ta", ông Tuấn nói và đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách lĩnh vực làm rõ.
Làm rõ nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, Dự án đường trục phía Nam của Cienco theo cơ chế BT trước đây từ giai đoạn tỉnh Hà Tây chuyển về TP.Hà Nội, có một thời gian khá dài. Như ý kiến cử tri, đại biểu vừa nêu, đây cũng là vấn đề TP rất bức xúc. Trên cơ sở có mâu thuẫn giữa chủ đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 (Cienco 5) và DN dự án của Tổng Công ty này là Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land).
"Quá trình này gặp phải đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và Thanh tra Chính phủ và các thanh tra của cơ quan an ninh vào kiểm tra. Do đó quá trình này khiến UBND TP cũng bị ảnh hưởng trong tiến độ", ông Tuấn nói và cho biết, UBND TP cũng đã giao cho Thanh tra TP thanh tra dự án BT này.
Ngày 24/8/2022 cơ quan thanh tra của TP.Hà Nội đã có báo cáo, trên cơ sở này phía ngành Tài nguyên Môi trường - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cũng đã có chỉ đạo liên quan đất đai và Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý Công trình giao thông.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn thông tin, đến nay Cienco 5 và Cienco 5 Land đã đạt được thỏa thuận và có văn bản gửi về cho UBND TP cam kết tổ chức thực hiện dự án trong thời gian tới.
"Như vậy, về pháp lý đầu tư dự án, dự án này đã hài hòa, xác định được chủ trương đầu tư đi theo cơ chế BT chứ không chuyển sang đầu tư công. Hiện nay, nhà đầu tư đã cam kết trong phạm vi trước năm 2025 sẽ hoàn thành và chứng minh năng lực tài chính để đầu tư xây lắp ngay. Với đoạn trên 19km giai đoạn 2 khu Phú Mỹ Hưng. Đoạn 21km giai đoạn 1 đã xong, TP sẽ quản lý vốn đối ứng riêng", ông Tuấn nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, trong thời gian tới, dự án này tiếp tục đi theo cơ chế đầu tư BT phù hợp với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Và Cienco 5 và Cienco 5 Land đã cam kết trước năm 2025 sẽ triển khai xong.
Ngay sau đó, Chủ tọa điều hành phiên chất vấn đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP nói thêm về việc bao giờ việc này có thể bắt đầu? Trả lời, ông Dương Đức Tuấn cho hay: "Liên quan đến các nội dung gia hạn hợp đồng BT về thời gian, củng cố các nội dung sẽ được thực hiện xong trong quý I năm 2023, trong thời gian này sẽ chỉ đạo UBND huyện Ứng Hòa và Thanh Oai phải thực hiện GPMB ngay, có mặt bằng đến đâu thì thi công xây lắp đến đó và kết thúc trước năm 2025".