Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 dừng xây dựng nhiều năm, giá đất vẫn “tăng vọt”

Thái Nguyễn - Nguyễn Đức Thứ bảy, ngày 15/10/2022 10:30 AM (GMT+7)
Mặc dù bị bỏ hoang, nằm bất động nhiều năm nay do vướng sai phạm nhưng đến thời điểm hiện tại, giá đất tại dự án Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 vẫn ở mức cao và liên tục tăng giá trong thời gian qua.
Bình luận 0

Giá đất Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 vẫn tăng vọt

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, đến thời điểm hiện tại, giá đất tại khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 đã thiết lập mặt bằng giá mới và các môi giới vẫn không ngừng mời chào nhà đầu tư mua với giá cao gấp nhiều lần so với trước đây.

Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 bị dừng xây dựng nhiều năm những giá vẫn tăng cao (Video: TN)

Theo tìm hiểu, môi giới bất động sản khu vực Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 cho biết giá các lô biệt thự, liền kề tại đây hiện nay có giá từ 55-65 triệu đồng/m2, mức giá này đã tăng được từ khoảng 3 tháng nay và đến giờ vẫn giữ giá.

Anh Khắc Sơn, môi giới bất động sản khu vực này cho biết, nhiều vị trí giá đất tăng gấp 2, 3 lần so với năm 2020, thời điểm dự án thu hút được nhiều người dân và nhà đầu tư. Bởi cách đây vài tháng có thông tin khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 chuẩn bị được tiếp tục xây dựng. Có nhiều vị trí đẹp, trục đường chính mức giá lên tới hơn 130 triệu đồng/m2, còn những vị trí khác cũng dao động từ 70-90 triệu đồng/m2.

"Giá khu đô thị này môi khi có thông tin tốt lại tăng giá, sau đó vẫn tiếp tục giữ mức giá đó rồi lại tiếp tục tăng, do đó liên tục thiếp lập những mức giá mới. Ngoài ra, thị trường bất động sản khu vực Hà Đông, Thanh Oai cũng liên tục nóng lên, kéo theo giá đất khu vực này cũng tăng lên", anh Sơn cho biết.

Trong khi đó, theo quan sát của phóng viên, tại khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, ngoài những tòa chung cư và một số khu biệt thự đã đưa vào sử dụng thưa thớt hoặc bỏ không cho hoen rỉ thì phần lớn đất trong khu đô thị đang bỏ hoang cho cỏ mọc, nhiều người dân còn tận dụng để thả trâu bò. Đó là chưa kể cơ sở hạ tầng vẫn còn nhếch nhác, chưa hoàn thiện.

Giá đất khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 vẫn tăng bất chấp việc thanh khoản khó khăn (Ảnh: Thái Nguyễn)

Giá đất khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 vẫn tăng bất chấp việc thanh khoản khó khăn (Ảnh: TN)

Còn theo chị Lê Trang, cũng là môi giới bất động sản cho biết nguyên nhân khiến giá đất tại dự án tăng nhanh trong thời gian gần đây ngoài thông tin về việc chủ đầu tư thông báo khởi công xây dựng 500 ô biệt thự tại khu B1.1 thì còn xuất phát từ thông tin về quy hoạch xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang được quan tâm và chuẩn bị các giai đoạn đầu tư.

"Tuyến đường Vành đai 4 sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai tới Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, thời gian sẽ rút ngắn thay vì 30 - 40 phút như hiện tại. Ngoài ra, tuyến đường này còn đóng góp thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực Tây Hà Nội và hình thành các khu đô thị mới hoành tráng, đồng bộ nơi con đường đi qua. Do đó, khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 sẽ được hưởng lợi, giá sẽ còn tăng", chị Trang cho biết.

Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 dừng xây dựng đẩy người mua đất vào thế khó

Trước đó, thông tin chủ đầu tư - Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Cienco 5 đã có văn bản thông báo gửi UBND quận Hà Đông và huyện Thanh Oai về việc khởi công xây dựng trở lại công trình nhà ở thấp tầng tại khu B1.1 thuộc dự án từ ngày 16/5/2022 sau nhiều năm bị đình chỉ.

Tuy nhiên, ngay sau đó, UBND huyện Thanh Oai đã yêu cầu Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Cienco 5 dừng mọi hoạt động thi công xây dựng tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội cho đến khi có văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc cho phép tiếp tục xây dựng. Do trước đó UBND TP.Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm về trình tự, thủ tục, quy hoạch, trật tự xây dựng, đất đai nhưng đến nay Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Cienco 5 chưa khắc phục xong.

Anh L.Q.M (quận Hà Đông, Hà Nội), một người mua đất tại dự án khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 cho biết anh mua 100m2 với giá 3,4 tỷ đồng, tương đương 34 triệu đồng/m2, vào tháng 11/2020. Tuy nhiên, anh M cho rằng hiện nay giá có thể đã lên tới 45-50 triệu đồng/m2, nhưng bán không có ai mua.

"Qua vài đợt sốt đất thì giá mảnh đất của tôi đã tăng lên từ 10-15 triệu đồng/m2, tuy nhiên do dự án đang đóng băng nên chắc chắn bán không ai mua, thậm chí hạ bớt giá xuống cũng khó mà bán được, bất chấp dự án vẫn có thể được xây dựng trở lại trong tương lai", anh M chia sẻ.

Nhiều văn phòng bất động sản khu đô thị Thanh Hà Cienco5 đóng cửa do không có giao dịch (Ảnh: TN)

Nhiều văn phòng bất động sản khu đô thị Thanh Hà Cienco5 đóng cửa do không có giao dịch (Ảnh: TN)

Còn chị Trần Thị A (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng là một người mua đất tại dự án từ năm 2020, chị A cho biết đã mua lô đất biệt thự 300m2 để xây dựng nhà ở với giá 10 tỷ đồng. Đến nay, nhiều vị trí tại dự án này cũng tăng giá khoảng 25%. Tuy nhiên, sẽ không ai dám mua.

"Giá đất có thể tăng cao nhưng thông tin dự án khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 bị dừng xây dựng nhiều người đã biết nên rất khó để phát sinh giao dịch mua bán ở thời điểm hiện tại", chị A cho biết thêm.

Theo các chuyên gia bất động sản, việc nhà đầu tư thứ cấp đầu tư bằng hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các quyền sử dụng đất thuộc dự án đang bị sai phạm, thanh tra là hành động đầu tư mạo hiểm, ẩn chứa nhiều rủi ro. Bởi, giá trị thật của quyền sử dụng đất đang bị thổi phồng vì nó đã qua tay rất nhiều người, và bong bóng về giá có thể vỡ bất cứ lúc nào. Giá tăng nhưng thanh khoản chậm, thậm chí không có giao dịch là một thực tế đang diễn ra hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định nhu cầu nhà ở và đầu tư bất động sản đang tăng nhanh trong khi nguồn cung không theo kịp. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền vẫn buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm tại nhiều dự án.

"Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư dù biết dự án sai phạm hay chưa hoàn thiện pháp lý vẫn ồ ạt mua vào theo những lời chào mời và kỳ vọng sẽ có được lợi nhuận cao khi dự án tăng giá. Tuy nhiên, khi dự án chưa hoàn chỉnh hạ tầng, đặc biệt là pháp lý, các nhà đầu tư sẽ bị rủi ro về tính thanh khoản", ông Điệp chia sẻ.

Ngoài ra, với các dự án vướng sai phạm, có thể phát sinh tranh chấp khi cơ quan chức năng vào cuộc thanh kiểm tra. Hậu quả là các hợp đồng giao kết giữa chủ đầu tư và khách hàng có thể bị hủy bỏ. Khi đó người mua sau cùng lại là người chịu thiệt thòi, bởi giá họ mua đã cao hơn rất nhiều so với giá mà chủ đầu tư chuyển nhượng cho các nhà đầu tư cá nhân trước đó. Đặc biệt, khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu, quyền lợi của nhà đầu tư thứ cấp sẽ không được đảm bảo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem