Không ngần ngại "bắt đầu"
Huỳnh Hạnh Phúc dành phần lớn tuổi trẻ để học và đạt được bằng cử nhân Quản trị kinh doanh tại Trường đại học Quốc tế (Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh), thạc sĩ cùng ngành tại Đại học Misouri (Mỹ), và sau cùng là thạc sĩ Chính sách công tại Đại học Harvard (Mỹ). Với sơ yếu lý lịch học tập đáng nể như vậy, Phúc nhận được không ít lời mời làm việc cho các công ty lớn, với mức thu nhập hấp dẫn, nhưng anh từ chối, lựa chọn con đường khó đi hơn: Cống hiến cho các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng. Dự án "đầu tay" của anh là về giáo dục.
Năm 2015, Phúc biết đến Teach for All-tổ chức giáo dục phi lợi nhuận quốc tế, đã xuất hiện tại 44 quốc gia. Năm 2017, anh quyết tâm đưa tổ chức này về Việt Nam, thành Teach for VietNam (TFV).
Đến nay, TFV đã kết nối thành công hơn 50 trí thức trẻ về giảng dạy và phát triển cộng đồng, ở các mảng tiếng Anh, STEM và khởi nghiệp, tại hai tỉnh Tây Ninh và Quảng Nam.
Bên cạnh đó, TFV cũng đang tổ chức tư vấn và đào tạo cho giáo viên trên khắp cả nước thông qua các buổi đào tạo trực tuyến.
Bắt đầu với muôn vàn khó khăn, nhưng Phúc chưa bao giờ nghi ngờ quyết định của mình: "Tôi đã dành những khoản tiết kiệm được trong quá trình làm công ty cũ, rồi tiền học bổng để đầu tư cho dự án, nhưng những gì học được từ các bạn trong TFV còn lớn hơn nhiều những gì tôi trao đi".
Điều đặc biệt, ngay khi TFV đi vào hoạt động ổn định, có những thành quả đầu tiên, Phúc lại quyết định bắt đầu chặng đường mới.
Cuối năm 2019, sau khi bàn giao hết công việc cho người kế nhiệm, Phúc thành lập Green Connect-doanh nghiệp xã hội hoạt động với mục tiêu giúp các phong trào sản xuất xanh và tiêu dùng xanh trở nên dễ dàng và phổ biến hơn. Niềm đam mê của Phúc lúc này gắn với nông nghiệp xanh, cùng sứ mệnh: "khép kín vòng tuần hoàn từ rác đến nông trại và bàn ăn".
Cụ thể, Green Connect sẽ triển khai đồng thời bốn dự án: NODA - sàn thương mại điện tử cung cấp hơn 500 sản vật địa phương, ngon và sạch; GreenPoints - tri ân xanh vì hành tinh xanh, tặng điểm thưởng xanh cho mỗi hành động xanh; Kompovi - máy ủ phân hữu cơ; Larva Yum - tái sinh rác hữu cơ bằng ấu trùng.
Không chỉ hướng đến môi trường, doanh nghiệp xã hội của Phúc còn tạo việc làm cho nông dân, đồng thời truyền cảm hứng cho các bạn học sinh bằng những hành động gần gũi mà thiết thực. Như với dự án Larva Yum, lực lượng thu gom rác tại các nhà hàng hay chợ đầu mối đều là tình nguyện viên đang ở độ tuổi học sinh, sinh viên.
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, việc gọi vốn gặp không ít khó khăn, Phúc vẫn không hề nản lòng: "Vì doanh nghiệp xã hội nên cũng không có tài sản thế chấp đáng kể, không thể vay ngân hàng, mình phải vay từ bạn bè, với lãi suất 10%/năm. Sau đó thì mình trả bằng hiện vật, các sản phẩm xanh, rau trái tự nhiên".
Đến nay, Green Connect đã hoạt động ổn định hơn bởi Phúc tìm được sự kết nối với những doanh nghiệp lớn, quan tâm đến kinh doanh bền vững, để rồi từ đó, nhiều hoạt động khác hướng đến môi trường sẽ tiếp tục được triển khai.
"Từ khóa" của tinh thần tình nguyện
Hoàng Hoa Trung cũng là một thủ lĩnh thanh niên có tiếng trong lĩnh vực thanh niên tình nguyện Việt Nam. Trung luôn nhắc mình, mỗi người gặp trên chặng đường vừa qua là một "người thầy" đưa đến những bài học đáng trân trọng, giúp anh làm nên thành công hôm nay.
Được biết đến với dự án rong ruổi xây trường dọc biên giới, giờ đây, Trung còn ấp ủ nhiều hoài bão, khát vọng lớn hơn thế.
Tìm gặp Trung để hỏi về hành trình của dự án Nuôi em, khá bất ngờ khi bạn chia sẻ: "Câu chuyện của mình chắc không có gì mới mẻ, chỉ có một tâm nguyện, dù làm bất cứ việc gì cũng phải mang lại hiệu quả cho cộng đồng. Nên mình sẽ cố gắng chia sẻ những điều trước nay chưa từng nói, như bí quyết thành công của mình chẳng hạn!".
Từ "khóa" đầu tiên của anh là khai phá tiềm năng. Khi mới triển khai các hoạt động, anh chỉ dám đưa ra mục tiêu: mỗi năm một ngôi trường. Nhưng sau lần gặp gỡ nhà báo Tạ Bích Loan (Đài Truyền hình Việt Nam), Trung nhớ mãi một điều mà chị nhắc nhở: "Tại sao lại chỉ là một trường? Cho dù mình là sinh viên thì cũng không nên giới hạn khả năng của mình như thế!". Từ đó, Trung không ngừng tìm cách thách thức bản thân, để nỗ lực từng ngày hướng đến mục tiêu khó khăn hơn.
Rồi khi kết nối với Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Trung cùng làm việc với chị Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc trung tâm, và lần này từ khóa mà anh nhận được là mô hình. "Mình nhớ chị ấy nói rằng mô hình tình nguyện sẽ là điều còn tồn tại mãi, phát triển mạnh mẽ hơn nữa kể cả khi người triển khai, khởi xướng ban đầu không còn làm việc được nữa!". Từ đó, Trung mới bắt đầu chuẩn hóa, thiết kế, lên kế hoạch các hoạt động tự phát trước đó của mình thành một mô hình, dự án hoàn chỉnh.
Khi dự án Nuôi em đã đi vào hoạt động ổn định, Trung gặp được một số người anh đi trước, họ chỉ cho Trung công thức thu hút người quyên góp mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Và lời giới thiệu của dự án Nuôi em được "giật tít" ngắn gọn hơn, dễ hiểu, tác động vào nhận thức người tham gia: một em-một người bảo trợ số tiền 150.000 đồng/tháng.
Còn bài học được anh rút ra cho chính mình: xem bản thân như một nhịp cầu, giúp người khác làm thiện nguyện; không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của chính tổ chức mình. Phương châm ấy đã khiến các dự án của Hoàng Hoa Trung thu hút được sự chung tay của cả cộng đồng. Thí dụ như với những hộ gia đình không có kinh tế, Trung nhận từ họ sách cũ, máy tính cũ, sau đó sẽ có nhóm tình nguyện viên nhận sửa lại máy, để có thể được tái sử dụng. Trung đang ấp ủ dự án để học sinh tiểu học, trung học cơ sở cũng có thể quyên góp cho xã hội.
Huỳnh Hạnh Phúc và Hoàng Hoa Trung cùng câu chuyện truyền cảm hứng của họ gặp nhau ở một điểm chung: Không tự đóng khung, giới hạn mình ở những thành công ban đầu. Họ luôn khao khát viết tiếp hành trình khát vọng của mình. Luôn mong muốn lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa nhiệt huyết của tuổi trẻ, luôn muốn đến với từng thân phận, từng hoàn cảnh khó khăn để rồi từ đó, mỗi chương trình, mỗi dự án lại ươm mầm cho những hoài bão, ước mơ cho biết bao tâm hồn trẻ! Khi người ta trẻ-dám sống-dám cống hiến, chân trời luôn rộng mở!