Những "bữa cơm có thịt" giữ chân các em học sinh vùng cao

Thứ sáu, ngày 18/11/2022 10:16 AM (GMT+7)
Ở miền núi huyện Nam Trà My, Quảng Nam, để có được bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho các em học sinh, giáo viên và các mạnh thường quân đã chung sức sẻ chia.
Bình luận 0

Sau 3 năm trở về điểm trường chính dạy học, năm học 2022-2023 này, cô Nguyễn Thị Thu Ba - giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam quay lại điểm trường nóc Tu Gia để dạy cho con em đồng bào Cadong tại đây.

Những "bữa cơm có thịt" giữ chân các em học sinh vùng cao
 - Ảnh 1.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Ba nấu ăn cho các em học sinh (Ảnh: Công Bính).

"Trở lại điểm trường sau 3 năm, điểm trường vẫn như xưa, tình cảm của bà con đồng bào dành cho giáo viên không thay đổi. Và tình thương yêu hơn cả tình thầy trò của giáo viên chúng tôi đối với các em học trò ở nơi khốn khó này vẫn thế", cô Thu Ba chia sẻ.

Những "bữa cơm có thịt" giữ chân các em học sinh vùng cao
 - Ảnh 2.

Những bữa cơm có thịt do giáo viên và mạnh thường quân cùng chăm lo cho các em học sinh (Ảnh: Công Bính).

Nằm trên núi cao, cách xa trung tâm xã, bao năm qua, điểm trường Tu Gia thuộc trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My vẫn duy trì lớp ghép 1 và 2 dành cho con em của gần 50 hộ dân đồng bào Cadong sinh sống tại đây.

Năm học 2022-2023 này, điểm trường cũng chỉ có 13 học sinh, trong đó có 5 em lớp 1 và 8 em lớp 2. 

Hầu hết bà con đồng bào Cadong ở đây chỉ làm nương rẫy, sống bám vào rừng, cuộc sống rất bấp bênh. Cái nghèo vẫn luôn đeo bám cuộc sống của người dân.

Những "bữa cơm có thịt" giữ chân các em học sinh vùng cao
 - Ảnh 3.

Hàng tuần, cô Thu Ba dành 2 buổi nấu ăn cho các em từ số tiền của mạnh thường quân đóng góp (Ảnh: Công Bính).

Để con em đồng bào đến trường học, nhà nước hàng tháng có chính sách hỗ trợ gia đình các em một khoản chi phí để chăm lo cho các em ăn học.

Và để bữa cơm trưa của các em học sinh được đầy đủ dinh dưỡng hơn, ngay khi nhận công tác ở điểm trường Tu Gia, cô Thu Ba vận động các mạnh thường quân chung sức sẻ chia cùng các em.

Cô Thu Ba cho biết, hiện mỗi tháng, các mạnh thường quân gửi cô 3,2 triệu đồng để bữa cơm cho các em học sinh có thêm thịt, cá. Mỗi tuần 2 lần, cô giáo dậy sớm đi chợ để kịp đến trường dạy học, xong buổi học, cô giáo làm "chị nuôi" nấu cơm cho học trò.

"Tôi làm đủ món xoay vòng cơm với cá sốt cà chua, thịt kho canh tôm, mì gà, bún. Các em thích cô nấu ăn lắm, nhất là những ngày mưa gió các em không về nhà mà ở lại trường. Nhìn các con ăn ngon là mình vui, không thấy vất vả gì", cô Thu Ba tâm sự.

Những "bữa cơm có thịt" giữ chân các em học sinh vùng cao
 - Ảnh 4.

Cô giáo cùng phụ huynh học sinh trồng rau để cải thiện bữa cơm bán trú cho học trò với mảnh vườn bên cạnh trường (Ảnh: Công Bính).

Để thêm rau xanh cho bữa cơm trưa của học trò, cô giáo và phụ huynh còn trồng rau ở mảnh vườn bên cạnh trường.

Những "bữa cơm có thịt" giữ chân các em học sinh vùng cao
 - Ảnh 5.

Những món quà đơn giản và đầy tình cảm của bà con dành cho cô giáo nhân dịp 20/11 (Ảnh: Giáo viên cung cấp).

Sự tận tụy của cô giáo được bà con đáp lại bằng những món quà rất dễ thương những dịp đặc biệt như Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Khi thì cô giáo được tặng bó rau rừng, lúc được tặng vài lóng mía.

"Sự quan tâm của bà con ở đây trong những ngày này làm em rất xúc động. Quà của bà con rất đơn sơ nhưng vô cùng ý nghĩa và tình cảm. Sự chân thành, mộc mạc của bà con làm cho em cũng như bất cứ giáo viên nào cũng không thể nào quên", cô Thu Ba tâm sự.

*Bài có sự biên tập ở sapo

Công Bính (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem