Đến nay, hàng trăm người dân mua đất ở Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 (thuộc địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Oai) vẫn đang trông ngóng cơ quan chức năng TP.Hà Nội xem xét, giải quyết các vướng mắc để được xây nhà ở.
Cuộc sống gia đình đảo lộn vì mua đất nhưng không thể xây được nhà
Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Đức Long, 64 tuổi (hiện đang thuê nhà ở khu Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mua mảnh đất 240m2 tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 từ năm 2011. Thời điểm này, gia đình ông Long mua mảnh đất với mong muốn sau này sẽ xây dựng ngôi nhà khang trang để ở, thuận tiện cho công việc của vợ và việc học hành của con cái.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 3/2019, khi ông Long đang xây dựng phần móng nhà thì bất ngờ nhận được thông báo từ cán bộ UBND phường Phú Lương yêu cầu dừng thi công.
"Tại thời điểm ấy tôi rất ngỡ ngàng bởi chúng tôi đã hoàn thành mọi thủ tục pháp lý, chủ đầu tư cũng đã bàn giao mặt bằng cho gia đình tôi tiến hành xây dựng. Thêm nữa, chúng tôi mua bán mảnh đất hợp pháp, có giấy tờ đầy đủ, không có tranh chấp", ông Long nhớ lại.
Sau khi bị yêu cầu dừng xây dừng, ông Long tìm đến phía chủ đầu tư, UBND phường Phú Lương để hỏi lý do nhưng cũng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
"Chúng tôi xây thêm hạng mục gì thì ngay hôm sau đội quản lý trật tự phường ra yêu cầu tháo dỡ, nếu không phá dỡ họ sẽ lập biên bản và xử lý những bước tiếp theo. Cũng vì thế chúng tôi buộc phải dừng lại, không xây dựng nữa.
Chúng tôi chỉ nghĩ việc dừng xây dựng này chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định. Nhưng lại kéo dài đến tận bây giờ, suốt 4 năm qua vẫn dậm chân tại chỗ. Gia đình tôi có đất nhưng vẫn không thể xây dựng được nhà", ông Long bức xúc.
Việc có đất không thể xây dựng được nhà khiến cuộc sống của gia đình ông Long bị đảo lộn. Nguồn cơn của sự việc cũng chỉ vì xuất phát từ việc mua đất tại khu đô thị Thanh Hà nhưng sau đó không thể xây nhà.
"Đến giờ chúng tôi mong muốn TP.Hà Nội xem xét, xử lý dứt điểm các vướng mắc, lỗi của ai người đấy chịu, làm sao đảm bảo quyền lợi cho người dân, chúng tôi tiếp tục được xây nhà ở, ổn định gia đình, cuộc sống", ông Long đề nghị.
Cùng chung hoàn cảnh với ông Long, chị Khổng Nha Trang (41 tuổi) cũng mua mảnh đất hơn 100m2 tại khu đô thị Thanh Hà Cienco 5.
Tuy nhiên, cũng tại thời điểm năm 2019, khi gia đình chị Trang đang xây dựng phần móng nhà, chính quyền địa phương yêu cầu dừng thi công
"Chúng tôi đem thắc mắc đến hỏi chủ đầu tư thì họ cũng không giải thích được lý do vì sao ngừng xây dựng. Còn phía chính quyền sở tại cũng chỉ trả lời chung chung. Hiện tại, vợ chồng tôi rất suốt ruột, lo lắng vì phải chờ đợi nhiều năm.
Thêm nữa, hiện nay chúng tôi đang phải ở nhờ nhà bà ngoại, với 7 người đang sống chung trong một chung cư rộng 70m2. Không gian ở rất bí bách, con gái tôi cũng đã lớn, cần có không gian riêng tư", chị Trang nói và mong rằng, chủ đầu tư và UBND TP.Hà Nội cần sớm giải quyết hoặc có câu trả lời rõ ràng cho người dân là khi nào được xây dựng nhà.
Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Quốc Hùng (55 tuổi) cũng bán căn nhà trên phố Khâm Thiên, mua mảnh đất hơn 100m2, với giá 5 tỷ đồng tại Khu đô thị Thanh Hà. Ông Hùng cũng như bao hộ dân khác mong muốn sau đó xây dựng ngôi nhà rộng rãi, khang trang hơn. Tuy nhiên, khi ông Hùng chưa kịp xây dựng thì đã nhận được thông báo không được xây dựng tại khu vực này vào thời điểm năm 2019.
"Suốt ba năm qua gia đình tôi phải đi ở thuê, bị ảnh hưởng rất nhiều về kinh tế, hơn nữa cũng rất khó khăn về chỗ ở vì cứ phải đi thuê nhà này đến nhà khác.
Đặc biệt, các con của tôi còn đi học gặp nhiều khó khăn vì chưa được đăng ký được hộ khẩu. Rất mong chính quyền sớm giải quyết để gia đình tôi chính thức được xây nhà, có điều kiện sống tốt hơn", ông Hùng bộc bạch.
Đề nghị sớm xem xét, giải quyết thắc mắc của cư dân Thanh Hà
Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) được đầu tư bằng hình thức hợp đồng BT, đối ứng bằng tiền sử dụng đất của 3 dự án, trong đó có dự án Khu đô thị Thanh Hà A, dự án Khu đô thị Thanh Hà B.
Đối với hai dự án Khu đô thị Thanh Hà A, B diện tích thu hồi để phục vụ dự án là 388,73ha. Ở thời điểm tỉnh Hà Tây ban hành quyết định, đây là khu vực nông thôn. Diện tích đất thực hiện các dự án này, phần lớn là đất nông nghiệp thu hồi của nông dân.
Nhiều vi phạm, vướng mắc tại dự án này đã được các cơ quan chức năng từ Trung ương đến Hà Nội nêu ra, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người dân (66 vướng mắc, đến tháng 8/2022 vẫn còn 22 vướng mắc chưa được giải quyết.
Những vướng mắc này dẫn đến việc người dân bỏ tiền mua đất nhưng không được cấp sổ đỏ, mua đất nhưng không được xây dựng nhà.
Nhiều người dân bị ảnh hưởng quyền lợi của dự án đã đến tòa soạn Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phản ánh, nêu kiến nghị. Họ đều là người dân ở nông thôn lên Hà Nội sinh sống, hiện nay vẫn phải đi thuê nhà. Đây là đối tượng bạn đọc đúng theo tôn chỉ mục đích của Báo.
Những người dân, trong đó có nhiều người xuất thân từ nông dân, đã mua đất tại dự án Thanh Hà Cienco 5 mong muốn được biết thông tin, được giải đáp về quá trình giải quyết những vướng mắc của dự án.
Theo tìm hiểu của Báo NTNN/Điện tử Dân Việt, họ chưa nhận được trả lời chính thức từ cơ quan chức năng Thành phố.
Một trong những ví dụ cụ thể được nêu trong báo cáo của Thanh tra TP.Hà Nội (tháng 8/2022): UBND quận Hà Đông chưa có văn bản trả lời kiến nghị công dân tại Khu đô thị Thanh Hà A, B (theo chỉ đạo của UBND TP ngày 15/3/2016).
Những kiến nghị chính đáng của người dân đến nay chưa được giải quyết.
Đề nghị UBND TP.Hà Nội quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng cung cấp thông tin về việc giải quyết vướng mắc thực hiện Thanh Hà Cienco 5 để người dân được biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.