Sinh ra và lớn lên trong gia đình với hai thế hệ liên tiếp chuyên nuôi và mua bán bò, anh Lương Công Luân sớm tiếp cận với công việc này.
Mô hình nuôi bò của anh Luân, tỷ phú nông dân xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên).
Anh Luân cho biết: Từ nhỏ, tôi đã phụ giúp cha mẹ nuôi bò nên mọi công việc chăm sóc vật nuôi này rất rành rọt. Thỉnh thoảng, tôi còn theo ông nội và cha tham gia những chuyến mua bán bò để học hỏi kinh nghiệm, cách nhìn bò, ngã giá…
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Luân theo học lớp trung cấp Tin tại TP Tuy Hòa. Cũng vào thời gian này, anh được cha cho ra làm ăn riêng, cơ ngơi ban đầu là 10 con bò giống được gia đình hỗ trợ.
Với vốn kiến thức, kinh nghiệm bản thân đã tích lũy trong nhiều năm, lứa bò đầu tiên này anh nuôi thành công, xuất bán cho lợi nhuận khá. Anh dùng số tiền này mua lại đàn bò khác và mở rộng sang nuôi bò sinh sản để nhân đàn. Cứ như vậy, sau mỗi năm, đàn bò của anh ngày càng nhiều lên.
Anh Luân chia sẻ: Bản thân tôi nhận thấy so với các loại vật nuôi khác thì bò dễ nuôi hơn rất nhiều. Khi xảy ra dịch bệnh còn có thể điều trị, không bị chết hàng loạt như heo, gà; thị trường tiêu thụ nội địa rất mạnh, không phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc nên cũng ít rủi ro… Đây là những lý do tôi bám trụ và gắn bó với nghề này trong suốt nhiều năm qua.
Hiện trại nuôi bò của anh Luân được xây dựng trên diện tích 5.000m2 ở bãi bồi sông Ba thuộc thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1. Trang trại có ba khu nuôi tách biệt gồm khu cách ly, khu nuôi sinh sản và khu vỗ béo với tổng đàn bò hơn 120 con, chủ yếu là các giống bò lai chất lượng cao như BBB, Charolais, Limousine…
Trong khi hầu hết người nuôi bò trong tỉnh chỉ mới biết đến phương pháp vỗ béo bò khoảng vài năm gần đây thì anh Luân đã ứng dụng phương pháp này vào chăn nuôi hơn 20 năm qua. Hiện trại bò của anh có hơn 120 con nhưng chỉ có 20 con bò cái, còn lại là bò vỗ béo.
Anh Luân cho biết: Khoảng năm 1993, tôi theo cha vào Ninh Thuận để mua bò xác (bò ốm yếu) đưa về vỗ béo bán thịt nên có nhiều kinh nghiệm trong việc này. Đặc biệt, lứa bò khởi nghiệp đầu tiên của tôi cũng là nuôi vỗ béo và từ đó đến nay, thế mạnh của trại bò cũng là nuôi vỗ béo bò thịt.
“Để nuôi vỗ béo bò hiệu quả, trước tiên người nuôi bò phải mua được bò xác có khung sườn cao lớn vì những con bò loại này vỗ béo sẽ nhanh lên và lợi nhuận mang lại rất cao. Bò sau khi mua về được chủng ngừa, cách ly để loại trừ trường hợp nhiễm bệnh lây lan sang cả trại.
Khi đã hoàn thành cách ly 15 ngày, tôi tiến hành xổ giun sán cho bò trước khi đưa vào vỗ béo. Thông thường mỗi lứa vỗ béo sẽ kéo dài trong 3 tháng, trong thời gian này sẽ có 3 giai đoạn thúc khác nhau.
Giai đoạn đầu (1 tháng đầu) là lúc bò cần nhiều chất béo và tinh bột để nhanh tăng trọng nên khẩu phần ăn sẽ có nhiều chất bột và béo, vì vậy tôi ưu tiên bổ sung hèm bia và sắn. Giai đoạn tiếp theo sẽ thay đổi khẩu phần ăn với tỉ lệ đạm và bột cao hơn giúp bò hình thành các bó cơ trên cơ thể.
Ở giai đoạn cuối (1 tháng cuối) là giai đoạn tạo thịt, nâng giá trị cho bò trước khi xuất chuồng nên sẽ tăng mạnh lượng đạm, giảm lượng bột trong khẩu phần ăn bằng cách bổ sung nhiều bột cá, bột sò... Bình quân trong suốt thời gian vỗ béo, mỗi ngày 1 con bò sẽ ăn khoảng 6kg cám và lượng lớn cỏ xanh, sau 3 tháng vỗ béo, bò sẽ tăng từ 180-200kg/con”, anh Luân chia sẻ.
Đặc biệt, từ nhiều năm nay, khi anh chuyển sang vỗ béo các giống bò lai chuyên thịt như BBB, Charolais…, bò có thể đạt trọng lượng từ 1-1,2 tấn/con, trong đó tỉ lệ thịt có thể chiếm 40-50% nên bán được giá cao từ 90-110 triệu đồng/con.
Để có đủ nguồn bò vỗ béo, ngoài thu mua từ người chăn nuôi trong tỉnh, anh Luân nhập một lượng lớn bò từ các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre…
Dày dạn kinh nghiệm trong chăn nuôi bò nên gần 20 năm qua, chưa lần nào anh Luân gặp thất bại, rủi ro trong sản xuất, lứa nào cũng thành công và mang lại lợi nhuận. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, trại bò của anh Luân xuất bán khoảng 35-40 con bò thịt. Thị trường trọng điểm của trang trại là các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phía Bắc.
Theo anh Luân, để có thể duy trì ổn định các mối tiêu thụ trong hàng chục năm qua, anh phải có chiến lược chăn nuôi cụ thể. Trước tiên phải tính toán được nhu cầu tiêu thụ của thị trường ở từng thời điểm để có kế hoạch tăng đàn, đảm bảo đủ nguồn hàng cung cấp vào bất cứ thời gian nào, nhất là các dịp lễ hội, tết...
Bên cạnh đó, anh còn rất quan tâm đến chất lượng bò thịt của trại để xây dựng thương hiệu. Trong quá trình vỗ béo, ngoài cám tổng hợp, anh còn chú trọng bổ sung thức ăn thô xanh, đảm bảo bò có chất lượng thịt ngon nhất. Với đàn bò hơn 120 con, mỗi ngày trại của anh tiêu thụ 1-1,2 tấn cỏ tươi. Vì vậy, anh Luân đã chủ động trồng và bao tiêu hơn 1ha cỏ của bà con quanh vùng, đảm bảo bò không bị thiếu hụt cỏ.
Anh Luân cho hay: Ngoài đầu ra thì việc kiểm soát rủi ro trong quá trình sản xuất cũng là vấn đề sống còn của trại. Để bảo toàn đàn, người nuôi phải thực hiện đầy đủ các quy định về cách ly và tiêm phòng. Toàn bộ đàn bò của gia đình luôn được tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục và tụ huyết trùng.
Nhờ vậy, suốt nhiều năm nay, trại bò chưa bao giờ bùng dịch mặc dù hoạt động xuất, nhập bò diễn ra hàng ngày. Đồng thời, tôi cũng rất chú trọng đến công tác vệ sinh thú y của trại. Chất thải được thu gom hàng ngày đưa ra bãi tập kết ủ để bón cho cỏ, định kỳ hàng tuần đều phun tiêu độc khử trùng môi trường toàn bộ trang trại…
Trại nuôi bò của anh Luân đang có 6 lao động phụ trách việc chăm sóc đàn bò, mỗi tháng anh phải chi trả khoảng 100 triệu đồng. “Nhờ số lượng đàn lớn và đầu ra rộng nên mỗi năm, trang trại xuất bán khoảng 500 con bò thịt, mang về nguồn lợi nhuận ổn định từ 1,5-2 tỉ đồng”, anh Luân cho hay.
Anh Lương Công Luân là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Từ nuôi bò, mỗi năm anh có nguồn thu hàng tỉ đồng, trở thành tỉ phú khi còn khá trẻ. Ngoài ra, anh Luân cũng rất nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật phòng dịch, vỗ béo và đầu ra cho các hộ nuôi bò ở địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình 1 Nguyễn Ngọc Châu