Dân Việt

Vùng đất này ở Nghệ An nhìn đâu cũng thấy nhà sàn cổ, khách đến thích chụp ảnh, quay phim

Với chỉ vỏn vẹn 8 gia đình ban đầu ở Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, giờ đây cả cộng đồng đã có hơn 180 hộ với hàng trăm nhân khẩu. Vùng đất này nhìn đâu cũng thấy nhà sàn cổ, khách phương xa tới ai cũng thích chụp ảnh, quay phim...

 Tết xưa, người dân cả bản sẽ đi chúc mừng năm mới, ăn tết tại từng nhà theo phong tục của người Thái. Giờ đây đã đổi mới, phong tục có rút gọn, nhưng trong những nếp nhà sàn cổ họ vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa riêng…

Những nếp nhà sàn cổ bên dòng Nậm Nơn

Tại xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có một bản người Thái vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Đó là bản Khe Chóng bên dòng sông Nậm Nơn, những nếp nhà sàn cổ của người Thái đã được dựng cách đây hàng chục năm trải qua những thăng trầm của lịch sử. 

Đặc biệt, vào năm 2005, khi thủy điện Bản Vẽ được xây dựng họ phải di dời đến nơi ở mới. Những ngôi nhà sàn lại được "cõng" đi tiếp tục che chở cho cả gia đình qua giông bão. Ở đó, mỗi gia đình với nhiều thế hệ vẫn sống quây quần bên nhau.

tan/Tết xưa và nay trong nếp nhà sàn cổ  - Ảnh 1.

Những nếp nhà sàn được dựng mang nét đặc trưng riêng của người Thái. Ảnh: P.V

Người Thái ở bản Khe Chóng, xã Yên Na dựng nhà sàn thường cân đối về tỷ lệ, hài hòa với thiên nhiên, thích ứng với khí hậu. Nhà sàn được dựng bằng gỗ với những cây cột lớn, rất chắc chắn, cách xa mặt đất. 

Trước kia người Thái dùng phên nứa để trải sàn nhà, thưng các vách vừa để giữ cho ngôi nhà thoáng mát, lại giảm được trọng lượng. Tuy nhiên, giờ đây những vách ngăn, sàn nhà thường được làm bằng gỗ.

Những căn nhà sàn của gia đình ông Lô Sỹ Oanh, Lương Văn Nội, Lô Văn Tuấn… là những nếp nhà cổ đã được dựng hàng chục năm nay. "Căn nhà này được ông cha dựng từ trước, cột được làm bằng gỗ lát nên rất chắc chắn, không bị mối mọt. 

Người Thái chúng tôi thường ở trên triền các dãy núi, cạnh các dòng suối, con sông nên người dân làm nhà sàn với mục đích tránh mưa ẩm, tránh bị lũ quét và thú dữ. Để làm được ngôi nhà sàn ưng ý, người Thái phải chọn loại gỗ tốt nhất. 

Nhà sàn truyền thống sử dụng hệ thống dây chằng bằng lạt tre, dây mây, buộc hết sức công phu, nhưng giờ họ thường dùng sắt thép để thay thế"- ông Lô Sỹ Oanh chia sẻ.

Kết cấu nhà của người Thái thường có từ 3 đến 7 gian, trung bình rộng 20m, dài 60m. Về số lượng gian chẵn hay lẻ là do quy định của từng dòng họ. Hướng nhà của người Thái thường theo một hướng chung. Đặc biệt, nếu hai nhà mà ngoảnh hai hướng là rất kiêng kỵ.

Tết xưa và nay trong nếp nhà sàn cổ

tan/Tết xưa và nay trong nếp nhà sàn cổ  - Ảnh 2.

Những ngôi làng của người Thái ở xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An bên dòng Nậm Nơn. Ảnh: P.V

Ông Lương Văn Đông- trưởng bản Khe Chóng chia sẻ: "Từ xa xưa, có khoảng 8 gia đình người Thái về vùng Bản Vẽ để định cư. Những nếp nhà đầu tiên được dựng lên ở đó. Cũng đã không biết qua bao nhiêu thế hệ, năm 2005 khi nhà máy thủy điện được xây dựng chúng tôi di dời về đây hiện tại cả bản đã có hơn 180 hộ với hàng trăm nhân khẩu. 

Tập tục làm nhà, vật liệu được sử dụng cũng đã thay đổi so với trước nhiều rồi. Trong bản chỉ còn lại một số ngôi nhà sàn cổ đã được làm từ trước".

Nhà sàn của người Thái đều có 2 tầng, tầng trên cao hơn tầng dưới. Tầng trên là nơi sinh hoạt của mọi người trong gia đình, tầng dưới trước đây người ta dùng làm nơi nuôi gia cầm, để các vật dụng lao động và củi. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều gia đình đã sử dụng không gian tầng 1 làm nơi sinh hoạt, có thể tiếp khách.

"Mái nhà sàn cổ của người thái có hình chữ nhật góc nhọn. Trước đây, mái nhà được lợp bằng lá cọ, hoặc lá gồi, nhà có điều kiện thì lợp mái bằng gỗ làm mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Cầu thang nối giữa tầng 1 và tầng 2 có một vai trò quan trọng trong ngôi nhà. Cầu thang được làm theo bậc lẻ, thường có 7 đến 9 bậc, có cầu thang chính và cầu thang phụ. Cầu thang chính được dựng ở lối chính đi lên tầng trên. Cầu thang phụ được làm ở sau nhà, làm lối đi lên gian bếp"- ông Lương Văn Nội chia sẻ.

Cách bố trí trong ngôi nhà sàn người Thái cũng hết sức độc đáo. Gian gần với cầu thang chính có lan can bên ngoài là không gian thiêng liêng nhất nơi đặt bàn thờ gia tiên, nơi thực hiện các lễ nghi quan trọng của gia đình. 

Các gian giữa là không gian sinh hoạt chung của gia đình. Sau đó là các gian sinh hoạt riêng của các thành viên trong gia đình. Gian cuối cùng là nơi đặt bếp, nơi đặt khung cửi, sân phơi…

"Trước kia, khi bản còn ít người, ngày tết cả bản sẽ đi chúc mừng năm mới từng gia đình theo phong tục của người Thái. Tết thường kéo dài nhiều ngày nhưng giờ đây bản cũng đã đông, tết cũng thường được tổ chức ngắn gọn, trong các ngày từ mùng 1 - 5 Tết" ông Lương Văn Đông - trưởng bản Khe Chóng, xã Yên Na chia sẻ.

Hiện nay, những nếp nhà sàn cổ của người Thái ngày một ít đi, thay vào đó là nhiều ngôi nhà xây kiểu miền xuôi, với mái ngói, sơn màu sặc sỡ. Sự biến đổi của nhà sàn Thái trong thời gian qua là kết quả tất yếu của quy luật phát triển, thích ứng với xu thế thời đại, bởi nguồn nguyên liệu gỗ ngày càng khan hiếm.

Thêm vào đó là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn ngày càng phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự thay đổi của nhiều quan niệm, phong tục, tập quán...