Sau tuyên bố của bà Baerbock, các chính trị gia đối lập đã đặt câu hỏi liệu bà có phù hợp với công việc hay không.
"Tuyên bố của bà Baerbock rằng Đức đang có chiến tranh với Nga cho thấy bà không phù hợp với công việc của mình", nghị sĩ Sahra Wagenknecht, cựu lãnh đạo Đảng Cánh tả tại Bundestag, đã tweet vào 27/1. Bà Wagenknecht lập luận một bộ trưởng ngoại giao nên là một "nhà ngoại giao hàng đầu", đồng thời cáo buộc bà Baerbock "chà đạp" lên danh tiếng của Đức.
Trong bài phát biểu của mình, bà Baerbock cho biết các quốc gia châu Âu đang "chiến đấu chống lại Nga" và phải làm nhiều hơn để bảo vệ Ukraine.
Alice Weidel, đồng chủ tịch của Đảng cánh hữu Alternative for Germany (AfD) tại Bundestag, cho biết Đức cần một bộ trưởng ngoại giao "có khả năng hành động với tinh thần trách nhiệm chứ không phải châm thêm dầu vào lửa" trong bối cảnh xung đột ở châu Âu, và rằng một bộ trưởng ngoại giao nên đại diện cho lợi ích của Đức.
Gerhard Papke, một nhà lập pháp khu vực từ North Rhine-Westphalia và là chủ tịch của Hiệp hội Đức-Hungary, cáo buộc bà Baerbock là "hoàn toàn không thể chấp nhận được về mặt chính trị" khi đưa ra tuyên bố trên.
Nghị sĩ cánh tả Selim Dagdelen yêu cầu Thủ tướng Olaf Scholz đưa ra lời giải thích "ngay lập tức" về việc liệu bà Baerbock có được chính phủ của ông ủy quyền phát ngôn như vậy hay không. Ông nói thêm rằng Ngoại trưởng Baerbock là mối đe dọa đối với an ninh của người dân Đức.
Cho đến nay, cả bà Baerbock và ông Scholz đều không đáp lại những lời chỉ trích. Bộ Ngoại giao khẳng định Berlin không phải là một bên trong cuộc xung đột giữa Kiev và Moscow, trong một tuyên bố với tờ Bild.
"Việc hỗ trợ Ukraine thực hiện quyền tự vệ cá nhân của mình không khiến Đức trở thành một bên trong cuộc xung đột", Bộ cho biết.
Bộ Ngoại giao Đức nói rằng hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine là "một cuộc chiến chống lại hòa bình và trật tự châu Âu", Bộ nhấn mạnh ý của bà Baerbock là như vậy.
Đáp lại, Moscow lập luận những lời của bà Baerbock cho thấy phương Tây đã lên kế hoạch cho cuộc xung đột này trong nhiều năm.
Đây là lần thứ hai liên tiếp giới ngoại giao Đức bị chỉ trích. Cách đây vài ngày, một tài khoản của Bộ Ngoại giao Đức cũng bị phê phán khi chế nhạo chuyến thăm Châu Phi của Ngoại trưởng Nga Lavrov.
Tài khoản này viết: "Ngoại trưởng Nga Lavrov đang ở Châu Phi, không phải để xem “con báo” (từ con báo được viết bằng biểu tượng hình vẽ), mà để tuyên bố thẳng thừng rằng các đối tác của Ukraine muốn phá hủy tất cả những gì thuộc về Nga”.
Hẳn là phía Đức muốn nhắc tới việc nước này quyết định viện trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine để chống Nga. Leopard nghĩa là “con báo”.
Mặc dù muốn tỏ ra hài hước, song biểu tượng con báo trên tài khoản chính thức của bộ ngoại giao Đức đã khiến một quan chức của Liên minh Châu Phi đặt dấu hỏi, rằng điều đó có thể diễn dịch là châu lục này bị miêu tả chỉ có thú hoang dã.
Ebba Kalondo, phát ngôn viên của Chủ tịch AU Moussa Faki Mahamat, đã tweet lại tài khoản của chính phủ Đức: "Chào các nhà ngoại giao Đức. Sếp các bạn, bà A.Baerbock đã thăm Liên minh Châu Phi dựa trên một trong hơn 20 nước mà Đức có quan hệ ngoại giao có đi có lại. Liệu có phải bà ta đến để xem thú hoang dã? Hay là Lục địa Châu Phi, người dân và thiên nhiên ở đây chỉ là trò đùa với các vị?"
"Chính sách đối ngoại không phải là một trò đùa và cũng không nên sử dụng nó để ghi điểm địa chính trị rẻ tiền bằng cách minh họa toàn bộ Lục địa bằng các vùng nhiệt đới thuộc địa," Kalondo viết trong một tweet tiếp theo.
Bộ Ngoại giao Đức đã xin lỗi và nói rằng dòng tweet không có ý xúc phạm, mà là "chỉ ra những lời dối trá mà Nga sử dụng để biện minh cho cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc đối với Ukraine."
Ông Lavrov đã đến thăm Nam Phi, Eswatini, Angola và Eritrea trong tuần này, nơi ông đã lặp lại tuyên bố của mình rằng Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đang sử dụng Ukraine như một công cụ trong "cuộc chiến hỗn hợp" chống lại Nga.
Nhiều quốc gia Châu Phi có quan hệ lịch sử với Nga. Nam Phi là một trong số những nước bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc vào năm ngoái lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Eritrea đã bỏ phiếu chống nghị quyết cùng với Nga, Belarus, Triều Tiên và Syria.