Đêm muộn, Ngọc Ánh, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Đại Từ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) lúi húi dọn tủ quần áo ấm cùng mẹ. Ánh cẩn thận vuốt phẳng phiu từng cái áo ấm, khăn len, tất tay… và đóng thùng để mẹ gửi nhóm tình nguyện đưa lên Hà Giang tặng trẻ em nghèo. Ánh không quên gửi cho các bạn một ít sách truyện tích cóp bấy lâu, vốn là cả “gia tài” đối với em. “Từng đi theo bố lên vùng cao, chứng kiến các bạn nhỏ chân trần, ăn mặc thiếu thốn trong giá rét nên em thương các bạn nhiều hơn. Em nhận ra, mình có quá nhiều quần áo ấm cần phải chia sẻ cho các bạn”, Ánh nói.
Trước Tết chừng một tháng, cô Ma Thị Minh, giáo viên một trường tiểu học ở huyện Sìn Hồ, Lai Châu viết lên mạng xã hội lời kêu gọi cá nhân, đơn vị chung tay ủng hộ trẻ em vùng cao, nơi cô dạy học. Đến nay, cô đã nhận được khoảng 90 suất quà, mỗi suất gồm dầu ăn, mì chính, nước mắm, bánh kẹo… tặng học sinh. “Nhiều em có hoàn cảnh rất đáng thương. Gia đình đông con, điều kiện kinh tế khó khăn, Tết đến thiếu thốn đủ đường, không biết đến bộ quần áo mới, đồ ăn ngon. Do vậy, được nhận quà của các anh chị, các bạn vùng xuôi gửi lên các em vui sướng lắm. Đó cũng là động lực để nhiều năm qua, mình luôn “muối mặt” để xin quà Tết cho học sinh”, cô Minh tâm sự.
Bà Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết, từ năm 2014 mỗi dịp Tết đến xuân về nhà trường sẽ tổ chức chương trình Tết sẻ chia. Trong đó, hàng nghìn học sinh tham gia gói bánh chưng tại trường, quyên góp quần áo ấm, cặp sách, vở viết, găng tay, bánh kẹo… để khoảng 20 âm lịch thầy trò cùng nhau đưa đến các trường, điểm trường ở vùng cao tặng học sinh. Năm nay, trường có thêm hoạt động kêu gọi học sinh, phụ huynh chạy marathon để góp quỹ mua quà tặng cho các em vùng khó. Dự kiến, học sinh sẽ đến điểm trường Nà Ngao, huyện Bắc Quang (Hà Giang) và điểm trường Phiêng Cành tại huyện Mộc Châu (Sơn La) để trao quà và lì xì Tết. Riêng học sinh ở điểm trường Phiêng Cành, thầy trò sẽ tặng tiền để mua bảo hiểm y tế cho học sinh nơi đây. “Ngoài hỗ trợ các em có cái Tết ấm áp hơn thì hoạt động cũng nhằm giáo dục học sinh biết yêu thương, chia sẻ với các bạn, các em nhỏ ở vùng khó”, bà Na nói.
Thời điểm này, tại Trường THCS Trưng Nhị, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) học sinh, giáo viên cũng đang hối hả mang những gói quần áo ấm, chăn ấm… còn sạch đẹp đến trường để gửi tặng học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS số 2 Trọng Hoá, huyện Minh Hoá (Quảng Bình). Mỗi món đồ gửi đi, học sinh được yêu cầu giặt sạch đẹp, gấp gọn gàng, thậm chí viết những lời nhắn gửi, động viên các bạn chưa từng gặp mặt. Đó là ngôi trường vùng núi đặc biệt khó khăn với 100% học sinh dân tộc thiểu số.
Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hằng năm trường vận động học sinh quyên góp sách giáo khoa, đồ dùng học tập, quần áo… gửi tặng học sinh các vùng khó khăn. Năm nay khi kết thúc năm học, học sinh sẽ quyên góp sách giáo khoa đã dùng để nhà trường đóng gói cẩn thận gửi vào trường học ở tỉnh Quảng Trị. “Các hoạt động như vậy cũng nhằm giáo dục học sinh tình yêu thương, lòng trắc ẩn, biết san sẻ lẫn nhau trong cuộc sống. Nhà trường cũng sẽ tặng 20 suất quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn trong trường”, bà Nga nói.
Thầy trò trường Nguyễn Siêu dịp này cũng tổ chức ngày hội, trong đó học sinh tham gia bán các sản phẩm truyền thống Việt, sản phẩm lưu niệm các nước, gian hàng ẩm thực, nặn tò he, viết câu đối… Tất cả số tiền thu được sẽ gửi tới Quỹ ước mơ xanh, hỗ trợ học sinh miền núi và miền Trung. Đoàn trường tặng đệm cho các em nhỏ ở các điểm trường hay tấm xốp lót sàn cho trẻ mẫu giáo vùng cao để các em chống chọi với giá rét.
Phó phòng GD&ĐT Hà Đông (Hà Nội) bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, dịp này, hưởng ứng phong trào của Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, đơn vị cũng đã phát động cán bộ, giáo viên ủng hộ học sinh vùng khó khăn, vùng núi, hải đảo xa xôi để các em vơi bớt khó khăn. Ngoài ra, một số trường học sẽ có các hoạt động tổ chức Tết ấm, tặng quà cho học sinh nghèo của trường.