Afghanistan đang trải qua một trong những mùa đông lạnh giá nhất, với nhiệt độ giảm mạnh xuống mức -28 độ C vào đầu tháng 1 – thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc từ 0 đến 5 độ C vào cùng kỳ các năm trước.
Thời tiết lạnh giá khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt trong bối cảnh số lượng viện trợ nhân đạo phân phối trong nước bị hạn chế.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (UNOCHA) cho biết họ đang cung cấp viện trợ như chăn, sưởi ấm và nơi trú ẩn cho khoảng 565.700 người.
"Nhưng người dân Afghanistan cần nhiều hơn nữa, đặc biệt khi đây là một trong những đợt lạnh nhất suốt nhiều năm", tuyên bố lưu ý.
Khoảng 70.000 gia súc cũng đã chết cóng trên khắp đất nước, Shafiullah Rahimi, phát ngôn viên của Bộ Quản lý Thảm họa của Taliban nói với CNN hôm 24/1.
Kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8/2021, Afghanistan đã rơi vào khủng hoảng kinh tế và nhân đạo.
Theo một báo cáo gần đây của UNOCHA, ước tính có khoảng 28,3 triệu người - khoảng 2/3 dân số Afghanistan - đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp để sống sót.
Ít nhất nửa tá tổ chức viện trợ nước ngoài lớn đã đình chỉ hoạt động tại Afghanistan kể từ tháng 12/2022, sau khi Taliban ra lệnh cho tất cả các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế sa thải nhân viên nữ của họ, hoặc có nguy cơ bị thu hồi giấy phép.
Tuần trước, một số nữ quan chức cấp cao nhất của Liên hợp quốc đã có chuyến công du 4 ngày tới Afghanistan và gặp gỡ các thủ lĩnh Taliban ở Kabul, yêu cầu họ dỡ bỏ lệnh cấm và "đặt lợi ích của đất nước lên hàng đầu".
Amina Mohammed, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đã mô tả các chính sách gần đây của Taliban là vi phạm các quyền con người cơ bản của phụ nữ.
"Afghanistan đang tự cô lập mình giữa cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp và là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu", bà Mohammed nói trong một tuyên bố. "Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để thu hẹp khoảng cách này".