Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Một trong những nét đẹp văn hóa rất đáng quý của người Việt đó là đi lễ chùa vào dịp đầu năm mới.
Trong tâm thức của người Việt, chùa là chốn tôn nghiêm, linh thiêng nhưng cũng rất gần gũi. Chùa là nơi có giáo lý nhà Phật hướng định con người đến các giá trị đạo đức thiện lành, hiểu biết, yêu thương, từ bi hỷ xả; giáo huấn mọi người tránh xa những lầm lạc, tham, ác, sân, si…
Chính vì thế, cửa thiền, cửa Phật, nói gần hơn cửa chùa luôn rộng mở với mọi người, ai cũng cảm thấy bình yên, thảnh thơi, an lành, hạnh phúc… mỗi khi lui tới viếng thăm.
Bất cứ ở đâu, từ nơi thôn quê đến chốn thị thành, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ngôi chùa cổ kính đơn sơ hoặc khang trang bề thế. Hình ảnh mái chùa có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm thức của người Việt. Việc lễ chùa đầu năm là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tâm linh đã có tự ngàn đời của người Việt.
Điều đó giúp cho con người biết hướng thiện, tin tưởng, thanh thản hơn, có cảm giác như mình được che chở, bảo vệ khi trao gửi lòng thành và sự khẩn cầu vào đức Phật...
Giữa không gian tĩnh lặng trang nghiêm, tiếng chuông chùa bình thản vang ngân hòa quyện với khói hương trầm nhẹ nhàng và tinh tế, thanh dịu, ấm áp khiến cho bao xô bồ, ồn ã, bon chen, nhọc nhằn của cuộc mưu sinh như được rũ sạch. Gác lại những lo toan, lòng người cảm được sự thư thái, an yên và hướng đến khát vọng một năm mới hanh thông, tốt đẹp.
Nếu ở các thành phố lớn như Hà Nội hoặc Sài Gòn, rất nhiều người sau khi đón giao thừa ngoài trời, xem trình diễn pháo hoa xong, họ cùng nhau đến chùa lễ Phật thì ở vùng thôn quê miền núi, người dân lựa chọn buổi sáng mùng 1 Tết đi viếng chùa để thuận tiện hơn. Hòa trong dòng người đông đảo nhưng trật tự và thành tâm, tôi cũng đến chùa Long Hưng ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên để lễ Phật.
Trong tiết trời se lạnh đầu năm, người đến chùa mỗi lúc một đông, già trẻ gái trai đều có, kể cả các cháu nhỏ rất đáng yêu cũng hồn nhiên tung tăng theo ông bà, cha mẹ. Họ đi cả gia đình hoặc từng đôi, từng nhóm bạn trẻ, ai nấy đều rạng ngời niềm vui xuân mới.
Đầu năm đến chùa, mỗi người đều có nguyện ước riêng cho mình và gia đình. Tựu trung là mong cầu về sức khỏe, bình an, tài lộc, tình duyên, con cái, học hành, thi cử, hạnh phúc; cầu cho dịch bệnh bị tiêu trừ, mưa thuận gió hòa, vụ mùa tươi tốt, quốc thái dân an…Chung quy là cầu mong những điều không may mắn sẽ qua đi và những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới.
Bà Mai Thị Hồng Thu (64 tuổi, ở khu phố Long Bình, thị trấn La Hai),cho biết: "Năm nào tôi cũng đến chùa vào sáng mùng 1 để lễ Phật. Cầu mong cho thời tiết thuận lợi, cuộc sống thanh bình, giá cả ổn định, gia đình bình an, con cháu học giỏi, sức khỏe được dồi dào".
Còn chị Nguyễn Thị Hoa (ở khu phố Long Châu, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân), cho hay: "Gia đình di lễ chùa đầu năm mới, cầu mong đất nước thanh bình, xã hội ổn định, gia đình bình an, sức khỏe dồi dào, con cái chăm ngoan, học hành đỗ đạt, cả năm may mắn".
Đây là những mong cầu rất chính đáng của mọi người, không phải mê tín dị đoan mà tựa nương vào cửa Phật để tự nhắc nhở mình tu nhân tích đức, thực hành theo chính đạo.
Bà con Phật tử, du khách viếng chùa đầu năm, đều hành xử rất văn minh, lịch sự, thành tâm. Từ trang phục đẹp, kín đáo với áo dài truyền thống cho tới cung cách đi đứng, nói năng ứng xử đều nhẹ nhàng, vui vẻ, có văn hóa. Không có hiện tượng gây phản cảm như chen lấn, xô đẩy hoặc bẻ cành, lặt lá trong vườn chùa…
Đầu xuân năm mới đến đền, chùa để cầu nguyện những điều tốt đẹp, là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Việt. Mỗi người dân cần phải nâng cao nhận thức, có cách ứng xử đúng đắn để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có việc đi lễ chùa dịp đầu xuân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.