"Tết năm nào tôi cũng cố gắng vận động mạnh thường quân từ 300 - 400 phần quà giúp bà con nghèo, công nhân không có điều kiện về quê đón xuân với người dân địa phương. Mỗi phần quà trị giá khoảng 400.000 đồng - 500.000 đồng nhưng họ cảm thấy ấm lòng", ông Phạm Văn Khéo (còn gọi Tám Khéo, 61 tuổi) – Trưởng ấp 5 xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) chia sẻ.
Tháng 6/1980, ông Tám Khéo được mời công tác cho Trạm y tế xã Nhị Thành trong sự vui mừng khôn xiết.
“Ngày đó ai được nhận vào làm cơ quan cấp xã hay huyện là cả dòng họ đi khoe. Mẹ tôi còn dặn dò tôi cứ lo việc Nhà nước, ở nhà ruộng vườn ba má, anh em sẽ gánh hết, đừng suy nghĩ gì” – Ông Khéo nhớ lại.
Lâu ngày, công việc ở trạm y tế giúp ông có nhiều kinh nghiệm quý báu.
Thời bao cấp, xe đạp gần như tài sản vô giá. Chính nó đã nhiều lần giúp ông chạy xuyên đêm chở người bệnh từ nhà ra trạm y tế. Có trường hợp tiên lượng nặng, ông phải cấp tốc mượn xe máy chuyển luôn bệnh nhân lên bệnh viện cấp huyện.
Bốn năm sau, ông được tuyển chọn đào tạo học y sĩ. Nhưng ra trường, ông y sĩ được đưa "xuống ấp" để nhận nhiệm vụ phó ấp kiêm công an viên.
"Khi ở trạm y tế đã vất vả, giờ về tận cơ sở công việc chẳng khác nào “trăm dâu đổ đầu tằm", y sĩ Khéo cho hay.
Một ấp hơn 3.000 nhân khẩu, vậy mà chỉ cần nói số nhà hoặc tên chủ hộ là ông kể vanh vách từ tên tuổi, trình độ, nghề nghiệp. Nhờ nắm chắc, quản lý chặt, số đối tượng vi phạm pháp luật gần như "sợ" ông ra mặt nên ít dám quậy xóm làng.
Ngôi nhà chính của ông là trụ sở của cơ quan. Mọi công việc ở nhà vợ con lo, còn ông vẫn luôn chọn cách cống hiến hết mình cho nhiệm vụ được giao.
"Đi cả ngày đêm, lúc vừa về thay áo chưa kịp tắm, điện thoại báo tin rồi lại đi. Nghe đâu giờ mỗi tháng lãnh có 350.000 đồng, không đủ xăng cho chiếc xe cà tàng", chị Mai Thị Liên - vợ ông kể.
Đoạn Quốc lộ 1A đi ngang qua ấp giống như "điểm đen" cứ 1, 2 ngày lại có một vụ va chạm giao thông. Ngay dốc Cầu Voi 2, một tháng xảy ra tới 10 vụ tai nạn. Người đầu tiên có mặt lại là ông, bảo vệ hiện trường, đưa người bị nạn đi cấp cứu... Tệ nạn ma túy phát sinh, trộm cắp gia tăng. Có đối tượng vừa ra tù đêm khuya tới nhà đe dọa nhưng ông chẳng hề nao núng.
Nhắc đến ông Khéo, anh Lâm Văn Sáu - Đội trưởng dân phòng không khỏi thán phục: "Chúng tôi tham gia cùng ông Khéo để bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Dù còn trẻ hơn nhưng nhiều khi chúng tôi không thể đeo bám theo kịp ông Tám".
Giai đoạn "nhậm chức" Trưởng ấp giống như thử thách "lão tướng" Tám Khéo về sức chịu đựng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cùng với tăng tốc làm căn cước công dân cho kịp tiến độ. Bất kể ngày đêm, một mình ông phải đi rà soát độ tuổi để không sót lọt trường hợp nào đủ điều kiện làm căn cước công dân.
Có những người già neo đơn, ông làm "con thoi" chở họ đi về xã 5km – 7km, ngồi chờ làm xong lại đưa về.
"Tôi biết ơn ông Trưởng ấp nhiều lắm. Đi về tôi gửi cho ông chút đỉnh tiền đổ xăng nhưng không những bị ông từ chối mà còn được tặng thêm gạo, mỳ gói...", bà Nguyễn Thị Lành (73 tuổi, ấp 5) nói.
Lúc dịch bệnh Covid-19 bước vào thời kỳ cao điểm, ông tìm đến người buôn bán nhỏ lẻ, bán vé số dạo, gia đình khó khăn, sống thuê ở nhà trọ để thống kê. Sau đó ông lại tìm mạnh thường quân để nhờ hỗ trợ.
Từng món quà nghĩa tình được đưa đến tận tay người nghèo. Có hộ nghèo được nhận 3 - 4 lần quà trong đợt dịch Covid-19. Lâu lâu ông lại ghé thăm hỏi nếu chưa thể đi làm được, ông tiếp tục xem xét giúp đỡ.
Nhớ lại những ngày tháng căng thẳng vì dịch bệnh, bà Nguyễn Thị Lọt - bán vé số (57 tuổi, quê ở tỉnh Thanh Hóa) kể: " Mỗi nơi ông Trưởng ấp ghé thăm hỏi, tặng quà ai cũng rơi nước mắt vì ông đối xử tử tế. Vì vậy, khi Nhà nước vừa công bố bình thường mới, chúng tôi đi làm liền để ông Khéo bớt lo".
Hiện nay, số cư dân được tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19 mũi 4 ở ấp 5 gần như đạt yêu cầu. "Cứ ai khó khăn đi lại, tôi thuê xe hoặc tự chở đi, phải đạt con số an toàn dịch bệnh cao nhất", Trưởng ấp Tám Khéo nói.
Chỉ còn vài ngày nữa đết Tết Nguyên đán, ông Trưởng ấp lại tất bật vận động kinh phí lo cho hộ nghèo, cận nghèo, công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết.
61 tuổi, ở cái tuổi đáng ra ông Tám được nghỉ ngơi nhưng ông vẫn ngày hai buổi chạy xe đầu làng, cuối xóm thăm bà con nghèo, hộ khó khăn, xây dựng xóm làng an toàn, hạnh phúc.
"Tuổi đã lớn, nhưng ai điện ông Tám cũng đến. Ai cũng phải khâm phục tinh thần vượt qua mọi khó khăn, giúp cho dân thoát khỏi cảnh túng thiếu của ông. Trong 42 năm, số lượng Bằng khen, Giấy khen, Đảng viên xuất sắc của ông Tám Khéo phải đến con số vài chục cái. Đây là thành tích vượt bậc của cán bộ ấp với 42 năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm...", ông Trần Văn Sang, Phó Bí thư Chi bộ ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An).
Đối với chính quyền, ông Tám Khéo là một cán bộ gương mẫu, một đảng viên tiêu biểu. Đối với bà con ấp 5 xã Nhị Thành, ông là phần hơi thở của bà con nghèo vùng nông thôn, là sợi dây gắn kết tình làng nghĩa xóm.